Nữ nông dân thăng hoa với lan rừng, thu vài tỷ đồng mỗi năm

Đức Thịnh (Trang Trại Việt) Thứ năm, ngày 23/06/2016 19:00 PM (GMT+7)
Từ niềm đam mê với vẻ đẹp của những nhánh lan rừng, chị Trịnh Thị Huyền ở xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) đã mạnh dạn đầu tư cơ sở trồng lan rừng lớn nhất tại địa phương. Vừa được thỏa mãn vẻ đẹp kiêu sa của lan rừng, mỗi năm gia đình chị còn có thu nhập vài tỷ đồng.
Bình luận 0

Nhìn chị Huyền chăm chút tỉa cành cho từng cây lan, ngắm hàng vạn cây hoa lan, lá xanh mướt, rễ xum xuê, đủ thấy niềm đam mê và tình yêu chị dành cho loài hoa tinh tế này. Vừa làm, chị Huyền vui vẻ kể: “Để có được các giống lan rừng đẹp và quý hiếm như hiện tại, tôi đã bỏ công nhiều năm đi tới các vườn trồng lan có tiếng khắp các vùng trong và ngoài tỉnh để sưu tầm rồi mua về nhân giống”.

img

Với chị Huyền vườn lan rừng không chỉ là nguồn sống mà còn là đam mê. Ảnh: Đức Thịnh

Trước đây, chị Huyền làm ruộng, chồng chị, anh Lê Ngọc Thịnh, làm nghề chạy xe tải. Những lúc nông nhàn, chị phụ chồng đi chở hàng thuê cho các cửa hàng gốm sứ. Trong 1 lần giao hàng cho khách trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) đúng vào dịp lễ hội hoa, bị hút hồn bởi vô số chậu hoa lan rực rỡ trên vỉa vè, chị liền mua vài cây lan rừng về trồng.

 “Tôi mê hoa lan rừng lắm. Tuy làm nông quanh năm đầu tắt mặt tối nhưng tôi vẫn dành ra một khoảng diện tích để trồng hàng trăm chậu lan rừng các loại. Suốt 4 năm đầu, tôi chỉ trồng lan rừng như một thú chơi. Năm 2008, nhận thấy đây là loài hoa được nhiều người yêu thích, tôi quyết định đầu tư vốn lập cơ sở quy mô lớn. Hoa đẹp thế chỉ ngắm thì phí đi, làm sao để hoa vừa đẹp vừa “hái ra tiền”, chị Huyền thổ lộ.

Khi mới bắt tay vào làm, chị gặp không ít khó khăn. Lan thường xuyên bị bệnh chết hàng loạt hoặc không ra hoa. Nhưng chị vẫn cần mẫn làm, tìm hiểu về kỹ thuật và kiên trì chăm sóc đã giúp chị vượt qua những khó khăn ấy.

Từ 80m2 diện tích ban đầu đến nay chị đã mở rộng lên hơn 1.200m2 diện tích trồng lan. Ngoài ra, chị còn đầu tư nhà lưới trị giá hơn nửa tỷ đồng để trồng lan rừng công nghệ cao. Hiện, gia đình chị đang ươm mầm hàng vạn gốc lan rừng lẫn giống nhập ngoại như: đai trâu, phi điệp tím, quế lan hương, tam bảo sắc… khiến nhiều người trong nghề phải ngưỡng mộ.

Không như các loài hoa khác, người bán chỉ trông chờ mỗi vụ Tết, với lan rừng khách hàng tìm mua quanh năm. “Khách không chỉ tìm đến mua lan mà thường ngày họ còn tìm đến để học hỏi kỹ thuật trồng lan. Là người đi trước, từng rút ra kinh nghiệm từ những lần thua lỗ, thất bại, nên ai cần tư vấn về các vấn đề liên quan đến lan rừng thì tôi luôn sẵn sàng. Trồng loại lan này vốn đầu tư rất lớn và đòi hỏi người trồng phải có tâm huyết và thực sự hiểu chúng”, chị Huyền chia sẻ.

Theo chị Huyền, ngoài những yếu tố cần thiết về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và nguồn nước, thì phải chú ý đến môi trường xung quanh. Lan rừng rất “dị ứng” với không khí ô nhiễm, nên cần trồng trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem