Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Thuở ấy, quê bà là vùng rốn lũ Bắc Bình Minh, nhà bà nằm bên bờ kinh Lung Cái, thuộc xã Tân Hưng, huyện Bình Minh (nay thuộc huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long).
Ở miệt này, ngoài cỏ nga, lau, sậy... và cây tràm, điên điển có mặt khắp các dòng kinh. Không biết từ lúc nào và do ai trồng, đám điên điển trước nhà bà tôi luôn xanh tốt.
Hái bông điên điển-loại rau đồng đặc sản mùa nước nổi ở Vĩnh Long.
Gốc điên điển to cỡ nắm tay, thân cây non thẳng vươn lên trời, có nhiều lá xanh um mọc đối mềm mại. Rễ điên điển như chùm tóc rối, kết chặt với đám lục bình, tạo thành tấm thảm phủ kín bờ kinh.
Điên điển quê bà tôi phổ biến nhất là điên điển bông vàng, ăn rất ngon tựa như bông so đũa vậy. Năm nào lũ lớn, lũ kéo dài thì điên điển trổ nhiều, thời gian ra bông dài hơn và ngược lại. Bà tôi hái bông dùng để luộc hoặc ăn sống chấm với cá kho, với các loại mắm, trộn gỏi với tép đồng và đặc biệt là nấu canh chua với cá đồng, ăn rất ngon.
Hàng năm, điên điển bắt đầu trổ bông vào tháng 7, tháng 8 âl đến khoảng tháng 11 âl, lũ cũng rút dần, bông điên điển tàn, kết trái, chờ mùa sau.
Và cứ năm nào cũng vậy, khi điên điển trổ bông là nước dưới kinh trở nên đục ngầu màu ngói đỏ cũng là lúc dân quê bà chuẩn bị thu hoạch lúa, hoa màu trên ruộng để chạy lũ, mua chài, lưới, ngư cụ để bắt cá, thủy sản.
Trước đây khi chưa có đê bao, đường giao thông, vào mùa lũ, vùng “rốn lũ” quê bà chìm trong biển nước. Nhà cửa, vườn tược, ruộng đồng đều ngập hết, chỉ còn lại cây xoài, cây tràm, lau, sậy... và điên điển là chịu ngập, vẫn vươn lên khỏi mặt nước lũ, sống xanh tươi.
3 năm lũ lớn 2000-2002, bông điên điển, chiếc xuồng, manh lưới là “nồi cơm” của dân quê bà tôi. Nhiều gia đình nghèo, khó khăn không có công ăn chuyện làm, nên đi hái bông điên điển, rau tập tàng, rau súng… bán để mưu sinh trong hơn 3 tháng trời ngập lũ.
Họ còn dùng thân điên điển phơi khô làm củi, vỏ tước ra làm dây buộc, cành và lá cho trâu bò ăn vì không có đồng chăn thả do ngập nước.
Gia đình bà cũng trong hoàn cảnh ấy. Thời đó, do ở Tân Hưng (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) không có chợ, đường bộ không thuận tiện nên hái được mớ rau, mớ bông điên điển, bắt được mớ cá đồng là ông, bà chèo xuồng vượt đồng lũ, xuôi dòng kinh Xã Khánh ra chợ xã Tân Lược bán.
Bà mua lại những thứ cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày đem về như nước mắm, nước tương, muối, gạo, dầu lửa…
Nay ông bà tôi không còn, nhưng nhớ lại cảnh xưa, được sống bình an không có lũ lớn như ngày nay, tôi còn nặng lòng biết ơn cây điên điển.
Tiếc rằng, điên điển ở quê bà tôi ngày càng vắng bóng do dân phát hoang mở rộng diện tích trồng những cây có giá trị hơn và do kinh, rạch được nạo vét, khơi thông dòng chảy, đất bãi lài ven bờ kinh không còn.
Nhưng đây đó, vẫn còn những đám điên điển mọc ven bờ kinh, mương. Chúng vẫn còn xanh tốt, minh chứng cho sức sống trường tồn, mãnh liệt của dân vùng lũ quê bà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.