Nộp phạt vi phạm giao thông tại chỗ: Gỡ khó cho người vùng cao

Thứ ba, ngày 11/02/2014 06:59 AM (GMT+7)
Đề xuất người vi phạm giao thông có thể nộp phạt tại chỗ cho cảnh sát giao thông (CSGT) đang được nhiều người dân, đặc biệt là người dân ở các vùng núi, vùng sâu vùng xa hoan nghênh.
Bình luận 0
Như NTNN đã thông tin, Bộ Công an đang dự thảo thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định 171/2013, trong đó có đề xuất người vi phạm giao thông có thể nộp phạt tại chỗ cho cảnh sát giao thông (CSGT). Đề xuất này đang được nhiều người dân, đặc biệt là người dân ở các vùng núi, vùng sâu vùng xa hoan nghênh.

Đỡ đi lại phiền phức, vất vả

Tại những tỉnh Tây Bắc, có những bản làng cách xa trung tâm huyện cả trăm km, đường sá rất khó khăn và ý thức tham gia giao thông của bà con cũng có những hạn chế nhất định. Nhưng theo anh Lò Văn Hoan - dân bản Noong Lào, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La thì: Những vi phạm của nông dân vùng sâu cũng không đến nỗi nghiêm trọng lắm vì dân vùng sâu chẳng ai đua xe, đánh võng, gây nguy hiểm cho người khác mà chủ yếu là vi phạm về việc không đội mũ bảo hiểm, chưa mua bảo hiểm phương tiện hoặc mua nhưng đã hết hạn, thiếu gương...

Bởi thế cứ khi bị lực lượng CSGT kiểm tra là “lòi ra” vi phạm ngay. “Mỗi lúc bị tuýt còi như vậy, nếu xin xỏ không được thì đành cầm biên bản, đợi đến khi nào có dịp xuống huyện, ra tỉnh thì kết hợp nộp phạt luôn để lấy giấy tờ. Như vậy, đương nhiên là trong quá trình chưa lấy giấy tờ, cái xe ấy vẫn tiếp tục hoạt động trong bản làng, khu vực sản xuất, tức là vẫn vi phạm một số lỗi chứ chưa thật sự được khắc phục lỗi” – anh Hoan nói.

Theo anh Hoan, việc thực hiện xử phạt tại chỗ như trước đây đã từng áp dụng là một biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người vi phạm giao thông, nhất là người dân vùng cao.

Được nộp phạt tại chỗ, người vi phạm trật tự giao thông tránh được nhiều phiền phức (ảnh minh họa).
Được nộp phạt tại chỗ, người vi phạm trật tự giao thông tránh được nhiều phiền phức (ảnh minh họa).

Còn theo ông Phạm Bá Hà - chủ xe ô tô tải ở Chiềng Ngần, TP.Sơn La thì việc áp dụng xử phạt tại chỗ là một tiến bộ và vì quyền lợi người tham gia giao thông. “Theo tôi, không có chuyện thu tiền qua kho bạc thì sẽ giảm tình trạng ăn chia giữa CSGT và người vi phạm luật, mà thậm chí như vậy còn có khả năng làm tăng thêm tình trạng ấy vì ai cũng muốn xử phạt nhanh để được đi cho xong việc mình, ai cũng ngại chạy qua, chạy lại hàng chục, thậm chí hàng trăm km để nộp phạt.

Đấy là chưa kể những lúc đang khó khăn, có việc gấp, đến địa bàn lạ không quen đường hay đang mệt mỏi… thì việc được nộp phạt tại chỗ với người vi phạm là điều rất hợp lý. Còn chuyện sợ thất thoát tiền phạt, CSGT ăn chia với người vi phạm là việc của cơ quan chức năng, là trách nhiệm, lương tâm của người thi hành công vụ, không nên bắt người vi phạm phải “chung gánh nặng” quản lý với lực lượng công vụ và lãng phí thời gian, tiền của, công sức của nhân dân khi cứ vòng vo đi nộp phạt” - ông Hà khẳng định.

Chiều 10.2, trao đổi với phóng viên, lái xe Nghiêm Xuân Hùng (tuyến xe khách Cao Bằng - Mỹ Đình, Hà Nội) cho rằng: Việc quy định người vi phạm giao thông nộp phạt thẳng cho CSGT nếu được thực hiện sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho người dân. Theo quy định cũ nếu người vi phạm lỗi nhỏ cũng phải đi kho bạc nộp phạt, rồi hàng tuần sau mới quay lại trụ sở công an lấy lịch hẹn trả giấy tờ sẽ mất nhiều thời gian.

Đối với xe máy là phương tiện đi lại hàng ngày, giấy tờ xe luôn phải gắn với người. Còn với ô tô khách hay ô tô tải, giấy tờ còn là phương tiện kiếm ăn, vì thế nếu bị giữ chỉ vì lỗi nhỏ, rồi phải đi giải quyết thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến công việc, thu nhập của người dân.

Thuận lợi cho cả CSGT

Cũng về vấn đề này, đại tá Nguyễn Đến - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Đà Nẵng cho biết, quy định này nếu được ban hành không phải áp dụng đối với tất cả các trường hợp vi phạm giao thông mà chỉ áp dụng đối với các lỗi, hành vi đơn giản mà CSGT trong thẩm quyền xử phạt của mình được ra quyết định xử phạt. Còn các trường hợp khác, người vi phạm vẫn phải đến kho bạc nộp phạt như trước đây.

Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhận định: Quy định trên phải nói là tiến bộ, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Ở các nước phát triển, người vi phạm giao thông thường bị xử phạt bằng cách trừ tiền trong tài khoản. Ở nước ta, tài khoản cá nhân chưa phổ biến nên chưa thể áp dụng quy định kiểu này. Tuy nhiên cũng phải có những quy định tạo sự thuận lợi cho người dân. Còn việc phát sinh tiêu cực khi đề ra quy định mới thì nó là đương nhiên, vấn đề gì cũng có tính hai mặt của nó, việc gì lợi ích nhiều hơn nên áp dụng. Còn việc ngăn chặn tiêu cực thì phải đặt vào công tác quản lý nhà nước đối với người thực thi công vụ. Có thể việc xử phạt người vi phạm được thực hiện ở các chốt, các điểm nhất định, nơi đó có hệ thống camera theo dõi để giám sát…

Ngọc Lương (ghi)

Cũng theo đại tá Đến, dự thảo quy định này không phải bắt buộc người vi phạm giao thông phải nộp tiền tại chỗ cho lực lượng CSGT mà họ vẫn có thể đi lên kho bạc nộp tiền trong trường hợp người vi phạm không mang theo tiền.

“Nếu dự thảo này được ban hành chính thức thì lực lượng CSGT hoàn toàn có thể đảm trách được bởi lâu nay theo một số quy định của Chính phủ, lực lượng CSGT vẫn có thể xử phạt và thu tiền phạt trực tiếp với các hành vi vi phạm bị phạt dưới 400.000 đồng như: Đi vào đường cấm, điều khiển xe máy chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng cách...”.

Trung tá Nguyễn Đức Thịnh (Phòng CSGT – Công an TP.Hà Nội) cũng nhận định: Quy định người vi phạm giao thông được nộp phạt thẳng cho người ra quyết định xử phạt là quy định tránh sự phiền hà cho người dân, tránh việc đi lại mất thời gian. Quy định hiện nay người vi phạm phải mất thời gian đi nộp tiền ở kho bạc, sau khi nộp phạt 5-7 ngày, người vi phạm mới tới trụ sở đội CSGT hoặc cơ quan ra quyết định xử phạt để lấy lịch hẹn trả giấy tờ, như vậy mất cả một quá trình.

Thứ nữa nhiều trường hợp vi phạm phải giữ giấy tờ, lưu xe kho bãi thì sau một thời gian, số tiền người vi phạm phải trả cho việc trông giữ xe quá lớn, trong khi phương tiện giá trị không lớn nên nhiều khi họ bỏ phương tiện luôn. Để giải quyết việc này, lực lượng công an phải mất thêm thời gian làm những thủ tục khác.

“Nếu quy định trên được thực hiện, công tác quản lý lực lượng CSGT phải được thực hiện chặt chẽ hơn, nếu không nhiều khi lơi lỏng có thể dẫn tới sai phạm”- trung tá Thịnh cho biết.

Kiều Thiện - Lương Kết - Đình Thiên (Kiều Thiện - Lương Kết - Đình Thiên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem