Phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Chi Mai-Trưởng phòng Chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương).
- Có thể nói, năm 2014 nông sản Việt đã gặp không ít các rào cản, biện pháp phòng vệ thương mại chủ yếu liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nông sản là mặt hàng liên quan nhiều đến sức khỏe nên hầu hết các thị trường đều đặt ra các yêu cầu về kiểm dịch rất cao, chặt chẽ. Cá tra, basa xuất sang Ukraine và Nga là một ví dụ, mặt hàng này đã bị áp lệnh tạm thời cấm nhập cũng vì các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Hay tôm, cá tra, basa của Việt Nam tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ và Luật Nông trại của Mỹ được xem là rào cản lớn nhất cho hàng hóa nông sản của Việt Nam xuất sang Mỹ hiện nay.
Có thể nói, các thị trường XK nông sản chủ lực của Việt Nam đã liên tục đưa ra các chính sách mới để làm khó thêm cho hàng nông sản XK của ta, khiến nhiều mặt hàng nông sản của ta không thể dỡ bỏ được thuế cao…
Trong bối cảnh đó, bà có cho rằng, năm qua XK nông sản của ta vẫn thành công vượt bậc, nhiều mặt hàng đã vươn tới kim ngạch “tỷ đô”?
- Tôi cho rằng, chúng ta đã có nỗ lực rất lớn trong việc đẩy mạnh XK nông sản. Trong số trên 20 mặt hàng đạt kim ngạch XK tỷ USD từ đầu năm tới giữa tháng 12.2014, nổi lên các mặt hàng như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, tiêu, điều, rau quả, cà phê... XK nông lâm thủy sản năm 2014 được các cơ quan chức năng dự báo có thể đạt trên dưới 30 tỷ USD, tăng mạnh so với năm 2013. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đều tăng mạnh...
Nhiều thị trường đã mở cửa trở lại cho nông sản của ta, như Mỹ mở cho trái cây, Nga mở cho cá tra và nhiều nông thủy sản khác; hay Nhật Bản, Hàn Quốc cũng mở cửa cho không ít nông sản của Việt Nam… Nhiều mặt hàng đã có bước phát triển vượt bậc về thị trường như hạt tiêu, thủy sản... Năm 2014, các nước Mỹ, Singapore, Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Ấn Độ nổi lên là những thị trường nhập khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 47% thị phần), có mức tăng trưởng mạnh. Trong đó thị trường Ấn Độ tăng gấp hơn 2 lần cả về khối lượng và giá trị. XK tiêu sang Tây Ban Nha cũng tăng đột biến với mức tăng gấp hơn 5 lần về khối lượng và 8 lần về giá trị so với cùng kỳ 2013.
Mặt hàng thủy sản cũng tạo được đà tăng trưởng mạnh, hiệp hội ngành hàng này đã dự báo kim ngạch XK mặt hàng này trong năm 2014 vượt 7 tỷ USD và hầu hết giá trị các mặt hàng thủy sản XK chủ lực đều có mức tăng trưởng trên hai con số, từ 13 - 42% và thị trường XK cũng được mở rộng hơn với mức tăng từ 15-45%...
Tuy nhiên, những thành công này vẫn chưa thực sự bền vững bởi nông sản của ta vẫn còn quá nhiều điểm yếu để có thể khai phá và trụ vững tại các thị trường trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Cụ thể là những điểm yếu nào, thưa bà?
- XK nông sản của ta chưa có được thị trường bền vững, có thể nói thực tế thị trường nông sản trên thế giới rất cạnh tranh và cạnh tranh rất mạnh mẽ, điều này đòi hỏi không những là kinh nghiệm, kiến thức thị trường mà còn đặt ra yêu cầu cao về khả năng tài chính cũng như nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, người nông dân Việt Nam làm ăn chưa thực sự chuyên nghiệp và bài bản, thường là ngắn hạn. Doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa thực sự đầu tư mang tính chất lâu dài cả về tài chính và con người để có thể phát huy được những lợi thế đặc thù của hàng nông sản Việt Nam, có giá trị gia tăng cao và đa dạng hóa sản phẩm để có thể đáp ứng được nhưng yêu cầu khác nhau của người tiêu dùng trên quốc tế. Chúng ta đã biết XK nông sản bền vững đòi hỏi thương hiệu, chất lượng, ổn định.
Một trong những rào cản cần phải giải quyết để nông sản của ta có thể tiếp cận được thị trường XK giá trị cao là đảm bảo tốt khâu kiểm dịch thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ví dụ để xuất trái cây đi các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước khác thì phải xử lý kiểm dịch thực vật. Bên cạnh đó, trái cây Việt phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm tương đối nghiêm ngặt và ổn định.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nông sản còn chưa chú trọng nhiều vào việc xây dựng thiết kế sản phẩm, thiếu vốn, trình độ quản lý chưa cao nên doanh nghiệp chưa có điều kiện trang bị các kiến thức về XK. Sản phẩm nông sản chưa đạt tiêu chuẩn XK, đặc biệt là XK sang các thị trường lớn và khó tính cũng là một trong những hạn chế của nông sản XK Việt Nam…
Những hạn chế này sẽ tác động thế nào tới các thị trường XK nông sản của ta tới đây, thưa bà?
Quan điểm
Trong bối cảnh thị trường áp dụng chính sách giám sát xuất xứ đối với hàng nông sản, chúng ta cần củng cố nhận thức về nuôi trồng nông lâm thủy sản cho nông dân, thắt chặt công tác kiểm tra và quản lý chất lượng từ khâu nuôi trồng đến thành phẩm.
- Tới đây, các thị trường như Mỹ, EU và nhiều thị trường khác nữa sẽ tiếp tục đưa ra các quy định, rào cản theo hướng bất lợi cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Con cá tra hiện đang bị áp thuế chống bán phá giá ở thị trường Mỹ, hiện nay còn có nguy cơ khác, mệt mỏi hơn cho doanh nghiệp XK cá tra trong nước. Theo Đạo luật Nông nghiệp Mỹ 2008 (Farm Bill 2008) thì Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ định nghĩa lại con cá da trơn- catfish và nếu con cá tra của Việt Nam nằm trong danh sách catfish thì sẽ bị phía Mỹ kiểm tra chặt về vệ sinh an toàn thực phẩm toàn diện, từ khâu nuôi trồng, chế biến cho tới phân phối. Nếu Mỹ định nghĩa cá tra của Việt Nam nằm trong catfish thì hiện tại, con cá tra của Việt Nam khó lòng đáp ứng được các quy định của Farm Bill 2008 của Mỹ.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh nhưng XK hàng hoá của Việt Nam vào EU không phải lúc nào cũng thuận lợi do chính sách bảo hộ của EU ngày càng cao, nhất là ở khu vực nông nghiệp. Những rào cản phi thuế quan này là nguyên nhân lớn nhất khiến tỷ trọng hàng hoá XK của Việt Nam vào EU có chiều hướng giảm sút. EU đã thực hiện một số biện pháp chống bán phá giá đối với một số mặt hàng XK chủ lực như tôm, cá da trơn, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp XK cũng như đời sống hàng trăm ngàn người lao động Việt Nam...
Vậy theo bà, nông sản Việt phải làm gì để có thể vượt qua các rào cản và phát triển XK bền vững?
- Nông sản XK của Việt Nam cần phải đáp ứng nhanh chóng các tiêu chuẩn chất lượng ở một số nước nhập khẩu lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU... Chú trọng chất lượng vì đây sẽ là rào cản phổ biển với nông sản của ta, không ở thị trường này thì cũng ở thị trường khác. Để giảm thách thức này, Việt Nam cần có trợ giúp kỹ thuật từ các nước đối tác chính, bao gồm chuyển giao kỹ thuật, trang thiết bị, kỹ năng và đào tạo và thuận lợi hoá thương mại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động xúc tiến việc liên doanh với các nhà đầu tư từ các nước nhập khẩu chính. Thông qua các đối tác này, công nghệ và kiến thức về thị trường có thể được chuyển giao và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ dần có thể đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các nước đang phát triển.
Mặt khác, các mặt hàng nông sản XK cần được đa dạng hoá thị trường, theo hướng gia tăng tỷ trọng các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn. Cuối cùng, doanh nghiệp cần có chiến lược XK để dù có bị áp thuế ở mặt hàng nào thì vẫn có thể XK được…
Xin cảm ơn bà!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.