NSƯT Kim Tiến: Chọn phát thanh viên trên VTV không phải chuyện đùa

Thứ hai, ngày 25/08/2014 12:17 PM (GMT+7)
"Nhà đài chọn phát thanh viên nói giọng Hà Nội chuẩn chính là đã truyền lại cho đời sau sự chuẩn mực trong phát âm tiếng Việt phổ thông", NSƯT Kim Tiến chia sẻ.
Bình luận 0
img

Bản tin thời sự trưa 6.8, sự xuất hiện của BTV Anh Phương nói tiếng Huế trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam đã gây ra một cuộc tranh luận. Người khen vì cái lạ, người chê vì sự lệch chuẩn thông thường. Là phát thanh viên kỳ cựu của “nhà đài”, NSƯT Kim Tiến đã có những chia sẻ liên quan đến vấn đề này.   

Khi được nghe giọng Huế tại bản tin Thời sự của Đài truyền hình Việt Nam, bà cảm thấy như thế nào?

 -  NSƯT Kim Tiến: Tôi không bày tỏ sự bất ngờ hay thán phục. Tôi cho rằng “nhà đài” không nên “mua” lấy sự phức tạp khi đưa thêm một giọng địa phương trên sóng quốc gia. Việt Nam có 54 dân tộc anh em với văn hóa và tiếng nói riêng, mang bản sắc văn hóa vùng miền.

Với sự xuất hiện của tiếng miền Nam và giờ là tiếng miền Trung, trên Đài Truyền hình Quốc gia là điều dễ nhìn thấy. Nhà đài không nên địa phương hóa Đài Truyền hình Quốc gia bởi ở mỗi tỉnh đều có đài truyền hình địa phương vẫn đang hoạt động rất đều đặn. Đấy là chưa nói tới, nếu đi sâu vào nghề còn thấy nhiều phức tạp.

Trước nay, chúng ta có lấy tiếng nói địa phương nào làm chuẩn không?

- Từ lâu nay, chúng ta luôn lấy tiếng Thủ đô (tiếng Hà Nội) làm chuẩn và dùng trên sóng phát thanh hoặc truyền hình quốc gia. Nhưng để phân biệt thế nào là tiếng Hà Nội cũng đã là cả câu chuyện dài trong khi tiếng nói này đang bị lai tạp.


Quan điểm
img
 PTV, NSƯT Kim Tiến
  Với sự xuất hiện của tiếng miền Nam và giờ là tiếng miền Trung, trên Đài Truyền hình Quốc gia là điều dễ nhìn thấy. Nhà đài không nên địa phương hóa Đài Truyền hình Quốc gia bởi ở mỗi tỉnh đều có đài truyền hình địa phương vẫn đang hoạt động rất đều đặn...  
Tôi đã thấy có một số phát thanh viên nói giọng Bắc chứ không phải tiếng Hà Nội trên truyền hình bởi họ không được qua những khóa đào tạo, nói và đọc theo bản năng. Khi nói điều này, tôi biết sẽ có những khán giả cho rằng tôi quá kỹ tính.

 

 

Nhưng xin thưa rằng, việc này không thể đùa được. Nhà đài chọn phát thanh viên nói giọng Hà Nội chuẩn chính là đã truyền lại cho đời sau sự chuẩn mực trong phát âm tiếng Việt phổ thông.

Con cháu chúng ta sẽ không thể biết được tiếng phổ thông phát âm như thế nào là chuẩn nếu chính các thế hệ đi trước không tạo nên quy chuẩn ngay trên Đài Truyền hình Quốc gia. Người làm báo hình, báo phát thanh ngoài việc đưa thông tin còn cần giữ gìn bản sắc ngôn ngữ tiếng Việt ngay từ những cái tin nhỏ nhất.

Nên chọn tiếng phổ thông nhất

Nhưng cũng có khán giả đã phản hồi, họ thích sự phong phú về tiếng địa phương trên Đài truyền hình Quốc gia?

- Từ “phong phú” mà vị khán giả nói, theo tôi hiểu là họ muốn có nhiều tiếng nói địa phương. Như tôi đã nói, nếu tiếng miền Nam, miền Trung đã lên sóng thì sắp tới người dân tộc thiểu số nói tiếng Kinh cũng đòi hỏi tiếng nói của họ trên sóng truyền hình thì sao?

BTV nói giọng Huế trên VTV từng là Hoa khôi Tài năng của Đại học Huế  

Theo tôi, chúng ta nên xây dựng một nền tảng thống nhất bắt đầu từ chính “nhà đài”. Tôi không cho đó là cách làm phong phú Đài Truyền hình Quốc gia mà thực ra là một sự lãng phí. Với tiếng Huế, tiếng Sài Gòn đang lên sóng đều đặn, ai sẽ là người đứng ra khẳng định rằng phát thanh viên đó đang nói giọng Huế, giọng Sài Gòn chuẩn. Tôi chỉ dám nói rằng, các phát thanh viên này đang nói giọng miền Nam và miền Trung mà thôi. 

  Vậy bà đặt ra tiêu chí nào cho các phát thanh viên? 

- Tôi cho rằng, tính rõ ràng, mạch lạc bao trùm lên các loại hình báo chí từ báo hình, báo phát thanh đến báo mạng. Xét ở tiêu chí này, là người truyền thông, người đưa tin tức tới khán giả qua giọng nói thì phát thanh viên cần phải nói chuẩn tiếng phổ thông, phát âm, ngữ điệu phải thật đúng. 

Là phát thanh viên kỳ cựu, bà có kiến nghị nào với nhà đài không? 

- Tôi cho rằng, lãnh đạo của Đài Truyền hình Việt Nam cần đứng trên lợi ích của quốc gia để lựa chọn việc nên hay không đưa tiếng địa phương trên Đài Truyền hình Quốc gia. Nền tảng đó phải được xây dựng giống như ngôi nhà xây trên nền tảng vững chắc chứ không phải xây trên cát.  Khi đã mang tính đại diện cho một quốc gia thì “nhà đài” phải chọn tiếng phổ thông nhất để phát đi thông điệp trong và ngoài nước. 

- Xin trân trọng cảm ơn NSƯT Kim Tiến!
(Theo An ninh Thủ đô)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem