NPK-S Lâm Thao được ưa chuộng ở quê lúa

Bùi Thị Nga - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Bình Thứ bảy, ngày 19/09/2015 07:30 AM (GMT+7)
Bón phân NPK-S chuyên lót, chuyên thúc của Lâm Thao, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh sớm, tập trung; lúa trỗ nhanh, gọn, rút ngắn thời gian sinh trưởng, tỷ lệ hạt chắc trên bông cao, năng suất cao hơn so với ruộng khác...
Bình luận 0

Thái Bình là tỉnh nông nghiệp với 7 huyện và 1 thành phố, có 286 xã, phường, thị trấn, trong đó 279 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội Nông dân (ND). Dân số  Thái Bình trên 1,8 triệu người, trong đó gần 70% sống ở nông thôn, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Diện tích tự nhiên 1.546km², diện tích đất nông nghiệp 102.000ha, diện tích trồng cây hàng năm trên 93.000ha, trong đó diện tích lúa nước gần 82.000ha. Lượng phân bón hàng năm sử dụng cho trồng trọt là rất lớn, chủng loại phân bón được sử dụng ở Thái Bình cũng rất đa dạng và phong phú.

Trình diễn mô hình bón phân chuyên dụng

img

Phân bón NPK-S Lâm Thao được nhiều ND Thái Bình tin dùng.  Ảnh: MAI LIÊN

Trong những năm qua, Hội ND Thái Bình đã tích cực thực hiện Quyết định số 80 (năm 2002) của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng (thường gọi là liên kết 4 nhà: Doanh nghiệp, nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học), và đặc biệt là thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Hội ND toàn quốc lần thứ VI, Nghị quyết Đại hội Hội ND tỉnh Thái Bình lần thứ IX. Hội đã đổi mới phương thức hoạt động thông qua những việc làm thiết thực mang lại lợi ích cho hội viên, ND.

Các cấp Hội tỉnh Thái Bình đã chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, các công ty, trạm, trại để tập trung làm tốt các dịch vụ hỗ trợ ND phát triển sản xuất như: Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn để hội viên ND tham quan học tập, từ đó nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức hội trong việc tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Để đánh giá tác động của phân bón NPK-S Lâm Thao đối với cây lúa trên các vùng sinh thái khác nhau tại Thái Bình, đồng thời chủ động nguồn phân bón có chất lượng cung ứng cho ND trong tỉnh, trong 2 năm 2014 và 2015, Hội ND tỉnh đã phối hợp Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tiến hành xây dựng mô hình trình diễn phân bón chuyên dụng nhằm đánh giá hiệu quả của việc áp dụng phân bón NPK –S*M1 5:10:3-8 bón lót và NPK-S*M1 12:5:10-14 bón thúc trên lúa tại 12 điểm thuộc 6 huyện, gồm: Xã Đông Cường, xã Đông Động (huyện Đông Hưng); các xã Vũ Hòa, Bình Minh, Nam Cao, xã Quang Hưng (huyện Kiến Xương); xã Đông Hoàng, Đông Trung (huyện Tiền Hải); xã Song An, Nguyên Xá (huyện Vũ Thư); xã Thống Nhất (huyện Hưng Hà), xã Thụy Hồng (huyện Thái Thụy).

Các mô hình trình diễn đạt được kết quả cao

Ghi nhận ở các mô hình:

- Ở giai đoạn mạ: Các giống trong mô hình và ngoài mô hình đều giống nhau, mạ khỏe, sức sinh trưởng tốt.

- Giai đoạn lúa cấy: Các giống lúa ở mô hình đẻ nhánh sớm, tập trung, lá xanh đẹp, lúa trỗ nhanh, gọn; các giống đối chứng đẻ nhánh không tập trung, lá xanh đậm hơn, thời gian lúa trỗ dài hơn, nhiều bông hơn nhưng tỷ lệ bông có số hạt dưới 100 hạt nhiều hơn, tỷ lệ lép cao hơn, số hạt chắc ít hơn.

- Sâu bệnh: Cả 3 mô hình, mức độ sâu bệnh đều nhiễm nhẹ hơn so với đối chứng, đặc biệt là rầy nâu.

Đặc biệt, vụ xuân năm 2015, Hội ND tỉnh đã thực hiện 8 mô hình phân bón NPK-S Lâm Thao khép kín và cấy giống TBR225 của Công ty Giống cây trồng Thái Bình tại 3 xã Thống Nhất (huyện Hưng Hà), xã Thụy Hồng (huyện Thái Thụy), xã Đông Cường (huyện Đông Hưng) cho thấy: Trên nền phân bón NPK chuyên dụng của Lâm Thao, cây lúa phát triển cân đối, cứng, bộ lá khỏe, lúa đẻ tập trung hơn và tỷ lệ dảnh hữu hiệu cao hơn so với ruộng đối chứng. Số dảnh đẻ tối đa đếm được số bình quân tương đương ở cả nền dùng phân chuyên dụng và đối chứng, nhưng tỷ lệ hữu hiệu ở nền phân chuyên dùng NPK-S Lâm Thao cao hơn so với đối chứng.

Trên nền phân bón NPK-S Lâm Thao, cây lúa có sức chống chịu sâu bệnh hại ngoài đồng ruộng khá hơn, đặc biệt là bệnh đạo ôn và rầy.

Kết quả cho thấy: Mô hình sử dụng phân bón NPK-S chuyên dụng Lâm Thao đều có các chỉ tiêu yếu tố cấu thành năng suất và năng suất tăng so với các ruộng sử dụng phân đơn. Mức tăng năng suất thực thu cuối cùng của mô hình bón phân NPK-S chuyên dụng so với phân đơn là 5,66 - 6,18%.

Bón phân NPK-S Lâm Thao phù hợp với đồng đất của Thái Bình, được ND ưa chuộng. Thực tế cho thấy, bón phân NPK-S chuyên lót, chuyên thúc của Lâm Thao, lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh sớm, tập trung; lúa trỗ nhanh, gọn, rút ngắn thời gian sinh trưởng, tỷ lệ hạt chắc trên bông cao, năng suất cao hơn so với đại trà của ND. Phân bón NPK-S Lâm Thao vì thế được ND Thái Bình tin dùng. 

Mô hình sử dụng phân bón NPK-S chuyên dụng Lâm Thao đều có các chỉ tiêu yếu tố cấu thành năng suất và năng suất tăng so với các ruộng sử dụng phân đơn. Mức tăng năng suất thực thu cuối cùng của mô hình bón phân NPK-S chuyên dụng so với phân đơn là 5,66 - 6,18%.

Đỡ cho nông dân gánh nặng chi tiêu đầu vụ 

Quan điểm mà Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã theo đuổi nhiều năm qua là luôn đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp – đại lý và nông dân. Ngoài tăng cường chất lượng, để giữ vững uy tín Lâm Thao, chúng tôi quan tâm đến lợi ích khách hàng, trước mắt là các đại lý bằng nhiều chính sách, trong đó có việc tăng chiết khấu để hỗ trợ đại lý.

Đối với nông dân, ngoài việc đưa đến tận tay bà con phân bón chất lượng, giá cả cạnh tranh thì công ty còn duy trì chương trình bán phân bón trả chậm hàng năm. Chúng tôi thường xuyên quan hệ với Hội Nông dân các tỉnh để đưa phân bón về bán chịu cho nông dân vào đầu vụ, chờ đến cuối vụ, bà con có thu hoạch, bán nông sản được tiền rồi trả cho chúng tôi.

Sử dụng phân bón của chúng tôi, bà con không phải băn khoăn về đồng tiền đầu vụ, nói như ông bà chúng ta “Gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp”. Mỗi năm, qua kênh này, chúng tôi đưa về nông dân từ 60.000 – 100.000 tấn phân bón bán trả chậm. Công ty đã thật sự đỡ cho nông dân một gánh nặng tiền mặt lúc đầu vụ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có chương trình bán hàng trả chậm cho các đại lý để họ tiếp tục bán trả chậm cho nông dân. Các đại lý của chúng tôi mỗi năm bán trả chậm cho nông dân từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng phân bón trả chậm. Sự chia sẻ này của Lâm Thao đã được nông dân cả nước biết đến và họ luôn tin tưởng chúng tôi, đồng hành cùng chúng tôi trên con đường làm nông nghiệp, thoát nghèo, làm giàu.

Ông Vũ Xuân Hồng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (phát biểu tại chức hội nghị khách hàng năm 2015, tổ chức tại TP. Đà Nẵng ngày 21.8.2015).

            Khải Phong (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem