NS Phó Đức Phương:Tôi không thể lựa chọn người khác thay Tùng Dương

Minh Anh Thứ hai, ngày 23/04/2018 08:15 AM (GMT+7)
Với bản sử ca “Hoa Lư Đại tập trận” dường như chỉ có Tùng Dương mới có thể đảm nhiệm được vai trò khó khăn này. Bởi, theo nhạc sĩ Phó Đức Phương: "Nếu lựa chọn một ứng viên khác sẽ là hết sức khó khăn. Sự thể hiện của Tùng Dương trong tác phẩm này thật tuyệt vời”.
Bình luận 0

18 năm trăn trở, quyết liệt cho mọi hoạt động của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), để có một VCPMC với nền tảng vững chắc như hôm nay đã lấy đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương biết bao trí lực. Song cũng chưa có khi nào ông ngưng nghỉ việc sáng tạo của riêng mình. Ở ông luôn toát ra một nguồn năng lượng và có sức lan tỏa tới bạn bè đồng nghiệp. Rời ghế VCPMC cũng là thời điểm ông dồn toàn tâm, toàn lực để hoàn thành một tác phẩm đồ sộ, như một bản sử ca về Đinh Bộ Lĩnh - vị Hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử.

Là thế hệ đàn em, chúng tôi luôn ngưỡng mộ nhạc sĩ Phó Đức Phương không chỉ bởi tài năng, trí tuệ mà còn bởi nhân cách sống. Với ông, công việc là nguồn vui sống nên dường như không lúc nào ông ngừng suy nghĩ. Kể cả lúc gặp gỡ, vui thú bạn bè bên ly rượu thì trong đầu ông cũng luôn ẩn hiện những cung bậc âm thanh hay những ý tưởng cho một sáng tạo nào đó. Mang thắc mắc của mình tôi hỏi, điều gì đã khiến nhạc sĩ Phó Đức Phương luôn ngập tràn năng lượng sáng tạo như vậy? ông cười mà rằng:

- Năng lượng sáng tạo quyết định tốc độ phát triển của xã hội và sự sáng tạo là một thuộc tính quan trọng của tiến trình phát triển tự nhiên của nhân loại.                                 

Cũng như rất nhiều tác giả khác trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật và khoa học công nghệ, sự sáng tạo luôn cựa quậy, thôi thúc trong mọi hoạt động nghề nghiệp của tôi, nó trở thành bản năng, là lẽ sống và cũng như một điều đương nhiên. Nhưng ở tôi, khi khai triển các hoạt động tác nghiệp, thì ngoài niềm vui và sự say mê, còn bị chi phối thường xuyên bởi một bản tính trời sinh, đó là sự lo lắng, lo lắng hết nhẽ đến các yếu tố nghệ thuật mà tôi đã tự đặt ra cho trách nhiệm của mình. Sự lo lắng đó góp phần bắt buộc tôi không được dễ thỏa mãn, phải trân trọng thậm chí đến mức e sợ, phải hoá thân, phải tận tụy đến cùng...

img

Nhạc sĩ Phó Đức Phương tại cuộc họp Cisac trước khi rời VCPMC nghỉ hưu.

Việc tôi hoàn thành ba tác phẩm mới trong thời gian này cũng là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ủy ban Nhân dân và Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Ninh bình nhân ngày đại lễ kỷ niệm 1050 năm Đức Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế, đã đặt tôi và một số nhạc sĩ khác viết bài cho Ninh Bình, như một hoạt động của ngành văn hoá tỉnh chào mừng sự kiện này. Đó là một cú “hích” dân sự dường như ngẫu nhiên, nhưng có lẽ cũng được cài đặt trong chương trình cuộc đời âm nhạc của tôi.

Đây là bản sử ca đầu tiên và hoành tráng với cái nhìn bao quát về vị Hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh. Cảm xúc đến với ông như thế nào?

- Cảm xúc đầu tiên khi đặt chân đến Ninh Bình (cách đây hơn ba tháng), để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ là sự hồi hộp pha chút lo lắng (lại là bản tính). Sau đó, là các công đoạn thao tác nghiệp vụ để nhập cuộc một cách sâu nhất, từ sự thận trọng, miệt mài suy ngẫm dần xuất hiện cảm thức say mê hứng khởi, tiếp đến là trạng thái đan xen ráo riết của sự phấn khích dữ dội và vất vả hết cỡ, cho đến khi tác phẩm được định hình bởi bản ghi...

Nói là từ khi nhận lời đến khi viết xong tác phẩm là 3 tháng, nhưng thực tế, tôi chỉ dành thời gian để suy ngẫm là chính. Khi mọi suy nghĩ đủ chín, tôi tập trung viết trong 5 ngày. Bản thu lâu hơn, mất đến nửa tháng mới hoàn thiện.

Hoa Lư Đại tập trận không còn là câu chuyện của riêng tỉnh Ninh Bình, mà của dân tộc Việt Nam, với tinh thần xuyên suốt là độc lập, tự cường của 'Nhà nước Đại Cồ Việt trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Ông đã làm cách nào để tiết chế cảm xúc và có thể sắp đặt tác phẩm từ cấu trúc, hình thức, ngôn ngữ thể hiện, phong cách âm nhạc tuyệt vời như vậy?

- Ý tưởng đầu tiên xuất hiện trong tôi là sẽ viết một bài với tiêu đề “Khúc hát cờ lau”. Nhưng nếu viết một bài với tiêu đề như vậy thì chủ thể của bài hát đó phải là các mục đồng và người trình diễn phải là các em thiếu nhi. Vậy tác phẩm đó sẽ có nội dung gì và lãnh trách nhiệm gì? Rõ ràng là sẽ rất khác với những gì mà “Hoa Lư Đại trận tập” đang chuyển tải.

img

Sự thay đổi mục tiêu để tiến tới xác lập chủ đề và nội dung của tác phẩm chỉ được khẳng định sau gần hai tháng băn khoăn, cân nhắc về tư liệu lịch sử, về mục đích và trách nhiệm mà thông điệp của tác phẩm muốn truyền đạt đến công chúng trong giai đoạn lịch sử này. Mong muốn của tôi là làm thế nào để một sự kiện lịch sử với ý nghĩa lớn lao đến như vậy có thể được cập nhật, có thể trở thành "hot" trong đời sống đương thời tức là được “update” một cách tối đa có thể.

Từ đó, bước tiếp theo, việc xác định cấu trúc, hình thức, ngôn ngữ, phong cách của tác phẩm là công việc của nghiệp vụ, mà một tác giả chuyên nghiệp đã trau dồi suốt cuộc đời mình, cộng với những loé sáng bất ngờ trong quá trình thành tâm nhập định và sự dồn nén, sáng tạo.

Ngôn ngữ âm nhạc dân gian và nghệ thuật truyền thống dường như luôn hiện hữu trong các tác phẩm của ông. Tuy nhiên, khi âm nhạc vang lên, người nghe thấy một tổng thể hoàn chỉnh chứ không thấy sự gượng ép nào trong ngôn ngữ biểu đạt. Ông hóa giải điều này như thế nào?

- Ngôn ngữ âm nhạc dân gian không chỉ tuồng mà cả chèo, quan họ, ca trù, cải lương, bài chòi... qua mấy chục năm hành trình âm nhạc của tôi đã trở thành một phần máu thịt của tôi.

Tôi có thể viết ra chất tuồng mà không cần dùng làn điệu cụ thể nào của tuồng. Các nguồn mạch dân ca khác nhau đã ngấm vào tôi trở thành của tôi, góp phần tạo ra tôi. Việc huy động các chất liệu dân gian khác nhau chỉ còn phụ thuộc vào đề tài và ý định của tôi. Bởi vậy sẽ không có sự gượng ép hoặc mô phỏng một cách nhàm chán giọng điệu của dân gian.

Tôi toại nguyện vì nói được khí thế của Vạn Thắng Vương, tên người dân suy tôn Đinh Tiên Hoàng đế.

img

Nhạc sĩ Phó Đức Phương và ca sĩ Tùng Dương. (Ảnh: Dân Trí)

Khi Hoa Lư Đại tập trận vang lên, ông hài lòng với phần thể hiện của ca sĩ Tùng Dương hay còn nghĩ đến một gương mặt nào khác?

Sự thể hiện của Tùng Dương trong tác phẩm này thật là tuyệt vời. Nếu lựa chọn một ứng viên khác sẽ hết sức khó khăn cho tôi.

Có thể tôi sẽ phải làm việc với diễn viên đó một cách rất vất vả trong nhiều ngày hoặc thậm chí trong nhiều tuần. Như vậy là không phù hợp với điều kiện thực tế và do đó, cũng có thể nói dường như chỉ có Tùng Dương mới có thể đảm nhiệm được vai trò khó khăn này. Nghe Hoa Lư Đại tập trận với giọng ca của Tùng Dương, tôi chắc ai nghe cũng phải "sởn da gà".

Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt trong dòng chảy lịch sử dân tộc (968-2018) diễn ra tối 24.4, tại Quảng trường cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Chương trình do tác giả kịch bản - Tổng đạo diễn Lê Quý Dương thực hiện, hứa hẹn tái hiện lại một phần lịch sử, mang tới cho người xem những tinh hoa của nghệ thuật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem