Nữ biên kịch của sân khấu làng mới chỉ học hết lớp... 7

Mỵ Lương Thứ hai, ngày 06/07/2015 08:13 AM (GMT+7)
Với trình độ văn hóa chỉ học hết lớp 7, nữ nông dân Nguyễn Thị Chuốt (57 tuổi) vẫn đang miệt mài từng ngày tự sáng tác, dàn dựng những ca cảnh chèo, biên đạo múa cho đội văn nghệ thôn Lũng Quý  (xã Kiến Quốc, Ninh Giang, Hải Dương).
Bình luận 0

4 mẹ con cùng lên sân khâu

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê có truyền thống lâu đời về hát chèo, hát tuồng nên ngay từ nhỏ bà Chuốt đã được cha mẹ đẻ- những người trước kia từng tham gia gánh hát - dạy những làn điệu chèo mượt mà sâu lắng. Tình yêu đối với văn nghệ ở bà từng ngày được nhen nhóm qua mỗi lần địa phương có chương trình biểu diễn giao lưu nghệ thuật.

img
 Bà Chuốt đang dạy thêm cho “diễn viên nhí” Ngọc Quyên  những điệu múa dân gian. Ảnh:  M.L

Năm 14 tuổi, bà Chuốt tham gia vào đội văn nghệ Lũng Quý và bắt đầu tập tành sáng tác tác dù các tiết mục lúc đó còn giản đơn. Dần dần, cái tiếng bà Nguyễn Thị Chuốt trình độ học văn hóa hết lớp 7 mà tự biết sáng tác, đạo diễn, biểu diễn các tiết mục múa, tự dàn dựng ca cảnh chèo được nhiều người biết đến sau mỗi lần sân khấu sáng đèn.

Không giống như những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp có thời gian để theo đuổi niềm đam mê văn nghệ, còn đối với người nghệ sĩ nông dân làm phong trào như bà Chuốt, ngoài áp lực của việc nhà, việc tập thể, việc đồng áng phải luôn chân luôn tay... thì hiếm hoi mới có khoảng thời gian để sống với tình yêu văn nghệ của mình.

“Những lời ca thắm tình dân Đảng/Đảng dẫn đường mang ánh sáng niềm tin/Rợp trời cờ hoa, rực rỡ ánh bình minh/Niềm vui lớn trên quê hương Kiến Quốc”. Đó là lời hát được “nghệ sĩ nông dân” Nguyễn Thị Chuốt tự sáng tác, cất cao với chất giọng ngọt ngào tự nhiên trong ca cảnh chèo “Con đường của Đảng” do bà tự biên soạn.

Nói đến những sáng tác của mình, bà Chuốt bộc bạch: Hầu hết là những điệu múa dân gian, do mình nghe nhạc sau đó tự nghĩ được ra điệu múa sao cho phù hợp. Nếu là sáng tác ca cảnh chèo, kịch thì tốn thời gian hơn, mình phải vận dụng chuyển thể các tình tiết của một văn bản khô cứng thành một vở chèo có hồn, gắn với sự kiện nào thì có ca cảnh chèo của dịp đó. “Sáng tác là mình phải bỏ ra chất xám, nó vất vả hơn rất nhiều so với việc chăm bẵm mấy sào ruộng. Để viết được một tác phẩm, bản thân cũng phải trăn trở, kể cả quên ăn, quên ngủ mới viết xong được một vở diễn rồi lại tiếp tục bắt tay vào công việc dàn dựng. Đã không ít lần chị em trong đội văn nghệ làm đĩa thu âm đến 1-2 giờ sáng, thậm chí có những hôm thức trọn để hoàn tất chương trình hôm sau”- bà Chuốt tâm sự.

Dù là gia đình thuần nông nhưng vốn “ngấm máu” văn nghệ, ba người con của bà Chuốt là Hiền Lương, Trọng Vương, Trọng Dương đều được mẹ truyền dạy cho những làn điệu chèo từ thủa lọt lòng. Cả 4 mẹ con đều đã nhiều lần góp mặt trong các vở diễn trên sân khấu tỉnh và toàn quốc. Chồng bà Chuốt không tham gia biểu diễn nhưng luôn tận tụy, hết lòng tạo điều kiện để mấy mẹ con tham gia phong trào. Tình yêu văn nghệ được bà Chuốt tiếp tục truyền lại cho cháu nội Nguyễn Hà Chi (3 tuổi) những bài múa dân gian đầu đời.

Tự bỏ tiền túi nuôi phong trào

Bất chấp cái nắng nóng oi bức của buổi tối mùa hạ, nghe tiếng trống chèo giục giã là các thành viên của đội văn nghệ Lũng Quý có mặt đầy đủ tại nhà văn hóa thôn để tập luyện chuẩn bị cho buổi diễn sắp tới. Chúng tôi bị cuốn hút bởi sự chỉ dạy khéo léo, không kém phần chuyên nghiệp của nữ đạo diễn nông dân dành cho các diễn viên của mình. Trong điều kiện nhà văn hóa thôn Lũng Quý chật hẹp, cả đội văn nghệ biểu diễn chưa được 10 phút ai nấy mồ hôi đều vã ra như tắm. Dù vậy cả đạo diễn, diễn viên vẫn rất hăng say thể hiện những điệu múa dân gian uyển chuyển, điêu luyện khiến người xem thán phục.

Thành viên của đội văn nghệ Lũng Quý đều là những nông dân một nắng hai sương quanh năm chân lấm tay bùn. Tuy nhiên đội văn nghệ luôn hoạt động với tinh thần “gọi là có mặt” đã tham gia nhiệt tình hết mình trong các chương trình biểu diễn giao lưu và góp mặt nhiều tiết mục để lại ấn tượng sâu sắc như vở: ”Người con trở về”, “Mẹ của chúng con”, “Nỗi đau nơi của thiền”... Vở “Trước cơn nước ngược”, “Ước con trai” phản ánh những tư tưởng lạc hậu trong thời đại ngày nay...

Trong đội văn nghệ có hai bé là Ngọc Quyên (6 tuổi) và Mạnh Dân (8 tuổi) khiến khán giả trầm trồ thán phục khi hai cô cậu biểu diễn uyển chuyển, điêu luyện những tiết mục múa dân gian. “Dạy cho các cháu nhỏ không được nóng ruột mà phải bình tĩnh mỗi ngày một chút để cho các cháu ngấm dần. Các cháu rất sáng dạ bởi điệu múa kéo dài mà đều là nhạc không lời chỉ có tiếng nhạc, tiếng sáo rộn ràng. Tôi phải tận dụng là dịp nghỉ hè này để dạy cho các cháu nhiều tiết mục hơn” – bà Chuốt chia sẻ.

Dù đội văn nghệ vẫn đang hoạt động mạnh nhưng những “nghệ sĩ làng” vẫn gặp khó khăn nhất định về điều kiện kinh tế. Bà Bùi Thị Nữ - diễn viên trong đội văn nghệ cho hay: ‘Lần nào đội đi diễn nhiều thì mỗi thành viên được 100.000 đồng, có giải thưởng cao hơn thì được 200.000 đồng, còn trung bình, sau mỗi đêm diễn chỉ được thù lao 50.000 đồng.

Bà Chuốt viết kịch bản, đạo diễn cũng chỉ được 50.000 đồng như các diễn viên múa phụ họa thôi. Thế nhưng các thành viên phải tự trang trải để có một tiết mục chèo hoàn chỉnh đầy đủ các đạo cụ, ví dụ tôi phải mua một đôi dép trị giá 120.000 đồng. Chúng tôi hầu như tự bỏ tiền túi để duy trì hoạt động của đội, nếu như vì đồng tiền không bao giờ chúng tôi tham gia ”- bà Nữ tâm sự.

Ông Trần Trọng Thu – Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Ninh Giang (Hải Dương) cho hay: “Là người có đam mê văn nghệ, một nghệ sĩ không chuyên nhưng bà Chuốt có khả năng quy tụ quần chúng rất tốt trong phong trào văn nghệ, sẵn sàng bỏ thời gian công sức, thậm chí  cả tiền túi để phát triển hoạt động phong trào Lũng Quý.  Đó là trường hợp rất đáng biểu dương”.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem