Quốc Cường Gia Lai khó khăn ra sao với 12 dự án "bất động"
Sự kiện đáng chú ý tuần qua là Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, cùng các lãnh đạo thành phố, đại diện các sở, ngành đã có buổi gặp gỡ với hơn 100 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn.
Tại buổi gặp gỡ, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai đã nêu lên tình cảnh sống dở chết dở khi có tới 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai kể về tình cảnh sống dở chết dở của công ty.
Một trong những nguyên nhân theo bà là thủ tục hành chính quá nhiêu khê. "Làm doanh nghiệp đầu tư kinh doanh mà mệt mỏi quá, bức xúc quá. Tôi nhiều lần trong tâm trạng chán nản, nếu không vì cổ đông, nợ ngân hàng, cuộc sống hơn 3.000 nhân viên Quốc Cường Gia Lai thì tôi đã tự tử" bà nói.
Chia sẻ thêm trên báo chí sau phát ngôn trên, vị nữ CEO cho biết, đã "vét" hết tiền nhà cho doanh nghiệp, thậm chí đã thế chấp nhà, xe, vay tiền bạn bè.
Trong năm 2018, Quốc Cường Gia Lai chỉ có doanh thu thuần đạt 732 tỷ, giảm 15% so với năm 20187. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 106 tỷ đồng, tương đương 33% kế hoạch năm.
Vinamilk được thông qua kế hoạch chào mua công khai GTNfoods
Tại một buổi gặp gỡ nhà đầu tư, Vinamilk cho biết đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua kế hoạch chào mua công khai 46,68% cổ phần GTN của Công ty cổ phần GTNfoods.
Trước đó, Vinamilk cũng công bố việc dự kiến chào mua tối đa 116,7 triệu cổ phiếu, tương đương 46,68% cổ phần của GTNFoods với giá 13.000 đồng cho mỗi đơn vị. Như vậy, giá trị thương vụ là hơn 1.500 tỷ đồng.
GTNFoods đang nắm giữ 73,7% cổ phần Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico), đơn vị sở hữu 51% vốn của Công ty CP Sữa Mộc Châu. Điều này đồng nghĩa, nếu thương vụ thành công, Vinamilk sẽ nắm Sữa Mộc Châu và qua đó mở rộng thị phần sữa.
Tuy nhiên, sau đó, Hội đồng quản trị của GTN đã có nghị quyết thông qua ý kiến thống nhất không đồng ý với đề nghị chào mua trên.
Gang thép Thái Nguyên nguy cơ phá sản
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) vừa công bố Tài liệu họp ĐHCĐ 2019 trong đó có nội dung đáng chú ý: Hiện doanh nghiệp này đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, mất cân đối tài chính nghiêm trọng.
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên cho biết, hệ số nợ của Gang thép Thái Nguyên (Tisco) gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu.
HĐQT Tisco thừa nhận: Nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản đang hiện hữu tại doanh nghiệp nếu không được Chính phủ, các ngân hàng và cấp có thẩm quyền giải cứu kịp thời
Tính đến cuối năm 2018, hệ số nợ của Gang thép Thái Nguyên (Tisco) gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 82% tổng tài sản.
Tài sản ngắn hạn của Tisco là 3.424 tỷ trong đó tiền và tương đương tiền chỉ còn 89 tỷ, hàng tồn kho 2.400 tỷ và 775 tỷ phải thu ngắn hạn.
Theo đánh giá, nguyên nhân sự bết bát của Tisco không chỉ vì phải cạnh tranh với các đối thủ do giá thép xuống thấp, mà phần lớn do mắc kẹt tại dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên.
Đây là dự án bị đưa vào danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ và Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm.
Bị ngân hàng đòi vì nợ...196 đồng
Tuần qua, mạng xã hội râm ran sau chia sẻ một khách hàng ở Linh Đàm, Hà Nội về việc anh bất ngờ nhận được thông báo từ ngân hàng yêu cầu thanh toán khoản nợ trong thẻ tín dụng với số dư nợ... 196 đồng.
Số dư nợ này đã chậm thanh toán tới 968 ngày. Phía ngân hàng yêu cầu vị khách hàng "phải sớm thanh toán dứt điểm khoản nợ trên để tránh các bất lợi không đáng có".
Phía ngân hàng cũng yêu cầu anh phải thanh toán số nợ trên bao gồm 196 đồng dư nợ gốc và 5 đồng tiền phạt chậm nộp. Vị khách này sau đó đã phải tìm 2 tờ tiền mệnh giá 200 đồng để mang nộp vào ngân hàng.
Một khách hàng bất ngờ nhận được thông báo từ ngân hàng yêu cầu thanh toán khoản nợ trong thẻ tín dụng với số dư nợ... 196 đồng.
Trả lời trên báo chí, đại diện ngân hàng xác nhận về giao dịch trên. Theo lý giải, việc nhắc nợ và truy thu hiện được quản lý tự động trên hệ thống, nên xảy ra trường hợp như vậy.
Vụ ly hôn nghìn tỷ: Bà Diệp Thảo kháng cáo, ông Nguyên Vũ đòi chia 7:3
Tuần qua, TAND TP HCM cho biết đã nhận được đơn kháng cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) về bản án ly hôn sơ thẩm tuyên hôm 27/3.
Trong đơn, bà Thảo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và bày tỏ nguyện vọng đoàn tụ với ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Trong khi ấy, ông Vũ cũng kháng cáo, yêu cầu chia các tài sản theo tỷ lệ ông 70%, bà Thảo 30%.
Trước đó, ngày 27/3, Tòa đã chấp nhận đơn ly hôn giữa ông Vũ bà Thảo, theo đó giấy kết hôn giữa hai người không còn giá trị pháp lý.
Với tài sản, tòa tuyên giao ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần của bà Thảo tại Trung Nguyên, bao gồm tất cả các đơn vị liên quan.
Trong khi ấy, bà Thảo sở hữu toàn bộ số tiền vàng tại các ngân hàng với giá trị 1.700 tỷ và 7 bất động sản trị giá 375 tỷ. Ông Vũ cũng có trách nhiệm thanh toán lượng cổ phần Trung Nguyên chênh lệch của bà Thảo tương đương 1.200 tỷ.
Tổng giám đốc Vietravel tuần qua xác nhận đã nộp đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.