Nữ nhi diệt giặc trời

Thứ hai, ngày 07/03/2011 12:29 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đại đội dân quân C4 gái (Tiền Hải, Thái Bình) là đơn vị nữ duy nhất của Việt Nam, và có lẽ cũng rất hiếm hoi trên thế giới làm chủ pháo phòng không 37mm sẵn sàng dệt lửa bảo vệ quê hương.
Bình luận 0

Với những người phụ nữ ở huyện Tiền Hải, Thái Bình, ngày 22.12.1967 là một ngày đáng nhớ, bởi họ đã phải ngừng tay cày, tay cấy để nắm lấy những khẩu pháo phòng không nóng bỏng, đương đầu với kẻ thù là một siêu cường quốc với những loại vũ khí hiện đại.

img
 Bà Tựa (phải), nguyên Đại đội trưởng nữ dân quân C4, và chị Lê Thị Mai- quyền Đại đội trưởng dân quân C4 hiện nay

Mục tiêu trọng yếu

Để tạo ra vựa lúa Tiền Hải ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, người dân Tiền Hải phải lấy nước sông Trà Lý qua cửa cống Lân, thuộc địa phận xã Đông Lâm. Đây là cửa cống vô cùng quan trọng, có vai trò ngăn mặn, trữ ngọt cho 40.000ha lúa của Tiền Hải.

Bà Trần Thị Tựa, năm nay 74 tuổi, nguyên Đại đội trưởng dân quân gái C4 cho chúng tôi biết: “Những năm đó, tỉnh Thái Bình là một trong những địa phương dẫn đầu trong việc góp lương thực cho chiến trường miền Nam. Nếu không bảo vệ được cống Lân, cả tỉnh mất mùa, nước mặn sẽ xâm lấn đồng đất Thái Bình.

Do những thành tích xuất sắc, với 2 lần bắn rơi máy bay địch và 4 lần phối hợp với đơn vị bạn hạ lũ giặc trời, đơn vị dân quân gái C4 đã 2 lần được tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng và cho tới bây giờ vẫn duy trì sẵn sàng chiến đấu.

Vì sự quan trọng này, Tỉnh uỷ Thái Bình đã chỉ đạo cho huyện Tiền Hải bằng mọi giá phải bảo vệ được cống Lân để đảm bảo mùa màng và duy trì nguồn lương thực cho chiến trường miền Nam.

Lúc đó, thanh niên tỉnh Thái Bình nói chung và huyện Tiền Hải nói riêng đều đã vào hết chiến trường, còn lại toàn đàn bà, con gái tay yếu, chân mềm. Tuy nhiên, trước yêu cầu của nhiệm vụ, Đại đội Nữ dân quân C4 của chúng tôi đã ra đời”.

Nhằm ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã leo thang đánh phá miền Bắc và mục tiêu cống Lân của Thái Bình được các máy bay Mỹ chọn là mục tiêu oanh kích. Đã từng chỉ huy hàng nghìn trận đánh của Đội dân quân gái C4 đương đầu với không quân Mỹ, bà Tựa cho biết: "Ngày nào chúng nó cũng bay qua, lúc đi chúng ném bom, lúc về còn bao nhiêu bom chúng quăng hết cả xuống cống Lân.

Có những hôm loạt bom trước chưa nổ, loạt bom sau đã trút xuống. Chưa hết, chúng còn bắn rốc két, bom xuyên nhưng tất cả chúng tôi không ai bỏ vị trí. Chúng tôi thề bảo vệ mục tiêu cống Lân, dù bọn giặc có trút bao nhiêu bom đạn, C4 dân quân gái cũng không thể bỏ cuộc”.

Dệt nên lưới lửa

Cho đến bây giờ đã 65 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Nghiêm- nguyên Chính trị viên, Bí thư chi bộ của đại đội nữ dân quân vẫn không thể nào quên những trận chiến ác liệt khi đương đầu với không quân Mỹ. Bà Nghiêm nhớ lại: Hôm đó là ngày 28.5.1972 chúng tôi đã phát hiện một tốp máy bay địch xâm phạm vùng trời. Lập tức chị Nguyễn Thị Tựa- Chỉ huy chiến đấu đã ra lệnh khai hoả. 4 khẩu đội pháo 37mm của chị em chúng tôi đồng loạt nhả đạn, tạo nên một lưới lửa xé toang đội hình bay của bọn chúng.

Một chiếc máy bay AD7 bị trúng đạn, rồi phụt khói vàng lao xuống đất. Thấy đồng bọn bị tiêu diệt, lũ giặc trời điên cuồng tấn công vào trận địa của chúng tôi. Bom xuyên và rốc két ào ào trút xuống như vãi trấu. Đất cát bay mù mịt giữa đêm tối mà pháo sáng loá trắng trời. Trận địa của chúng tôi bị đạn giặc quật trúng. Có người máu chảy, có người quần áo rách tả tơi, tai ù đặc, nhưng 50 chị em vẫn quyết không rời vị trí chiến đấu.

Chúng tôi đáp trả và bẻ gãy từng đợt tấn công của địch. Những họng pháo phòng không liên tục nhả đạn, nhằm vào đội hình bay của giặc trời. Tôi vẫn nhớ hôm đó, khẩu pháo của chị Nguyễn Thị Nhiệm bắn nhiều quá đỏ cả nòng.

Một mình chị Nhiệm đã vác cả một chiếc nòng pháo nặng hơn một tạ để đồng đội thay nòng, xong rồi lại chiến đấu tiếp. Tuy chúng tôi là con gái nhưng lúc đó hăng lắm, ai cũng khoẻ đến không ngờ. Sau nhiều giờ liền chiến đấu, đại đội của chúng tôi có hơn 10 chị em bị sức ép của bom ngất xỉu. Riêng chị Tựa thì bị mảnh đạn găm vào đầu phải cậy ra. Hôm đó, trận địa bị trúng đạn nên chúng tôi phải thức suốt đêm cùng nhân dân chuyển pháo ra vị trí mới để đảm bảo an toàn và bí mật trong chiến đấu”.

Trong chiến đấu, các chị dũng cảm bao nhiêu thì ngoài đời họ lại giản dị bấy nhiêu. Bây giờ đã 74 tuổi, bà Tựa đang sống với cháu vì bà không lấy chồng. Bà Tựa tâm sự: Những năm ác liệt đó, ai cũng yêu đương thì ảnh hưởng đến công tác và chiến đấu. Vì thế, tôi và các chị trong đội đều không cho phép bản thân có tình cảm riêng tư. Nhiều đêm khi chị em đã buông màn đi ngủ, tôi phải lần từng giường để đếm chân, xem có chị nào phá rào đi chơi hay không?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem