Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị toàn thể ISG 2014 với chủ đề:“Thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản: Cơ hội và thách thức” diễn ra vào ngày hôm qua (9.12) tại Hà Nội.
Báo động tổn thất sau thu hoạch
Ông Nguyễn Trọng Thừa – Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết, ngành chế biến nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam chiếm một tỷ trọng đáng kể trong lĩnh vực công nghiệp chế biến (khoảng 20% GDP). Theo kết quả điều tra doanh nghiệp chế biến nông sản năm 2013 đối với 12 ngành hàng chủ yếu là lúa gạo, cà phê, cao su, chè, điều, đường mía, rau quả, hồ tiêu, thịt, thủy sản, thức ăn chăn nuôi và chế biến gỗ, cả nước có 6.610 doanh nghiệp và hàng ngàn hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực chế biến. Từ đó, đưa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản có mức tăng trưởng ấn tượng, năm 2013 đạt 27,7 tỷ USD, tăng 3,4 lần so với năm 2005 (8,1 tỷ USD). Chế biến nông sản ở quy mô công nghiệp đã thu hút khoảng 1,5 triệu lao động trực tiếp, với mức thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/tháng và hàng chục triệu lao động sản xuất nguyên liệu và dịch vụ, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH và xây dựng nông thôn mới.
Chế biến dong riềng làm miến tại Bắc Kạn. Thanh Xuân
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ NNPTNT, mức tăng trưởng sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng giảm dần; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch chậm; sản xuất nông nghiệp đạt “ngưỡng” về năng suất, sản lượng đối với nhiều loại nông sản; tổn thất sau thu hoạch lớn, cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, rau quả, đánh bắt hải sản tổn thất 20%; lúa gạo, ngô 11-13%; đường mía 15%... “Mục tiêu của ngành nông nghiệp là đầu tư theo hướng nâng cao giá trị gia tăng các ngành hàng nông lâm thủy sản, phải tăng bình quân 20%; giảm tổn thất sau thu hoạch 50% so với hiện nay”- ông Thừa nhận định.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng, cơ sở hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến kém phát triển; quy mô công nghiệp chế biến nông sản của nước ta còn nhỏ, công nghệ thiết bị lạc hậu... Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho giá trị hàng nông sản Việt Nam thường thấp hơn từ 15 – 50% so với sản phẩm cùng loại từ nước khác.
Cải thiện môi trường đầu tư
Quan điểm
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát
Với vai trò là Bộ trưởng Bộ NNPTNT, tôi cam kết sẽ giải quyết sớm những vấn đề trong thẩm quyền được giao, những vấn đề nằm ngoài thẩm quyền của Bộ, tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các thành viên Chính phủ để môi trường đầu tư vào ngành nông nghiệp thuận lợi hơn, doanh nghiệp và các nhà đầu tư yên tâm đầu tư dài hạn vào ngành.
Ông Henning Pedersen - Trưởng đại diện Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tại Việt Nam cho biết, lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản vốn là thế mạnh của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam cần phải tái cơ cấu ngành hàng với trục xoay là thị trường; tái cơ cấu vùng sản xuất với trục xoay là lợi thế và tái cơ cấu sản phẩm với trục xoay là giá trị gia tăng hướng tới mục tiêu đến năm 2020, giá trị gia tăng của các ngành hàng nông lâm thủy sản sẽ tăng bình quân 20% so với hiện nay, trong đó tập trung vào các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh lớn như: Gạo, cà phê, cao su, thủy sản, chè…
“Cùng với việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm như: Công nghệ cấp đông siêu nhanh; công nghệ sấy chân không, sấy bức xạ hồng ngoại; công nghệ enzym… Chính phủ cũng cần có cơ chế khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp áp dụng rộng rãi hơn các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về chất lượng ATTP; tạo ra chuyển biến rõ rệt về chất lượng và vượt qua được các rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu”- ông Henning Pedersen nói.
Thông tin đến các nhà tài trợ về định hướng về ngành công nghiệp chế biến, cũng như đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Bộ NNPTNT đang triển khai, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NNPTNT khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư sâu hơn trong các phân khúc có giá trị gia tăng cao như chế biến, thương mại trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản.
Cũng theo ông Phát, trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần có sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò “động lực” kết nối sản xuất, chế biến với thị trường, Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ thông qua cơ chế chính sách đột phá và môi trường đầu tư lành mạnh, thuận lợi. “Phát triển công nghiệp chế biến cũng đồng nghĩa với khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.