Nông thôn mới Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn hướng đến đô thị loại IV dựa trên cơ sở nào?

Trần Hậu - Đoàn Hồng Thứ hai, ngày 17/07/2023 13:06 PM (GMT+7)
Xây dựng nông thôn mới ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được xác định là "có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc". Kế thừa thành quả đã đạt được, địa phương tiếp tục vạch ra lộ trình mới, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, phấn đấu đến năm 2025 trở thành thị xã (đô thị loại IV).
Bình luận 0

Hạ tầng tạo đòn bẩy cho nông thôn mới Bình Sơn bứt phá

Ông Ung Đình Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: "Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện tích cực, diện mạo nông thôn huyện Bình Sơn có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng.

Các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện luôn đi đúng hướng, đạt kết quả khả quan, nhất là công tác xã hội hóa trong xây dựng cơ sở hạ tầng, mà trọng tâm là hạ tầng giao thông nông thôn".

Quảng Ngãi: Tập trung hoàn thiện hạ tầng, Bình Sơn hướng đến đô thị loại IV - Ảnh 1.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giúp cho diện mạo nông thôn huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) "thay áo mới". Ảnh: T.H.

Công tác quy hoạch được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất – tinh thần của người dân từng bước được nâng cao.

"Kế thừa những thành quả đã đạt được, huyện đang triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp để phấn đấu đến cuối năm 2023 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích huyện nông thôn mới trong năm 2024 và trở thành thị xã vào năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%, cận nghèo dưới 3%....

Để đạt được các mục tiêu đó, huyện cần tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tận dụng mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng đồng bộ, đạt chuẩn và tiếp tục lấy nhân dân làm chủ thể, khơi dậy nội lực, sức mạnh toàn dân trong xây dựng nông thôn mới...", ông Ung Đình Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn.

Đến nay, toàn huyện đã có 20/21 xã đạt chuẩn tiêu chí về giao thông, cụ thể: có 226,18km đường xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa (tỷ lệ 97,98%); 188,11km đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa (tỷ lệ 92,18%); 501,89km đường ngõ xóm sạch sẽ, không lầy lội và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm (tỷ lệ 90,53%); 344,1km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện (tỷ lệ 73,29%).

Có 82,6% chợ tại các xã đạt tiêu chí số 7 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và 27 chợ được xếp hạng theo quy định.

Trong giai đoạn 2021-2023, có 128 dự án được triển khai với tổng kinh phí gần 233 tỷ đồng từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, huyện tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn huyện Bình Sơn đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại IV, thành thị xã Bình Sơn và định hướng đến năm 2030.

Quảng Ngãi: Tập trung hoàn thiện hạ tầng, Bình Sơn hướng đến đô thị loại IV - Ảnh 3.

Ông Ung Đình Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn. Ảnh: T.H.

Huyện tiếp tục đề xuất cấp trên xem xét, hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Bình Nguyên; kêu gọi đầu tư cụm công nghiệp Bình Long, Bình Long 2, Bình Mỹ, Bình Khương để tạo động lực mới trong phát triển kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội gắn với bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Đến tháng 6/2023, huyện Bình Sơn có 18/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 2 xã (Bình Thuận và Bình Châu) đang chờ tỉnh xét, công nhận xã nông thôn mới; 2 xã chờ xét, công nhận xã nông thôn mới nâng cao (Bình Dương và Bình Trị).

Quảng Ngãi: Tập trung hoàn thiện hạ tầng, Bình Sơn hướng đến đô thị loại IV - Ảnh 4.

Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, liên kết giữa các vùng giúp lĩnh vực thương mại - dịch vụ của huyện Bình Sơn ngày càng phát triển. Ảnh: T.H.

Ông Hiền cho biết thêm, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, chính quyền huyện Bình Sơn đang tích cực chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Đặc biệt là trên lĩnh vực nông nghiệp, huyện đang triển khai cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm trồng trọt, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm đặc trưng như: dưa hấu, ớt, măng tây, kiệu Bình Long, nước mắm Mười Quý, nén Bình Phú, nghệ vàng Bình Châu, hành tím Bình Hải, mực tẩm bè, chanh thơm Bình Thanh.

Thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng

Năm 2022, huyện Bình Sơn có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 10,87%. Tổng giá trị sản xuất cả năm đạt 20.722,52 tỷ đồng, trong đó: ngành nông nghiệp đạt 2.851,47 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 13,76%); công nghiệp và xây dựng đạt 7.273,06 tỷ đồng (chiếm 35,10%); thương mại dịch vụ đạt 10.598 tỷ đồng (chiếm 51,14%).

Ông Hiền chia sẻ: "Nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân là mục tiêu cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới. Vì thế, huyện tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và hình thành chuỗi liên kết giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dồn điền đổi thửa.…".

Quảng Ngãi: Tập trung hoàn thiện hạ tầng, Bình Sơn hướng đến đô thị loại IV - Ảnh 5.

Thời gian qua, huyện Bình Sơn rất tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, để nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Quang Đạt

Nhờ đó, giá trị thu nhập trên 1ha đất canh tác đến nay đạt trên 78 triệu đồng, cao hơn 10 triệu đồng/ha so với trước đây. Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây rau màu đạt 3.358ha, cho thu nhập cao hơn từ 10-20 triệu đồng/ha so với trồng lúa.

Các mô hình kinh tế hiệu quả tiếp tục được nhân rộng như: nuôi trồng thủy sản kết hợp tôm thẻ chân trắng, cua, cá; mô hình trồng ớt, dưa hấu, dưa lưới, các cây trồng có lợi thế phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; mô hình chăn nuôi kết hợp VAC, VACR: bò lai siêu thịt, heo siêu nạc, gà an toàn sinh học….

Cùng với nông nghiệp, các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ đều tăng trưởng mạnh. Những thành tựu đó đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, tạo cơ sở vững chắc để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Quảng Ngãi: Tập trung hoàn thiện hạ tầng, Bình Sơn hướng đến đô thị loại IV - Ảnh 6.

Hành tím được xem là cây trồng chủ lực của xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Ảnh: CTV.

Song song với công cuộc xây dựng nông thôn mới, huyện Bình Sơn còn tích cực tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Sau 5 năm triển khai, huyện có 7 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Nước mắm Mười Quý, Nén Bình Phú, Tinh bột nghệ Bình Châu, Hành tím Bình Hải, Mực tẩm bè, Lục bình gốm Mỹ Thiện và Chanh thơm Bình Thanh.

Theo ông Hiền, so với các địa phương khác thì Bình Sơn có số sản phẩm OCOP còn hạn chế. Song, huyện không chạy theo số lượng mà quan tâm đến sự phát triển bền vững, chất lượng của sản phẩm OCOP được công nhận, góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Trong thời gian đến, huyện định hướng phát triển các sản phẩm có tiềm năng, mang tính đặc trưng, đồng thời từng bước chú trọng và phát triển mô hình du lịch sinh thái.

Quảng Ngãi: Tập trung hoàn thiện hạ tầng, Bình Sơn hướng đến đô thị loại IV - Ảnh 7.

Sau 5 năm triển khai Chương trình OCOP, huyện Bình Sơn đã có 7 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ảnh: CTV.

Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và các hội đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm, nhà ở, vay vốn sản xuất, hỗ trợ con giống, vật nuôi, đào tạo nghề.

Đặc biệt trong năm 2022, UBND huyện đã vận động công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị đóng góp kinh phí hỗ trợ hàng tháng và hỗ trợ các tiêu chí thiếu hụt như: nhà ở, phương tiện thông tin, vật nuôi cho 6 hộ gia đình có thành viên thuộc đối tượng chính sách, người có công thoát nghèo bền vững.

Từ hỗ trợ này, các hộ gia đình không chỉ thoát nghèo, mà đã vươn lên có mức sống trung bình. Đến cuối năm 2022, huyện Bình Sơn có 2.461 hộ nghèo, tỷ lệ 4,06%, giảm 0,55% so với năm 2021; hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 5,76%, giảm 1,84% so với đầu kỳ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem