Nóng vấn đề quản lý an toàn thực phẩm từ chợ dân sinh đến siêu thị

Quỳnh AnhQ Thứ năm, ngày 07/11/2019 16:00 PM (GMT+7)
Với hơn 70.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 454 chợ, 120 siêu thị, 22 trung tâm thương mại có kinh doanh thực phẩm, Hà Nội rất vất vả trong vấn đề kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm.
Bình luận 0

Tại phiên họp giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố do Thường trực HĐND thành phố Hà Nội vừa tổ chức, nhiều câu hỏi của các đại biểu đã chất về về việc quản lý ATTP ở các chợ cóc, chợ dân sinh và cả siêu thị.

Liên quan đến vấn đề quản lý ATTP trong chợ truyền thống, nhất là tại các chợ tạm, chợ cóc, đại biểu Nguyễn Quốc Khánh (Tổ Hoàng Mai) chất vấn về tình trạng vi phạm trong kinh doanh thực phẩm đường phố tại khu vực chợ Nghĩa Tân, chợ Hàng Bè. Đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ Mê Linh) nêu, một số địa phương có hoa quả, thực phẩm không rõ nguồn gốc bày bán tràn lan và đề nghị Chủ tịch UBND các phường và quận làm rõ các vấn đề trên.

img

Về vấn đề này, ông Hoàng Thạch Tâm, Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) giải trình: Do thói quen của người dân sinh hoạt ở các khu chợ truyền thống nên vẫn diễn ra tình trạng buôn bán hàng rong trên địa bàn, trong khi công tác kiểm soát của phường chưa triệt để. Hiện, phường đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý về ATTP. Từ đầu năm 2019 đến nay, phường đã kiểm tra 34 cơ sở, xử phạt một số hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống”.  

Liên quan đến vấn đề quản lý chợ tạm, chợ cóc, ông Võ Nguyên Phong - Chủ tịch UBND quận Đống Đa cũng cho biết, hiện trên địa bàn quận còn có khoảng 20 điểm họp chợ trong khu dân cư, 4 chợ cóc. Đối với tình trạng họp chợ Cầu Mới nằm trên địa bàn phường Ngã Tư Sở và một phần phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân), tháng 9 vừa qua, cơ quan chức năng hai quận Đống Đa và Thanh Xuân đã ra quân giải tỏa chợ Cầu Mới, sắp xếp các hộ kinh doanh ở đây vào chợ Ngã Tư Sở. 

“Quận Đống Đa đã thực hiện sắp xếp để bảo đảm điều kiện cho các tiểu thương; xây dựng các chuỗi cửa hàng rau quả sạch để phục vụ người dân; tăng cường công tác kiểm tra…”, đồng chí Võ Nguyên Phong cho biết.

Ngoài ra, không ít ý kiến quan tâm đến việc quản lý sản phẩm hết hạn trong các siêu thị. Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng thừa nhận, ở các trung tâm thương mại, siêu thị, nhưng vẫn có hiện tượng sản phẩm có nguồn gốc chưa bảo đảm. Hiện nay hệ thống phân phối trên địa bàn có 25 trung tâm thương mại, 110 siêu thị, hơn 1.000 của hàng tiện ích. 

Ông Thăng cũng cho biết, trong giấy phép kinh doanh, Sở yêu cầu các cơ sở phải có giấy truy rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra mà cơ sở nào không trình được giấy truy rõ nguồn gốc sản phẩm thì sẽ bị xử phạt. “Tuy nhiên, thực tế việc kiểm tra nguồc gốc xuất xứ sản phẩm chưa làm được như mong muốn. Người tiêu dùng cần lưu ý khi mua sản phẩm cần quan tâm đến hạn sử dụng của sản phẩm ghi trên bao bì trước khi mua”, ông Thăng nói.

Tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã nêu một số giải pháp trong thời gian tới nhằm thực hiện tôt công tác quản lý ATTP trên địa bàn thành phố. Cụ thể như tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống; tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, đào tạo các kỹ năng của các cán bộ, nhân viên kiểm tra ATTP; tiếp tục tập huấn cho các chủ cửa hàng bán rau củ quả, hoa quả, chủ cửa hàng bán hàng ăn; lấy ý kiến về việc cấp chứng chỉ cho các chủ cửa hàng.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa liên hoàn, đồng bộ từ người chăn nuôi, nuôi trồng đến chế biến; hoàn thiện các quy định về quản lý kiểm tra, xử phạt; tăng cường việc đầu tư các cơ sở kiểm tra, xét nghiệm nhanh trên địa bàn bảo đảm tính chính xác, khách quan; đề xuất Chính phủ sớm có nguồn đầu tư công sửa chữa các chợ trên địa bàn, tạo điều kiện tốt nhất bảo đảm ATTP.

Thành phố sẽ chú trọng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ rau, củ, quả; cơ sở chế biến sản xuất nước, lương thực, thực phẩm tươi sống; siết chặt quản lý nguồn gốc các chất bảo quản; đồng thời nâng cao kỹ năng kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm cho các cán bộ cấp phường.

 Ngoài ra, thành phố tiếp tục tập huấn cho chủ cửa hàng về an toàn thực phẩm và cấp chứng chỉ; tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng sản xuất liên hoàn; tổ chức diễn tập các sự cố về an toàn thực phẩm, đặc biệt là ở trường học, khu công nghiệp. Cùng với đó, thành phố sẽ hoàn thiện các cơ chế xử phạt các cơ sở có vi phạm về an toàn thực phẩm; đầu tư thiết bị cho các cán bộ trong công tác thanh tra, kiểm tra. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem