Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NSVSMTNT) đã triển khai được 14 năm, song đến nay rất nhiều vùng nông thôn vẫn phải dùng nước nhiễm asen, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài.
Ngày 24.7, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương để nhìn lại công tác này và bàn các biện pháp giải quyết trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dự và chủ trì hội nghị.
Nguồn nước ngầm bị khai thác quá tải
Cho đến nay, hầu hết các vùng nông thôn vẫn đang phải sử dụng nước sinh hoạt hoàn toàn dựa vào nguồn nước ngầm từ giếng khoan, có rất ít nơi được sử dụng nước mặt đã qua xử lý. Chính điều này đã dẫn tới sự quá tải của nguồn nước ngầm.
Như tại tỉnh Cà Mau, do không có hệ thống nước mặt, đa phần là khai thác nước ngầm nhưng hiện hệ thống nước ngầm cũng đang bị nhiễm mặn và ô nhiễm nặng.
Mặt khác, việc khai thác quá mức nước ngầm đang xảy ra tình trạng sụt lún, nên theo lộ trình đến 2020 Cà Mau phải chấm dứt khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, Cà Mau cần Nhà nước hỗ trợ một nguồn vốn lớn để dẫn nước từ sông Hậu về.
Ngay như Hà Nội, nhiều người dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, hiện Hà Nội có những vùng bị nhiễm asen rất nặng, nhất là các vùng nông thôn, UBND đã phê duyệt 6 dự án với nguồn kinh phí 700 tỷ đồng, nhưng chưa rõ các công trình cấp thiết này ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư bao nhiêu và khi hoàn thiện thì quản lý như thế nào nên vẫn chưa thực hiện được.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến tháng 6.2014, kết quả đạt được của các vùng, miền cho thấy tỷ lệ đạt thấp tập trung ở các vùng miền núi phía Bắc (cấp nước đạt 80% và vệ sinh đạt 50%), Bắc Trung Bộ (cấp nước đạt 75% và vệ sinh đạt 50%), Tây Nguyên (cấp nước đạt 80% và vệ sinh đạt 50%)…
Cũng theo đánh giá, mục tiêu cấp nước và vệ sinh trường học và mục tiêu dân số được cấp nước đạt tiêu chuẩn 2 của Bộ Y tế là khó đạt được. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: “Để đạt được 100% các mục tiêu từ nay đến hết năm 2015 cần có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của người dân và khu vực tư nhân”.
Hợp tác công - tư xây dựng các công trình cấp nước sạch
Tuy vậy, ở một số địa phương đã có cách làm tốt để thực hiện được mục tiêu của chương trình. Ông Phạm Văn Ca – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, trong 14 năm triển khai chương trình, tỉnh đã đưa ra một loạt các giải pháp để thực hiện như: Quy hoạch lại toàn bộ hệ thống nước sạch; ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ toàn bộ tiền đền bù giải phóng mặt bằng; kinh phí nhà nước hỗ trợ 17,5%, còn lại là các doanh nghiệp đăng ký đầu tư.
Sau 2 năm doanh nghiệp đã vào cuộc nhưng tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn, nên tỉnh lại hỗ trợ 3 – 5 năm lãi suất vay ngân hàng nên đến nay, trên 90% trường học đạt chuẩn về vệ sinh và nước sạch.
Theo ông Hoàng Văn Thắng, mặc dù đã đạt được nhiều thành tích, kết quả nhưng chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tỷ lệ trường học có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia còn thấp, có khả năng khó đạt mục tiêu của chương trình vào năm 2015.
“Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về hợp tác công – tư (PPP) làm cơ sở pháp lý để hướng dẫn, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực NSVSMTNT. Ưu tiên nguồn vốn (bao gồm cả ODA), đối ứng cho các dự án đầu tư công – tư, phục hồi và nâng cấp các hệ thống cấp nước tập trung", ông Thắng cho biết.
Để đẩy mạnh chương trình xã hội hoá NSVSMT, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, Ban chỉ đạo cũng sẽ kiến nghị lên Thủ tướng cho phép xây dựng một cơ chế “ưu đãi” mạnh hơn nữa nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực NSVSMT.
“Nước sạch là vấn đề hết sức quan trọng, sau cái ăn là nước nên cần phải lo được nước sạch cho dân, các địa phương muốn hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM không thể không hoàn thành tiêu chí NSVSMT”- ông Phát cho biết.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: “Dù PPP đối với NSVSMT là lĩnh vực khó nhưng tôi nghĩ hoàn toàn có thể làm được. Cứ để Nhà nước quản lý thì các công trình sẽ xuống cấp, trong khi có tư nhân đầu tư sẽ không phải lo tình trạng này nữa”. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo Bộ Tài chính cần có kế hoạch thu xếp vốn cho NSVSMT để đạt được mục tiêu đề ra vào 2015, đồng thời giao Bộ NNPTNT phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch giai đoạn 2016-2020.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.