Nông thôn vẫn rất “khát” vốn

Thứ tư, ngày 21/07/2010 09:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm qua 20-7 tại Hà Nội, Ngân hàng NN&PTNT VN (Agribank) đã tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ và triển khai Nghị định 41 về chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn.
Bình luận 0
 img
Giải ngân nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn tại một chi nhánh của Agribank ở Hà Nội.

Hầu hết các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng, hiện khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhu cầu vay vốn rất lớn.

Vốn lan nhanh đến nông dân

Ngay sau khi có Quyết định 67, Agribank đã tiến hành ký Nghị quyết liên tịch 2308 ngày 9-1-1999 với T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và Nghị quyết 02 ngày 5-1-2000 với T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để thực hiện quyết định này.

Ông Nguyễn Thế Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Agribank cho biết: "Trong suốt hơn 10 năm qua, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ đã đồng hành cùng với Agribank đi suốt chiều dài đất nước. Sự hợp tác này là một mô hình lý tưởng, được đánh giá rất cao, nhờ thông qua các tổ vay vốn như thế, nên tỷ lệ nợ xấu của Agribank luôn đảm bảo ở mức dưới 2%, đồng thời nguồn vốn cũng được lan toả nhanh đến với nông dân. Đây là mô hình càng mở rộng, càng tốt".

Sau 10 năm triển khai, Agribank đã cho vay trên 50.000 tỷ đồng với 8 triệu lượt thành viên vay vốn qua mô hình tổ vay vốn của Hội Nông dân và Hội Phụ nữ, trong đó riêng cho vay qua các tổ của Hội ND đạt 40.000 tỷ đồng và 7 triệu lượt thành viên. Tính đến hết năm 2009, có 383.191 tổ vay vốn với tổng số thành viên của tổ còn dư nợ là 1.573.103 thành viên; tổng dư nợ 15.327 tỷ đồng.

Ông Bình cho biết: "Hiện tổng tài sản của Agribank đạt gần 500.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho nền kinh tế là 380.000 tỷ đồng. Mặc dù nguồn vốn của Agribank hàng năm không ngừng tăng trưởng với tốc độ gần 30% năm, song vẫn không theo kịp yêu cầu của tăng trưởng tín dụng". Theo đánh giá của Agribank, tuy đang duy trì khối lượng tín dụng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm tỷ trọng 70% tổng dư nợ, nhưng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế và khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Cần tăng thêm vốn cho Agribank

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà- Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: "Ngay sau khi ký Nghị quyết 02 với Agribank, chúng tôi đã tích cực triển khai, phối hợp tập huấn về nghiệp vụ cho vay ở các chi, tổ hội Phụ nữ, nhờ đó có thời điểm tổng dư nợ cho vay thông qua Hội Phụ nữ đã đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng với 1,7 triệu lượt chị, em được vay vốn. Tuy nhiên, gần đây số dư nợ cho vay qua Hội Phụ nữ ngày càng giảm, hiện chỉ còn 3.600 tỷ đồng, trong đó riêng Hội Phụ nữ Thanh Hoá chiếm 1.800 tỷ đồng".

Theo đánh giá, không phải nhu cầu vay vốn của chị em phụ nữ giảm, mà có những nguyên nhân quan trọng khác như nhiều chị em còn ngại vay vốn với lãi suất thị trường, thủ tục phức tạp, hầu hết chị em không đứng tên trên giấy nhà đất, nên không có tài sản thế chấp.

Do đó, theo bà Hoà, "Hội Phụ nữ và Agribank cần xây dựng lại chương trình phối hợp giai đoạn 2010-2020, trong đó đẩy mạnh cho vay không có đảm bảo bằng tài sản với các hình thức linh hoạt, đa dạng, tập trung cho vay theo mô hình, đề án sản xuất. Đặc biệt, do việc tiếp cận nguồn vốn của Agribank còn hạn chế, trong khi nhu cầu nguồn vốn của người dân còn rất lớn, nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần cấp thêm vốn cho Agribank để tạo thêm nguồn vốn cho nông dân".

Bà Bùi Thị Minh Hoài- Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho biết thêm: Thông qua mô hình cho vay vốn qua Hội Nông dân của Agribank, tổng dư nợ đã đạt 10.598 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, số dư nợ qua Hội Nông dân trong giai đoạn gần đây hầu như không tăng, trong đó có đến 10 đơn vị không có dư nợ, 28 đơn vị số dư nợ chỉ đạt từ dưới 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.

Bà Hoài cho rằng: "Nguyên nhân của những hạn chế này là việc điều chỉnh mức vay không phải thế chấp tài sản đối với hộ sản xuất và cá nhân chậm được điều chỉnh, không theo kịp với sự phát triển kinh tế ở nông thôn. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã đưa ra 7 kiến nghị với nhà nước, trong đó Ngân hàng Nhà nước cũng cần bổ sung thêm vốn cho Agribank, bởi cho dù chúng ta xây dựng chính sách tốt đến đâu, nhưng không có vốn để thực hiện thì người nông dân cũng không thể vay được vốn như chính sách đề ra. Agribank cũng cần sớm cùng với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ bổ sung các nghị quyết liên tịch cho phù hợp với tình hình phát triển sản xuất hiện nay".

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu: Các ngân hàng cần công khai, minh bạch thủ tục vay

Agribank cần tiếp tục đóng vai trò là ngân hàng chủ lực phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn. Tôi cho rằng, các đoàn thể nhất là Hội Nông dân và Hội Phụ nữ ngày càng có vai trò lớn, mạnh dạn tham gia vào việc triển khai việc vay vốn cho người nông dân, nhưng cần có sự bổ sung, phối hợp cho phù hợp với tình hình mới.

Một điểm đáng lưu ý là việc cải cách thủ tục cho vay vốn, từ trước đến nay chúng ta luôn nói đến vấn đề đơn giản hoá thủ tục, nhưng theo tôi các ngân hàng cần phải tìm ra giải pháp công khai thủ tục, minh bạch, rõ ràng thì sẽ có hiệu quả hơn trong việc triển khai vay vốn cho người nông dân".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem