NSƯT Lê Chức: Lưu Quang Vũ là hiện tượng lạ trên thi đàn Việt Nam

Minh Anh Thứ năm, ngày 09/08/2018 09:00 AM (GMT+7)
Ngày ấy, Lưu Quang Vũ là một “hiện tượng” lạ của Việt Nam. Giống như nước Nga, có sự kiện A-lếc-xăng-đơ-văng-pi-lốp, hiện tượng Văng-pi-lốp là có 7 kịch bản viết về ngẫu nhiên, và ngẫu nhiên là quy luật phát triển tối đa của tự nhiên. Sau này có hiện tượng A-lếc-xăng-đơ-ge-man là tác giả viết về đề tài công nghiệp.
Bình luận 0

img

Lưu Quang Vũ – một hiện tượng rực sáng trên thi đàn Việt Nam

Chỉ một thời gian rất ngắn, Lưu Quang Vũ để lại cho chúng ta hơn 50 kịch bản, con số đó rất gần với con số của Shakespeare, những bản so-nê của Shakespeare để lại cũng chỉ chừng ấy mà thôi.

NSƯT Lê Chức kể: “Còn nhớ, Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ lần thứ nhất không còn chỗ để đi lại vì khán giả ngồi chật kín. Cách đây mấy năm, tôi là trưởng ban tổ chức Liên hoan lần thứ 2 mà phải ngồi đất vì phải nhường ghế cho những người mà chúng tôi kính trọng. Tôi lấy 2 bìa carton đặt xuống, đeo biển ban tổ chức, ngồi xuống đất xem kịch Lưu Quang Vũ, người bạn của mình 1 cách bằng lòng. Lưu Quang Vũ làm được 1 việc mà không phải ai cũng làm được đó là chức năng dự báo trước thời cuộc. Vì sao lại có khoa học viễn tưởng, vì sao lại có văn học viễn tưởng, họ tưởng tượng ra 1 cái gì đó còn xa lắm mà chúng ta đang đi tới.  Ram-ble có nói 1 câu rất hay tức là “kết quả của sự tưởng tượng nó giống như quãng cách giữa 2 cái có thật. Quãng cách càng lớn, tài năng của văn nghệ sỹ càng lớn theo”.

Cách đây hơn 30 năm Lưu Quang Vũ đã viết về robot. Ngày hôm nay trí tuệ nhân tạo của con người được thực hiện, điều này đã được tác giả Lưu Quang Vũ tưởng tượng và đề cập đến từ 30 năm trước. Rất giống trong trường hợp tác giả  A-lếc-xây-ác-bu-dốp người Nga với những tác phẩm để đời mà 20 năm sau ngày Ác-bu-dốp mất, nhiều nhà lý luận phê bình và những nhà xã hội học của Liên Xô cũ đã viết lời như sau: “Xã hội Xô Viết và con người Xô Viết đã vận động đến được những quan điểm thẩm mỹ và triết học mà A-lếc-xây-ác-bu-dốp đã đặt ra cách đây 20 năm.

"Hoa cúc xanh trên đầm lầy" chỉ là viễn tưởng được nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đặt ra, nhưng 30 năm sau, trong hiện thực của cuộc sống này, đã có hoa cúc xanh như viễn tưởng của Lưu Quang Vũ đặt ra từ 30 năm trước – đó là một phát hiện mang tính đột phá đi trước thời đại.

Nhiều người đặt câu hỏi: vậy ai đã gợi cho Lưu Quang Vũ về “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”? xin thưa không ai khác, đó chính là nữ sĩ Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh là 1 thiên sứ gợi ra cho Lưu Quang Vũ ý tưởng mà theo như cách nói của NSƯT Lê Chức thì: “Hai thiên sứ, bằng tài năng thiên bẩm của mình đã tạo ra Hoa cúc xanh trên đầm lầy. Cái có thật và cái không có thật. Cái ở chúng ta có muốn tốt không và khi muốn tốt, ta phải chấp nhận. Vì trong cuộc đời này nhất định phải có đầm lầy, và phải có hoa cúc xanh, và nó lại là 1 cặp phạm trù đời sống. Hoa cúc xanh trong cái đầm lầy ấy, có hoa cúc xanh không?. Chúng ta chỉ có hoa cúc với màu vốn dĩ đã có là trắng và vàng, nhưng ngày hôm nay chúng ta có thể tạo ra hoa cúc xanh. Tuy nhiên Lưu Quang Vũ đã tạo ra hoa cúc xanh bằng tưởng tượng nghệ thuật của mình cách đây 30 năm, vậy thì viễn tưởng, cái dự báo của những thiên sứ là văn nghệ sỹ trong đó có Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh là những thiên tài.

img

Nhà thơ Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh.

Nhà hát Tuổi Trẻ - bà đỡ mát tay những kịch bản đầu tiên của Lưu Quang Vũ

Ngày ấy, Nhà hát Tuổi Trẻ dường như là nơi gặp gỡ, hội tụ tất cả những gương mặt tài danh của nghệ thuật sân khâu và chịu sự ảnh hưởng của nghệ sĩ Hà Nhân. Trong lớp những nghệ sĩ tài danh ấy phải kể đến đạo diễn Phạm Thị Thành, họa sỹ Doãn Châu, và bậc thầy của sân khấu là đạo diễn Nguyễn Đình Nghi.

Nhà hát Tuổi Trẻ được thành lập là tâm nguyện và công sức của nghệ sĩ Hà Nhân - một người được đào tạo bài bản ở Liên Xô (cũ) trở về. Nghệ sĩ Hà Nhân, như một người được sinh ra với thiên chức, thiên sứ là sống và làm việc vì thế hệ trẻ. Bà là người đầu tiên gây dựng Nhà hát tuổi trẻ, sau đó là đến thế hệ của Đạo diễn Phạm Thì Thành, Thùy Chi, Trương Nhuận, Chí Trung.

Nghệ sĩ Tuệ Minh, Minh Ngọc, Thùy Chi, Đức Trung, Tú Mai, Phương Nhi, Lê Chức, Hoàng Phúc Dĩ, Lê Hùng… là những nghệ sỹ đã thành danh, được Nhà hát Tuổi Trẻ mời về vừa làm cộng tác viên để diễn cùng với những nghệ sĩ trẻ, đồng thời họ cũng chính là lứa học trò được các nghệ sĩ trực tiếp giảng dạy đã ra trường. Đó là khóa của nghệ sĩ Lê Khanh, Chí Trung, Đức Hải, Minh Hằng.

Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức cho biết: “Chúng tôi cùng diễn với các học trò - nghệ sĩ trẻ hay nói cách khác, họ học chúng tôi trong thực tế chính trên sân khấu Nhà hát. Lưu Quang Vũ gần như là tác giả đầu tiên được Nhà hát Tuổi Trẻ ươm mầm tài năng với những tác phẩm: “Sống mãi tuổi 17”, “Đỉnh cao mơ ước”... và tôi có diễn 1 trong vở đầu tiên của Lưu Quang Vũ là “Sống mãi tuổi 17” do đạo diễn Phạm Thị Thành dựng, nói về hình tượng Lý Tự Trọng”.

Nhà hát Tuổi Trẻ đã trở thành bệ phóng cho những kịch bản đầu tiên của kịch tác gia Lưu Quang Vũ cất cánh. Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức nhớ lại: “Mỗi tác phẩm  của Vũ, chúng tôi dùng chữ “ra lò”, thậm chí chưa viết xong, có những đề tài thầy Nghi bảo là “ô cái này có lẽ là gần với mình”, chị Thành nói “ô cái này có thể làm được”, anh Thủy nói “ô cái này phải là kịch Hải Phòng”... là tất cả lao vào làm và mỗi vở như thế luôn có họa sỹ Doãn Châu là trợ thủ đắc lực về thiết kế và trang trí sân khấu.

img

Cảnh trong "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ- Nhà hát Tuổi trẻ thực hiện

Thời bao cấp nghèo lắm nhưng tình nghệ sĩ thật ấm áp

Ngày ấy, nghèo lắm, câu chuyện các nghệ sĩ kể lại rằng, mỗi ngày đến Nhà hát Tuổi Trẻ, tập xong họ lại bảo nhau rằng “hình như buổi trưa mặt thằng nào cũng đần ra” vì không biết trưa nay ăn cái gì, ăn ở đâu, có tiền để ăn không?

NSƯT xúc động nhớ lại: Ngày ấy, chúng tôi có Đức Trung, Lưu Quang Vũ, Tất Bình, Lê Hùng, Thọ… có bao nhiêu tiền cứ dồn lại, rồi buổi trưa cả nhóm đi đâu ăn cái gì đó. Có khi chúng tôi xuống chợ Nguyễn Cao, không đủ tiền để mua thịt đâu, mà chỉ mua xương. Lê Hùng có 1 căn phòng nhỏ, bọn tôi nấu nướng ở đấy, ăn với nhau bữa trưa, hoặc ai đó đi với nhau về nhà, lấy được cái gì đó mang tới. Có lần nghệ sĩ Tất Bình về mang đến mấy quả cà chua và chúng tôi nấu ăn với nhau bữa trưa và buổi chiều chúng tôi lại tập.

Sau những buổi tập luyện không biết mệt mỏi là những bữa ăn đạm bạc nhưng ấp áp tình nghệ sĩ, họ lại tất bật đến với studio của Đài Tiếng nói Việt Nam để thu thanh những tiểu phẩm, những đối thoại phục vụ cho chương trình phát thanh của Đài mà ngày ấy chương trình ghi dấu ấn được mọi người chờ đợi là Chương trình Chuyện cảnh giác phát vào tối thứ 7 hàng tuần.

Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức cho rằng: “Ngày ấy nghèo lắm, nhưng chúng tôi sống với nhau tử tế và đẹp đẽ trong những năm tháng ấy... Nhà hát Tuổi trẻ ngày ấy sập xệ, nóng bức...đâu có cơ ngơi như bây giờ, nhưng những câu chuyện này đã làm nên tên tuổi của chúng tôi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem