Dẫu biết rằng, sinh ra và mất đi là lẽ của tự nhiên, đất trời đã định, nhưng sự mất mát, hy sinh quá lớn và đột ngột của những nạn nhân trong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 khiến người thân, nhân dân cả nước quặn thắt lòng.
"Em ơi, có tin gì về con chị không em? Con chị đâu rồi?", giọng chị Nguyễn Thị Hằng (trú thôn Nhan Biều, Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị) khản đặc trong điện thoại khi gọi cho PV Dân Việt.
Mấy ngày qua, mỗi khi nghe được tin gì, chị Hằng lại lóe lên tia hy vọng rồi điện thoại cho PV Dân Việt đang có mặt ở tỉnh Thừa Thiên - Huế để xác nhận sự thật.
Khi nhận được câu trả lời vẫn chưa có thông tin gì, chị Hằng lại òa khóc.
"Hy vọng con chị còn sống gần như không còn, nhưng chị mong tìm thấy thi thể của con để đem về nhà, chứ để nó nằm lạnh ở rừng sâu, đau đớn lắm em ơi", chị Hằng nói trong tiếng nấc nghẹn.
Những ngày qua, chị Hằng không thể ngủ. Cứ nhắm mắt lại, hình ảnh đứa con trai 26 tuổi Bùi Đức Thọ lại hiện lên khiến chị dàn giụa nước mắt.
Sáng 14/10, chị Hằng nhận tin báo từ công ty rằng thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở, con trai chị bị mất liên lạc. Nghe tin, chị Hằng rụng rời tay chân. Sau phút định thần, chị vội vàng chạy vào Bệnh viện đa khoa Bình Điền (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nơi được báo là có thể tiếp nhận người gặp nạn trở về.
"Con tôi đây, có ai nhìn thấy con tôi không? Có ai nhìn thấy không?", chị Hằng mở ảnh con trai trong điện thoại, chạy khắp sân bệnh viện cho từng người xem.
Câu hỏi của người mẹ đi tìm con khiến mọi người quặn thắt lòng, nhưng không ai có câu trả lời. Họ cũng buồn, cũng khóc như người mẹ đáng thương này.
Chiều cùng ngày, khi 19 công nhân của thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 được cơ quan chức năng đưa về, chị Hằng lại lóe lên tia hy vọng.
Một cán bộ của xã Hương Bình (thị xã Hương Trà) quay lại cảnh đưa 19 người trở về. Chị Hằng vội chạy đến xin xem có con mình trong đó hay không, để rồi lại suy sụp thêm lần nữa bởi chị chẳng thấy con đâu.
Một chiếc điện thoại cứ chuyền cho người này, người kia đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đắk Nông. Họ đều là thân nhân của những người mất liên lạc. Cuối cùng, tất cả đều ngồi sụp xuống, ôm đầu, vò tóc, khóc than.
Hiện giờ, chị Hằng, bà con lối xóm đang ở quê nhà ngóng tin của Thọ, trong khi mưa lũ ngày càng dâng cao, nhiều nhà bị ngập, nước mắt hòa nước mưa.
Cũng đến Bệnh viện đa khoa Bình Điền vào sáng sớm 14/10, chị Lê Thị Thu Thảo (SN 1996, trú thôn Bích La Đông, Triệu Thành, Triệu Phong, Quảng Trị) bồng bế 2 con nhỏ, đứng ngồi không yên.
Anh Trần Văn Lộc (1995, chồng chị Thảo) được thông báo mất liên lạc khi hàng triệu khối đất đá ở thủy điện Rào Trăng 3 đổ ập xuống, san phẳng mọi thứ thành bình địa.
Nước mắt dàn giụa, chị Thảo cho biết quê chồng ở xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Hai vợ chồng có với nhau 2 mặt con, đứa lớn gần 3 tuổi, đứa nhỏ mới hơn 2 tháng tuổi.
Ở Đắk Nông không có việc làm, vợ chồng anh Lộc dắt díu nhau ra quê vợ để tìm việc làm. Khoảng một năm nay, anh Lộc làm công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3. Vì cuộc sống mưu sinh, anh làm việc quần quật để gửi tiền về nhà lo cho vợ và con thơ. Dù rất nhớ vợ con, nhưng anh đành ngậm ngùi chấp nhận cảnh xa nhà, lấy công việc khỏa lấp nỗi buồn.
Nhận hung tin của chồng, chị Thảo như sụp đổ hoàn toàn, trước mắt chị chỉ còn khoảng trời tối mù mịt. Nhưng chị và gia đình vẫn hy vọng, ngóng chờ trong nước mắt. Tuy nhiên, niềm hy vọng ấy quá ngắn ngủi khi ngày 16/10, cơ quan chức năng báo tin kết quả giám định ADN xác định thi thể được tìm thấy ở thủy điện Rào Trăng 3 là anh Lộc.
Bồng bế đứa con thơ đứng bên ban thờ, nhìn di ảnh rồi gọi tên chồng, chị Thảo nước mắt lưng tròng mà trách: "Sao anh bỏ em và con đi vậy anh ơi?".
Cảnh mẹ góa con côi khiến ai chứng kiến cũng đau đớn lòng.
Anh đi làm nhiệm vụ mãi không về nữa
Chập tối 16/10, tại ngôi nhà cấp 4, cũ kỹ ở thị trấn Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, nơi ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cùng gia đình sinh sống có rất đông bạn bè, người thân và chiến sĩ công an, quân đội tập trung chuẩn bị lo hậu sự cho ông.
Nhà có 3 chị em, ông Bình là con trai duy nhất trong nhà. Bố mất, ông Bình cùng vợ và 2 con sống với mẹ già để chăm nom.
Dòng sông Bồ trước mặt nhà ông Bình càng về tối, nước càng dâng cao, cuồn cuộn chảy bởi mưa lũ. Từng cơn gió giật mái tôn, bạt của rạp đám tang bật lên khiến mọi người thêm lo lắng. Nếu lũ lớn, làm sao lo tang lễ cho ông.
Bên trong căn nhà nhỏ ấy, vết tích của trận ngập lũ kéo dài vẫn còn hằn trên vách cửa sổ. Khi PV Dân Việt đến, nước mới rút khỏi nhà ông Bình được 2 ngày, đồ đạc trong nhà còn ngổn ngang, ướt át, được dọn tạm vào một góc.
Ở vùng thấp, từ ngày 8/10, nước lũ đã ngập nhà. Mẹ ông phải đi viện điều trị bệnh. Dù lo lắng nhưng vị chủ tịch 42 tuổi vẫn phải giao nhà cho vợ chống lũ để đi cứu giúp nhân dân vùng ngập. Bất chấp nguy hiểm, khó khăn, ông Bình tận tay tiếp tế cho người dân từng gói mì tôm, từng ổ bánh mì để chống đói trong những ngày mưa lũ.
Vừa thắp lên ban thờ tổ tiên nén nhang, bà Nguyễn Thị Mỹ Ny (vợ ông Bình) nói trong nước mắt, mưa lũ nên ông Bình trực cơ quan suốt ngày đêm. Đến cuối giờ chiều ngày 9/10, ông Bình có ghé về nhà một lúc, rồi lại lên đường đi cứu trợ nhân dân vùng lũ. Buổi chiều ấy cũng là lần cuối cùng bà Ny gặp chồng mình.
Nghe tin chồng bị mất liên lạc, ban đầu, bà Ny nghĩ do không có sóng điện thoại, hoặc đường sạt lở chưa thể trở về. Bà ngày đêm mong ngóng, đợi chờ, nhưng ngày qua ngày, tin chồng gặp nạn cùng 12 người khác trong đoàn cứu hộ đến càng dồn dập. Nhìn hình ảnh, clip trên báo chí, bà bắt đầu lo sợ, nghĩ đến điều chẳng lành. Và cuối cùng điều đau đớn nhất đã ập xuống khi chiều 15/10, cơ quan chức năng tìm thấy thi thể của 13 người trong đoàn cán bộ bị vùi lấp ở trạm bảo vệ rừng 67.
"Nghe tin dữ, mình vẫn hy vọng vợ chồng ăn ở đàng hoàng, bà con lối xóm, anh chị em ai cũng thương mến, trời cũng thương chứ không đến nỗi. Không ngờ, anh đi làm nhiệm vụ mãi không về nữa", chị Ny tâm sự với PV Dân Việt trong nước mắt.
Người mẹ già đã ngoài 70 của ông Bình đến nay vẫn đang ở bệnh viện. Sợ bà sốc, nên mọi người cố gắng giấu thông tin.
Điều gia đình, bà con lối xóm lo lắng nhất bây giờ là nước lũ ngày một lên nhanh, việc lo hậu sự cho ông Bình có thể sẽ gặp trở ngại. "Tôi mong trời hết mưa, lũ đừng lên nữa để lo cho ông Bình về nơi chín suối", một người hàng xóm của ông Bình nghẹn nghào nói.
Những ngày này, người thân, xóm giềng, đồng nghiệp cũng đang túc trực tại nhà trung tá Trần Minh Hải - Phó Tham mưu trưởng Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế để lo hậu sự cho anh.
Ngôi nhà cấp 4 của anh Hải nằm ở phường Thuận Lộc, TP.Huế, vừa bị lũ ngâm suốt 4 ngày. Trong những ngày lũ, vợ cùng 2 con nhỏ của anh Hải phải trèo lên gác lửng của căn nhà để tránh trú, còn anh vẫn theo nhiệm vụ, đi cứu giúp nhân dân vùng ngập. Trong những ngày anh Hải gặp nạn, vợ anh ở nhà, mất điện, xóm giềng cũng giấu thông tin. Lũ vừa rút, biết hung tin của chồng, người vợ chết lặng, đau đớn tột cùng.
Chị Nguyễn Thị Bé (48 tuổi, trú phường Thuận Lộc, bán cháo bò ở đường Lương Ngọc Quyến, gần Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế) nói trong nước mắt: "Tuy có chức tước nhưng chú Hải sống rất tình cảm, chan hòa với mọi người. Chúng tôi còn hay nói đùa với nhau mỗi khi chú ấy ra quán tôi ăn. Hay tin chú ấy mất, tôi và mọi người đau xót lắm, cứ nhắc đến là nước mắt trực trào ra".
Chị Bé và mọi người mong sớm được thắp cho 13 con người vì nước, vì dân nén tâm hương tiễn biệt.
Ở quê nhà, người thân, xóm giềng, đồng nghiệp của trung tá Bùi Phi Công - Cục phó Cục Hậu cần Quân khu 4 (trú TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) cũng đang làm tư tưởng cho bố mẹ già của anh. Bố mẹ anh Công đã ngoài 80, sức khoẻ yếu nên từ khi anh gặp nạn, gia đình tạm thời giấu kín.
Vợ anh Công là chị Đỗ Thị Hương đang ngày đêm quặn thắt lòng, khóc thương người chồng đi làm nhiệm vụ mãi không về nữa. Hai con của anh Công (một bé hiện học lớp 6 và bé nhỏ hiện học lớp 3) thấy mẹ khóc cũng òa khóc theo. Nhìn cảnh vợ trẻ, con thơ mất đi người chồng, người cha, ai nấy đều không cầm được nước mắt.
Một người em của anh Công nói với PV Dân Việt anh Công sống tình cảm, có trách nhiệm, là niềm tự hào của đại gia đình, nhưng anh đã mãi mãi ra đi.
Ở những ngôi nhà khác, nơi có người thân của người đã mất trong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3, tiếng khóc xé lòng của cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha khiến nhân dân cả nước quặn thắt lòng.
Như Dân Việt đã đưa tin, khoảng 0h ngày 12/10, theo thông tin từ thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), bước đầu xác định đã có 17 công nhân bị vùi lấp.
Sau khi nhận được tin báo của người dân, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức kiểm tra, khảo sát để xác minh, kiểm tra thông tin và có phương án cứu hộ cứu nạn kịp thời.
Tối 12/10, trên đường di chuyển đến hiện trường, đoàn cán bộ 21 người đã tạm nghỉ tại Trạm Kiểm lâm số 7 thuộc Tiểu khu 67, nhưng bị núi sạt lở, chôn vùi 13 cán bộ, 8 người may mắn chạy thoát.
Đến nay, cơ quan chức năng đã tìm thấy 13 cán bộ trong đoàn cứu hộ và đưa về Bệnh viện quân y 268 (tỉnh Thừa Thiên - Huế) để sáng mai (18/10) tổ chức truy điệu. 13 người đã được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng "Tổ quốc ghi công" vì hy sinh do sạt lở khi đi cứu hộ cứu nạn.
Ngoài ra, cơ quan chức năng đã tìm thấy 2 thi thể là công nhân tại thủy điện Rào Trăng 3.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.