Nữ điệp viên biến mất bí ẩn khiến Tổng thống và Thủ tướng Somalia bất hòa gay gắt

Minh Nhật Thứ sáu, ngày 17/09/2021 16:05 PM (GMT+7)
Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Farmajo đã cắt một số quyền hạn của Thủ tướng Mohamed Hussein Roble khi rạn nứt gay gắt giữa hai người ngày càng gia tăng bắt nguồn từ vụ một nữ điệp viên biến mất bí ẩn.
Bình luận 0
Nữ điệp viên biến mất bí ẩn khiến Tổng thống và thủ tướng Somalia bất hòa gay gắt - Ảnh 1.

Bất hòa giữa Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Farmajo và Thủ tướng Mohamed Hussein Roble đã dấy lên nhiều lo ngại. Ảnh Paudal.

Cụ thể, ông Farmajo cáo buộc ông Roble đã "thực hiện các bước liều lĩnh có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh".

Nhưng ông Roble nói rằng ông sẽ không tuân theo sắc lệnh của Tổng thống và gọi điều này là vi hiến.

Vụ bất hòa giữa Tổng thống và Thủ tướng Somalia bắt nguồn từ sự biến mất bí ẩn của một nữ điệp viên tên là Ikran Tahlil. Vụ mất tích của Tahlil làm dấy lên lo ngại về xung đột vũ trang trên đường phố thủ đô Somalia giữa các lực lượng đối địch.

Nữ điệp viên biến mất bí ẩn khiến Tổng thống và thủ tướng Somalia bất hòa gay gắt - Ảnh 2.

Chân dung nữ điệp viên mất tích Ikran Tahlil. Ảnh Yahoo.

Ikran Tahlil, 25 tuổi được nhìn thấy lần cuối vào cuối tháng 6. Nữ điệp viên được cho là đã rời khỏi nhà trên một chiếc xe công vụ. 

Chính phủ cho biết, nữ điệp viên Tahlil đã bị bắt cóc và giết bởi al-Shabab, một chi nhánh của al-Qaeda đang tiến hành một cuộc nổi dậy ở Somalia và đã kiểm soát nhiều vùng nông thôn của đất nước.

Tuy nhiên, al-Shabab bác bỏ cáo buộc. al-Shabab thường không ngại nhận trách nhiệm khi họ giết các đặc vụ/điệp viên của chính phủ.

Thủ tướng Roble sau đó đã đình chỉ người đứng đầu cơ quan tình báo, Fahad Yasin với cáo buộc ông này đã không chấp hành mệnh lệnh phải báo cáo về những gì đã xảy ra với nữ điệp viên cho ông trong vòng 48 giờ.

Nữ điệp viên biến mất bí ẩn khiến Tổng thống và Thủ tướng Somalia bất hòa gay gắt - Ảnh 3.

Ikran Tahlil được cho là đã bị bắt cóc và bị giết. Ảnh MTiviSomali

Nhưng Tổng thống Farmajo đã can thiệp vào vụ việc này và tuyên bố rằng Thủ tướng Roble không có quyền sa thải Giám đốc cơ quan tình báo Yasin - đồng thời phục chức cho ông này.

Tổng thống Farmajo cũng bác bỏ quyết định sa thải Bộ trưởng an ninh của Thủ tướng.

Tổng thống đã chỉ định một ủy ban điều tra để điều tra vụ mất tích của nữ điệp viên Tahlil, nhưng mẹ của cô, bà Qali Mohamud bác bỏ động thái này và tuyên bố rằng bà muốn tòa án quân sự điều tra về việc con mình mất tích.

Hôm thứ Năm 16/9, Văn phòng Tổng thống ra thông cáo cho biết, quyền hạn của Thủ tướng - đặc biệt là đối với việc bổ nhiệm - miễn nhiệm các quan chức - đã bị rút lại cho đến khi Somalia tổ chức bầu cử.

Quốc gia châu Phi này dự kiến tổ chức bầu cử quốc hội gián tiếp từ ngày 1/10 đến ngày 25/11.

Vài giờ sau, ông Roble nói rằng ông sẽ phản đối quyết định "trái pháp luật" của Tổng thống. 

Hôm Chủ nhật, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed đã gặp Tổng thống và Thủ tướng Somalia đồng thời kêu gọi họ tránh bất kỳ động thái nào "có thể dẫn đến bạo lực cũng như việc trì hoãn bầu cử hoặc làm suy giảm uy tín của cuộc bầu cử".

Thủ tướng và Tổng thống Somalia từng bất đồng gay gắt hồi tháng 4 vì quyết định hoãn bầu cử của Tổng thống Farmajo đồng thời kéo dài nhiệm kỳ tổng thống của ông, vốn đã hết hạn vào hồi tháng 2.

Điều này từng dẫn đến việc các phe đối địch nhau xung đột tại thủ đô Mogadishu. 

Sự leo thang mới nhất liên quan đến bất hòa giữa Tổng thống và Thủ tướng Somalia là đáng báo động sâu sắc. Hiện người đứng đầu cơ quan tình báo của Somalia - Cơ quan An ninh và Tình báo Quốc gia (NISA) - có hai lãnh đạo, một do Tổng thống bổ nhiệm và một do Thủ tướng bổ nhiệm đồn thời họ cũng chia thành hai phe.  

Giám đốc do Tổng thống bổ nhiệm hiện kiểm soát trụ sở của NISA, trong khi người do Thủ tướng bổ nhiệm hoạt động bên ngoài trụ sở NISA nhưng vẫn kiểm soát tài chính của cơ quan này, theo các nguồn tin chính phủ.

Các chỉ huy quân đội và cảnh sát cũng bị chia thành 2 phe. Những căng thẳng này đã làm dấy lên lo ngại về các cuộc đụng độ vũ trang. Các nhóm đối thủ của quân đội chính phủ đã nhiều lần khai hỏa để giành quyền kiểm soát các khu vực của thủ đô trong thời gian gần đây.  

Những chia rẽ sâu sắc trên trong giới lãnh đạo chính trị và quân sự Somalia cũng dấy lên nguy cơ nước này dễ bị nhóm chiến binh al-Shabab tấn công hơn.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem