Nông thôn mới - đích tới không còn xa

Thứ ba, ngày 02/02/2016 10:29 AM (GMT+7)
Sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Bình luận 0

Những kết quả quan trọng đó là: Kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện. Đến nay, Đầm Hà đã có 7/9 xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới.

img

Mô hình nuôi gà của hộ anh Trần Quang Khương, xã Dực Yên, Đầm Hà.

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Đầm Hà tập trung ưu tiên cho nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong 5 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Đầm Hà đã hỗ trợ người dân 6,371 tỷ đồng; triển khai thực hiện 70 mô hình phát triển sản xuất với tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất trong chương trình nông thôn mới, huyện thực hiện hỗ trợ trực tiếp vật tư, con giống, lãi suất vốn vay cho các tổ chức, cá nhân thực hiện phát triển các giống mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Tiêu biểu như chương trình “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm”, huyện đã thực hiện cơ chế hỗ trợ máy móc, thiết bị như: Dây chuyền máy sấy củ cải, xay xát, sản xuất rượu khoai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Đến nay, nhiều sản phẩm đã xây dựng được logo, nhãn mác, bao bì: Củ cải khô, rượu khoai Quảng Lâm, ngan sao Đại Bình, trứng vịt biển Tân Bình, gạo bao thai Dực Yên, cá song Đức Thịnh, nấm linh chi Đầm Hà…

Từ các mô hình, dự án, cơ chế hỗ trợ của huyện đã tạo thuận lợi cho người dân được tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đặc biệt quan tâm. Trong nuôi trồng thuỷ sản, người dân đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong nhân giống cá song, kỹ thuật nuôi tôm trái vụ trong nhà bạt với tổng kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng.

Cùng với đó, hiện nay Đầm Hà đã hoàn thành Quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và đang triển khai các quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến. Với việc tập trung cho phát triển sản xuất, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 25 triệu đồng/người/năm.

Đối với đầu tư cơ sở hạ tầng, trong 5 năm triển khai chương trình nông thôn mới, huyện đã tập trung nguồn lực cho chương trình với tổng kinh phí trên 715 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp đóng góp trên 45,8 tỷ đồng; nhân dân tham gia ngày công, hiến đất, vật kiến trúc trên 60,3 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong năm 2015, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho 4 xã về đích nông thôn mới với 146 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài gần 46km; đầu tư nâng cấp, sửa chữa 25 tuyến kênh mương cấp 3 với chiều dài 11,1km... Đến nay, toàn huyện có 8/9 xã có đường trục xã, liên xã được cứng hoá; 9/9 xã có hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất; 100% trường học mầm non có cơ sở vật chất đạt chuẩn; 95% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh...

Đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Bí thư Huyện huỷ Đầm Hà cho biết: Với cách làm sáng tạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới nên mặc dù từ một địa phương có xuất phát điểm thấp so với các địa phương trong tỉnh, đến nay Đầm Hà đã có 7 xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới. Bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở Đầm Hà được triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương, trong đó chú tâm triển khai thực hiện các tiêu chí cần ít kinh phí như: Vệ sinh môi trường, văn hoá, an ninh trật tự, hệ thống chính trị… và tập trung cho xây dựng hạ tầng sản xuất; phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất.

Các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được phát động rộng rãi như: Phong trào “Đầm Hà chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Tuổi trẻ Đầm Hà chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp đồng hành xây dựng nông thôn mới”… đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới, năm 2016 huyện tiếp tục nâng cao chất lượng các chỉ tiêu nông thôn mới với mục tiêu “4 tốt hơn” (đời sống, thu nhập của người nông dân ngày càng cao hơn; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại hơn; đời sống vật chất, văn hoá tinh thần, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị truyền thống ở nông thôn; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an sinh xã hội ở nông thôn ngày càng tốt hơn; đảm bảo môi trường sinh thái, phát triển bền vững hơn).

Theo đó, huyện tập trung vận động toàn dân tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Năm 2016, giữ vững các chỉ tiêu, tiêu chí đã đạt được đối với 7 xã đã “cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới”, tiếp tục hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí còn lại để đạt “xã nông thôn mới”. Phấn đấu đưa 2 xã: Quảng Tân, Dực Yên đạt chuẩn nông thôn mới và tiến tới xây dựng mô hình “nông thôn tiên tiến”.

Thái Cảnh (Báo Quảng Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem