NS Phó Đức Phương và hàng loạt nhạc sĩ tên tuổi cũng bị Sky Music vi phạm

Minh Anh Thứ năm, ngày 05/04/2018 19:14 PM (GMT+7)
Vừa rời ghế Giám đốc VCPMC được một tuần, nhạc sĩ Phó Đức Phương bất ngờ với hành vi của Sky Music khi ngang nhiên khai thác quyền tác giả để kinh doanh bản ghi trái phép các tác phẩm của nhiều nhạc sĩ, và thật trớ trêu trong danh sách đó lại có cả tác phẩm của ông.
Bình luận 0

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: “Với vai trò Ban cố vấn, chúng tôi và VCPMC sẽ kề vai, sát cánh cùng các nhạc sĩ để đòi lại sự công bằng. Chúng tôi khẳng định, vụ việc lần này nếu phải thưa kiện đơn vị vi phạm là Sky Music ra tòa, chúng tôi cũng đã sẵn sàng. Chúng tôi rất cần một sự minh bạch, thẳng thắn, công bằng vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

img

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sau khi rời ghế Giám đốc thì tiếp tục trở thành cố vấn của VCPMC.

Người đi tiên phong trong việc đòi lại sự công bằng của chính mình, đồng thời cũng là bảo vệ lợi ích hợp pháp mà 16 năm qua, VCPMC là đơn vị được các nhạc sĩ tin tưởng, ủy thác. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã thẳng thắn chỉ ra những sai phạm của Sky Music và khẳng định anh sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng, để lấy lại những giá trị thực của 185 tác phẩm đang bị Sky Music khai thác trái phép.

Ý kiến mà phóng viên ghi nhận được từ các nhạc sĩ đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý ở tầm vĩ mô và cho rằng nhiều người giữ các cương vị quan trọng trong các cơ quan quản lý văn hóa còn chưa hiểu đúng về tôn chỉ mục đích hoạt động của VCPMC, cũng như cách chi trả tác quyền.

Tiếp ngay sau đó, các nhạc sĩ Hoài An, Trần Minh Phi, Bùi Quang Ân, Trương Ngọc Ninh, Phó Đức Phương... cùng nhiều nhạc sĩ khác đồng loạt lên tiếng. Các nhạc sĩ đều có chung quan điểm và khẳng định sẽ làm tới cùng để đưa vụ việc ra trước cơ quan pháp luật, nhằm sớm đưa Luật Sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống một cách thực sự, để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh tỏ ra rất bức xúc, ông nói: “Tác phẩm của tôi là thuộc quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân tôi nên bất cứ tổ chức, cá nhân nào sử dụng tác phẩm của tôi đều phải trả tiền - đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của họ đối với tác giả - chủ sở hữu tác phẩm. Khi chúng tôi đã ủy thác cho Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), thì bất cứ một cá nhân, tổ chức nào khi sử dụng âm nhạc của chúng tôi, phải có trách nhiệm thông qua VCPMC chi trả tác quyền theo đúng luật định”.

img

53 bản ghi của cố nhạc sĩ Văn Cao đang bị Sky Music vi phạm bản quyền.

Nhà thơ, nhạc sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao cho rằng: "Luật Sở hữu trí tuệ, Luật bản quyền đã có. Việc Việt Nam tham gia công ước Berne cũng đã thực thi. Đất nước đi lên, chúng ta phải sống theo hiến pháp và pháp luật. Phải làm đúng luật và phải thực thi pháp luật một cách đầy đủ. Các nhạc sĩ cũng nên tự mình tiếp thu, nghiên cứu về luật bản quyền vì đấy là quyền lợi chính đáng của tất cả các tác giả. Theo Luật Sở hữu trí tuệ thì các tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm phải có trách nhiệm trả tiền tác quyền cho tác giả. Tuy nhiên, tác giả thường xuyên “bị quỵt”, mặc dù đối với các tác giả, tiền bản quyền là quyền lợi đương nhiên tác giả được hưởng, nhưng cái sự “mất và được” lại thường xuyên xảy ra.

Tất cả những tác phẩm của các tác giả thuộc quyền sở hữu tác giả - chủ thể sáng tạo. Khi tổ chức, cá nhân sử dụng phải xin pháp tác giả. Trong luật quy định, tác giả là chủ sở hữu, nhưng khi tác giả giao bản quyền cho VCPMC giữ bản quyền thay cho tác giả để thay mặt tác giả thu tiền tác quyền với với các đơn vị sử dụng. Ngay cả việc nếu Trung tâm sử dung vào mục đích in ấn, phát hành thì Trung tâm cũng sẽ vẫn thực thi quyền tác giả theo đúng luật. Vậy thì tại sao chúng ta không sử dụng hết cái quyền mà chúng ta được phép”?- nhạc sĩ Văn Thao chia sẻ.

Luật Sở hữu trí tuệ rất rõ ràng, vấn đề ở đây chính là việc thực hiện không nghiêm túc nhiều đơn vị, cá nhân không tuân thủ những quy định của luật pháp. Ví dụ như trong trường hợp của nhạc sĩ Bùi Quang Ân, bản thân tác phẩm của anh khi thực hiện bản ghi âm, tác giả đã có Biên bản xác nhận bản quyền thuộc tác giả kể cả bản ghi. Song Sky Music vẫn ngang nhiên khai thác trái phép.

img

Các tác phẩm nhạc sĩ Bùi Quang Ân giữ bản quyền cả bản ghi âm, vẫn bị Sky Music khai thác trái phép.

Theo quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả do tác giả độc quyền thực hiện; tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ quyền tác giả phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Chính vì vậy, việc Sky Music không xin phép, không trả tiền nhuận bút cho chủ sở hữu quyền tác giả khi khai thác, sử dụng tác phẩm là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Khoản 8 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh khẳng định: “Từ trước đến nay, rất nhiều sai phạm xảy ra trong lĩnh vực này, VCPMC cũng chưa kiện đơn vị nào ra tòa khi họ sử dụng âm nhạc của chúng tôi kinh doanh trái phép (không trả tiền). Phải chăng, tôi nghĩ Trung tâm nên giữ lại 20 đến 30% kinh phí để dành cho việc khởi kiện. Có như vậy, người sử dụng mới tôn trọng trí tuệ sáng tạo của nghệ sĩ và nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về quyền tác giả và những quyền liên quan”.

Sau rất nhiều những ý kiến phản ánh của các nhạc sĩ và VCPMC gửi tới tòa soạn báo điện tử Dân Việt, cho đến ngày 5.4, chúng tôi chỉ nhận được thư khuyến cáo của Sky Music mà không nhận được bất cứ phản hồi tích cực nào từ phía Sky Music về những tố giác của các nhạc sĩ đối với hành vi vi phạm tác quyền. Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến tiếp theo của vụ việc này.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem