Trước đó, theo thông tin đã đưa, bệnh nhân Lê Thị Hà Vi (SN 2000, ngụ xã Ea B’hốk, huyện Cư Kuin – Đắk Lắk) bị tai nạn phải nhập viện ngày 6.3. Tuy nhiên sau khi bị băng bó Vi kêu đau đớn, bàn chân mất cảm giác. Gia đình yêu cầu tháo băng và cho chuyển viện nhưng bác sĩ không đồng ý, đến ngày 8.3 mới tháo bột. Tuy nhiên lúc này chân Vi đã sưng phù, nhiều bỏng nước nhưng bệnh viện vẫn không đồng ý chuyển viện.
Đến ngày 13.3, chân bệnh nhân có dấu hiệu hoại tử thì mới đồng ý cho chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi thăm khám, bác sĩ nơi đây đã tức tốc đưa nạn nhân đi cấp cứu ở bênh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh), nhưng mọi việc đã quá muộn. Vi đã phải cắt gần như hết phần chân phải.
Nữ sinh Hà Vi tại bệnh viện (Ảnh: Pháp luật TP. HCM)
Về vụ việc này, GS Đỗ Kim Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khẳng định, Sở Y tế Đăk Lắk cần lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá và rút kinh nghiệm, tìm ra sai sót và có cách xử lý thích đáng nếu không người dân sẽ rất bất bình.
Theo GS Sơn, đối với những tai biến y khoa xảy ra với các bệnh nhân nhỏ tuổi, thanh niên, ảnh hưởng đến cả tương lai của một con người sẽ dễ khiến dư luận bức xúc. Do đó, ngành y tế phải nhìn thẳng vào sự thật để rút kinh nghiệm. “Có một thực tế là ở nhiều tuyến y tế cơ sở, nhân lực yếu kém, thiếu trang thiết bị nên người bệnh cảm thấy không yên tâm và thường chạy về tuyến tỉnh và trung ương điều trị” - GS Sơn cho biết.
Một lãnh đạo Bộ Y tế cũng thừa nhận, vẫn tồn tại tình trạng một số cơ sở y tế giữ bệnh nhân để giữ “nguồn thu”. Hiện Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định về chuyển tuyến điều trị nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh, yêu cầu các bệnh viện chuyển tuyến khi bệnh vượt quá khả năng cứu chữa nhưng nếu bệnh viện chuyển bệnh nhân đi sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả, mất nguồn thu.
Do đó, một số bệnh viện không tiên liệu được mức độ của bệnh, giữ bệnh nhân lại trong khi bệnh vượt khả năng cứu chữa. Việc này khiến nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng hơn, điều trị khó khăn hơn hoặc để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vụ việc em gái bị cưa chân nói trên.
Một bác sĩ ở bệnh viện tuyến Trung ương cho hay, việc đề ra quy định hạn chế thanh toán bảo hiểm y tế cho những bệnh nhân tự vượt tuyến là hợp lý. Vì nếu để tự do vượt tuyến thì sẽ nhiều người bệnh nhẹ “đổ dồn” lên tuyến trên, gây quá tải, làm mất cơ hội điều trị của những bệnh nhân nặng, ca bệnh khó.
“Vì vậy, giải pháp chính là đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới. Tuy nhiên, để khuyến khích bác sĩ giỏi về vùng sâu vùng xa phải có cơ chế. Nếu cứ dùng mệnh lệnh hành chính để “cử tuyển” những người không đủ năng lực thì dù vùng sâu vùng xa có bác sĩ cũng sẽ không nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh, thậm chí để xảy ra tai biến không đáng có” – bác sĩ này cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.