Diện mạo mới
Để diện mạo nông thôn Sa Pa thay đổi như hôm nay, có thể nói sự đóng góp của người dân là rất lớn. 6 tháng đầu năm, người dân Sa Pa đã đóng góp hơn 13,2 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sa Pa, cho biết: Huyện Sa Pa duy trì 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới trong giai đoạn 2011 – 2015 là xã Nậm Cang. Mục tiêu trong giai đoạn 2016 – 2020, Sa Pa phấn đấu sẽ có 4 xã sẽ hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện xã Tả Phìn đang huy động mọi nguồn lực để cán đích NTM vào cuối năm. Đến nay, số tiêu chí bình quân trên địa bàn huyện Sa Pa là 9,35 tiêu chí, so với năm 2015 tăng lên 4 tiêu chí
Trang trại trồng 5ha hoa ly ứng dụng công nghệ cao của ông Ngô Văn Sơn, đội 4, thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức lương từ 3 - 4 triệu đồng/tháng
“Cái thuận lợi nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Sa Pa là nhận được sự đồng thuận cao trong dân, vì nông thôn mới đáp ứng và giải quyết được những mong muốn của bà con” – ông Thành bày tỏ.
Nói về bộ mặt mới của nông thôn Sa Pa, ông Thành cho hay: So với năm 2010, diện mạo nông thôn ở Sa Pa thay đổi rất nhiều, từ đường giao thông nông thôn, điện, trường học đến cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư… Đặc biệt, trình độ dân trí của người dân được nâng lên rõ rệt qua từng năm.
Hạ tầng giao thông tốt tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho người dân vùng nông thôn huyện Sa Pa (Lào Cai).
“Nếu như trước đây đường từ xã Tả Phìn vào thôn Tả Chải chỉ đảm bảo đi được mùa khô, thì đến nay mặt đường đã được bê tông hóa với chiều rộng 2,5m đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện quanh năm. Người dân dễ dàng vận chuyển nông sản từ thôn ra xã, ra huyện bán nên thu nhập của bà con được nâng lên qua từng năm” – anh Lý Láo Lở, thôn Tả Chải (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa) phấn khởi.
Đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân
Tiếp tục câu chuyện nông thôn mới với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sa Pa, chia sẻ: Thực hiện phong trào phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, trong năm 2018, huyện Sa Pa đã triển khai 21/22 dự án trong sản xuất nông nghiệp với tổng kinh phí là hơn 20,2 tỷ đồng (trong đó vốn Nhà nước là hơn 7,7 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng và vốn ủy thác ngân sách huyện chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ dân vay vốn là 2,4 tỷ đồng.
Trang trại nuôi cá nước lạnh của ông Nguyễn Văn Lũy ở thôn Can Hồ A (xã Bản Khoang, huyện Sa Pa) cho lãi 3 tỷ đồng/năm, đồng thời giải quyết việc làm cho 4 lao động địa phương với mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng
Cái cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới là đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Vì vậy, để tạo điều kiện sản xuất và nâng cao thu nhập cho bà con, huyện Sa Pa rất quan tâm tới việc đầu tư cho "tam nông". Điều này được thể hiện qua các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất cho người dân, đặc biệt là đồng bào người dân tộc thiểu số như: Dự án phát triển đàn bò hàng hóa từ nguồn vốn theo Quyết định số 293 của Thủ tướng Chính phủ; dự án phát triển hoa địa lan kiếm hoàng hồng tại thôn Can Hồ Mông, xã Bản Khoang; kế hoạch phát triển hoa địa lan bằng phương pháp tách chồi từ nguồn NTM…
Các trang trại sản xuất nông nghiệp ứng công nghệ cao ở Sa Pa đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân
Cùng với các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất từ Nhà nước, nhiều hộ dân đã từ bỏ tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng vào chăn nuôi cá nước lạnh, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trên địa bàn huyện Sa Pa có 71 cơ sở nuôi cá nước lạnh với diện tích mặt nước là 32.079m2, thể tích là 31.380m3, sản lượng cá thu hoạch đạt hơn 200 tấn/năm. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2015 chỉ có 50 ha nhưng đến nay đã tăng lên 220 ha. Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tập trung chủ yếu là hoa, rau, chè, cây ăn quả…
Theo ông Thành, thực tế ở Sa Pa cho thấy, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả từ 4 – 5 lần so với sản xuất thông thường, thậm chí cao gấp 10 lần. 1ha hoa ly/1 vụ cho doanh thu từ 3 – 3,5 tỷ/ha, lợi nhuận đạt từ 600 – 800 triệu/ha; sản xuất rau cho doanh thu từ 400 – 500 triệu/ha/năm, lợi nhuận đạt 200 – 300 triệu/ha/năm; cây chè đạt doanh thu 500 triệu/ha/năm, với lợi nhuận từ 150 – 200 triệu/ha/năm… Từ đó, thu nhập tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho cho bà con ở nông thôn. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.