“Khi em 3 tuổi, mẹ em vào tù vì tội lưu hành tiền giả. Bố em sau đó lấy vợ khác còn em được đưa về nhà ông bà ngoại và cậu mợ nuôi. Em nghe kể là vậy nhưng lúc ấy bé quá, em có biết gì đâu? Chỉ nhớ mang máng là suốt thủa thơ bé đến khi phạm tội và tận giờ phút này, trong lòng em lúc nào cũng có một khoảng trống rất khó tả…”, phạm nhân Phạm Quang Quý (trú tại xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) bộc bạch.
Phạm Quang Quý trong vai trò là phạm nhân tự quản. Ảnh: Linh Anh
16 tuổi đã trở thành “thủ lĩnh” cướp giật
Phạm Quang Quý lĩnh bản án 6 năm 6 tháng tù về 2 tội Cướp tài sản và Cướp giật tài sản khi vừa bước qua tuổi 16. Ở tuổi đó, khi những đứa trẻ khác còn đang chuyên tâm học hành vì vừa chuyển cấp thì Quý đã trở thành “thủ lĩnh” của ổ nhóm tội phạm gây nên hàng chục vụ cướp tài sản và cướp giật tài sản.
Học hết lớp 8, Quý nghỉ học, lêu lổng, chơi bời. Quý chơi theo nhóm và tập hợp những thành phần mải chơi giống mình. Công việc không có, nhu cầu dành cho các trò tiêu khiển lại nhiều, khiến Quý vật vã vì thiếu tiền. Quẫn bách, Quý đã nghĩ đến cách phạm tội để có tiền.
Sáng 11.9.2012, Quý cùng Đinh Văn Bộ (SN 1992, trú cùng địa phương) rủ nhau đi cướp giật tài sản. Hai tên nói dối có việc gấp và mượn được một chiếc xe máy của anh bạn cùng xóm rồi đi lượn lờ dọc đường liên thôn, liên xã xem có ai sơ hở thì gây án. Đi được vài cây số, chúng nhìn thấy một người phụ nữ trung tuổi đang đạp xe, trên giỏ có một chiếc túi xách nên Quý ngồi sau xe nhanh tay giật chiếc túi rồi tăng ga bỏ chạy. Đến đoạn đường vắng người qua lại, chúng dừng lại kiểm tra bên trong túi có số tiền 4,7 triệu đồng, đã chia nhau sử dụng.
Đến khi số tiền vừa hết thì cũng là lúc Quý bị Cơ quan CSĐT, Công an huyện Mỹ Đức phát hiện. Qua đấu tranh khai thác mở rộng vụ án, lực lượng chức năng làm sáng tỏ, không chỉ là thủ phạm gây nên vụ cướp giật túi xách nói trên, Quý là đối tượng cầm đầu của hàng chục vụ cướp và cướp giật tài sản xảy ra trên địa bàn huyện Mỹ Đức trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9.2012.
Thủ đoạn của ổ nhóm do Quý cầm đầu là đi xe máy lượn lờ vào bất cứ thời gian nào trong ngày, hễ thấy ai đi một mình, sơ hở trong quản lý tài sản là chúng tiến đến gần và gây án. Trong nhiều vụ, chúng còn dùng hung khí dọa và gây thương tích cho nạn nhân. Các nạn nhân của nhóm đối tượng này thuộc nhiều lứa tuổi, trong đó chủ yếu là các học sinh trên đường đến lớp hoặc đi học về nên tài sản có trong người thường không lớn, cá biệt có vụ chúng chỉ cướp được số tiền 14.000 đồng. Tuy thế, vì khát tiền, chúng liên tiếp gây án với thủ đoạn ngày càng manh động khiến rất nhiều phụ huynh và người đi đường tại thời điểm đó hoang mang, lo sợ, gây mất trật tự, trị an tại địa phương.
Thiếu vắng tình cảm
Ngày bị đưa ra xét xử, Quý khóc rất nhiều. Không phải vì Quý run sợ trước hành vi phạm tội của mình và bản án tòa sắp tuyên mà là vì đã lâu lắm rồi Quý mới được nhìn thấy mẹ.
Mẹ Quý vì không vượt lên được hoàn cảnh khốn khó của mình đã phạm tội khi đứa con trai đầu vừa tròn 3 tuổi. Từ ngày mẹ đi thụ án, đứa trẻ 3 tuổi ấy, là Quý nào đã biết đến ly biệt mà chỉ biết gào khóc đêm ngày vì nhớ mẹ. Quý ở với bà, với cậu mợ, cũng được chăm sóc, được cho ăn uống đầy đủ, nhưng tình cảm và hơi ấm của một người mẹ thì họ không thể cho Quý được.
Thêm nữa, từ ngày mẹ thụ án, bố Quý cũng bỏ bẵng con, rồi sau đó nhanh chóng nên duyên với người phụ nữ khác. Vậy là, thuở ấu thơ của Quý, tuy còn mẹ, còn cha nhưng khác nào đứa bé mồ côi. Quý lớn lên như cây dại, không được uốn nắn, nhắc nhở cặn kẽ nên đã có những bước đi lầm lỗi ngay ở tuổi vị thành niên. Những bước đi lầm lỗi ấy phải trả giá bằng án phạt tù.
“Phạm nhân Phạm Quang Quý nhập trại ngày 10.7.2013, từ đó đến nay, phạm nhân có ý thức cải tạo và lao động tốt. Nhờ đó đã được phân công trong Ban tự quản của phân trại…”- một cán bộ quản giáo trực tiếp quản lý phân trại nơi Quý đang lao động, cải tạo cho biết.
Nhìn Quý trong bộ quần áo phạm nhân, ánh mắt luôn dõi xa xăm với vẻ mặt già giặn, không ai nghĩ, Quý mới bước vào tuổi 19. Sự thiếu thốn tình cảm từ ngày thơ bé, có lẽ đã khiến Quý trở nên dạn dĩ như vậy. Giá như, Quý có cuộc sống đủ đầy tình cảm của mẹ cha, được thương yêu, được vỗ về, chăm sóc thì cuộc đời Quý chắc hẳn sẽ không có bước lầm lỡ như vậy. Nhưng một “thủ lĩnh” của ổ nhóm tội phạm gây hoang mang dư luận địa phương của 2 năm về trước và một phạm nhân Phạm Quang Quý của ngày hôm nay đã có sự đổi khác rõ ràng về nhận thức khi Quý tự biết nói lên những suy nghĩ của bản thân mình.
*Tiêu đề đã được Dân Việt đặt lại.
(Theo Linh Anh/Pháp luật & Xã hội)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.