Buôn thúng bán bưng trở thành tỷ phú
Hơn 30 năm trước, cô thanh niên xung phong Trần Thị Ngọc Mai theo chồng về Đăk Nông lập nghiệp. Nơi cô đến - bây giờ là thị trấn Đăk Mil trù phú, ngày xưa là núi rừng hoang vu, dân cư thưa thớt với cuộc sống vô cùng khó khăn. Vốn liếng chẳng nhiều nên cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ Mai - Thành thiếu trước hụt sau.
Bà Trần Thị Ngọc Mai nói việc giúp đỡ người gặp khó khăn, người không may mắn giúp bà cảm thấy hạnh phúc. Ảnh: D.H
"Tôi giúp người chỉ để giúp mình. Bởi khi giúp ai được điều gì đó, tôi thấy lòng mình thanh thản, hạnh phúc và thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn".
Bà Trần Thị Ngọc Mai
|
Giữa bộn bề khó khăn, bà Mai quyết định dùng chút vốn ít ỏi để buôn bán. Bà kể, hàng ngày bà vác quang gánh vào tận nhà dân để mua từng củ sắn, mớ bắp, túm lúa… mang ra ngoài bán lại. Lời lãi chẳng đáng là bao nhưng bà cứ thế tích cóp từ đồng một để vừa lấy thêm vốn buôn bán vừa để nuôi sống gia đình.
“Nếu kể về những vất vả thì khó mà nói hết. Phải mất nhiều năm sau, tôi mới gom góp mua được chiếc xe đạp để đi mua nông sản. Hàng ngày tôi phải đi hàng chục cây số để mua nông sản về bán lại, xem như lấy công làm lời"- bà Mai kể.
Thế nhưng, từ những đồng tiền ít ỏi thuở ấy, bà Mai giờ đã thành một "đại gia" có tiếng ở Đăk Mil. Về Đăk Mil, cứ hỏi vợ chồng Mai - Thành, hầu như ai cũng biết đến. Hiện bà là chủ doanh nghiệp chuyên cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, có đến 200 đại lý cấp 2 và khoảng 1.500 hộ dân là bạn hàng thân thiết. Hàng năm, doanh nghiệp của bà đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức lương trung bình từ 10-12 triệu đồng/tháng.
Ngoài buôn bán, gia đình bà còn sản xuất khoảng 7ha cà phê, hàng năm thu về hàng chục tấn. Thế nhưng khi được hỏi về thu nhập mỗi năm, bà cười và khiêm tốn nói: "Chắc chỉ được vài tỷ đồng".
Giúp người là giúp mình
Ở Đăk Mil, bà Mai được biết đến không bởi chỉ là một doanh nghiệp cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp hàng đầu mà còn là một người rất thích làm từ thiện. Bà nói với chúng tôi, từ những ngày còn cơ hàn, bà đã luôn cảm thông trước hoàn cảnh của những người khốn khó hơn mình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Trong Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2018, bà Trần Thị Ngọc Mai là 1 trong 63 nông dân được tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. |
"Tôi đi nhiều nên thấu hiểu cuộc sống khó khăn của đồng bào địa phương. Mình đã nghèo nhưng họ còn nghèo khó hơn rất nhiều, con cái thậm chí không có chiếc áo lành lặn để mặc. Thế nên, trong những chuyến đi mua hàng, tôi thường xuyên xin quần áo cũ rồi mang theo để biếu bà con"- bà Mai kể.
Bà Mai nói, làm từ thiện không nhất thiết phải mang đến cho người khác nhiều tiền bạc, của cải mà quan trọng là đem đến cho họ sự ấm áp, niềm vui, niềm tin vào cuộc sống. Chính từ tâm niệm ấy mà bà Mai luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác từ những thứ nhỏ nhất, thậm chí có khi chỉ là những câu nói động viên chia sẻ chân tình.
Từ khi trở thành doanh nghiệp cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp ở địa phương, bà Mai đã trở thành ân nhân của hàng trăm người dân nghèo. Hàng năm, bà đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua phân bón, vật tư nông nghiệp về bán nợ không tính lãi cho tất cả những ai thiếu tiền đầu tư sản xuất kinh doanh. Ghi nhận việc làm ấy của bà Mai, năm 2006, Bộ NNPTNT đã tặng bà Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ngoài ra, bà Mai còn bỏ ra hàng chục triệu đồng xây dựng nhà tình thương. Hiện bà Mai trợ cấp hàng tháng cho 2 cháu bé là nạn nhân chất độc da cam. Bà cũng cùng với nhà chùa mỗi tháng đóng góp tiền để xây nhà tình thương cho người nghèo.
Bà Nguyễn Thị Sâm- mẹ của hai cháu bé bị di chứng chất độc da cam - nói với chúng tôi: "Gia đình không có đất đai nên vợ chồng hết sức cơ cực, quanh năm đi làm thuê, làm mướn để nuôi con. Nhờ có chị Mai giúp đỡ mà mấy năm qua, gia đình có thêm động lực để làm ăn phát triển kinh tế, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.