Nuôi bò đuổi nghèo

Thứ năm, ngày 19/05/2011 17:07 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với 70% diện tích là núi đá, chăn nuôi đại gia súc được coi là ngành kinh tế trọng điểm ở các huyện vùng cao tỉnh Hà Giang. Giống bò vàng (còn gọi là bò Mông) do đồng bào trong vùng lai tạo đã trở thành sự lựa chọn để cao nguyên đá xóa đói, giảm nghèo.
Bình luận 0

Đánh thức tiềm năng

Từ những năm 2000 - 2001, được Nhà nước đầu tư, hàng loạt chương trình, dự án hỗ trợ chăn nuôi đã được triển khai ở Mèo Vạc. Tuy nhiên, do tập quán chăn nuôi lạc hậu, trình độ của bà con còn hạn chế nên vật nuôi có nguy cơ bị thoái hóa.

img
Nhờ nuôi bò, gia đình anh Vương Tài Trọng đã trở nên khấm khá.

Để giúp đồng bào thay đổi tập quán chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Mèo Vạc đã xây dựng mô hình chăn nuôi bền vững, theo hướng thâm canh. Nếu trước đây, bò thả rông "leo núi" kiếm ăn hoặc theo người lên nương, vào núi kiếm cỏ dại, thân cây ngô, thì nay đa phần đồng bào Mông đã biết nuôi nhốt kết hợp với chăn thả ở những ruộng cỏ tự trồng.

Các giống cỏ cho năng suất cao như cỏ voi, cỏ Guatemala, VA06 sinh trưởng nhanh gấp nhiều lần các loại cỏ khác trên đất cằn cỗi nên nhiều hộ đã trồng để làm thức ăn cho bò. Bà con còn được hướng dẫn trồng, thu hoạch cỏ đúng kỹ thuật, chế biến rơm, cỏ khô dự trữ thức ăn cho bò và gia súc mùa đông.

"Lên Mèo Vạc bây giờ, chủ đàn bò nào cũng có thể giải thích vanh vách cách bảo quản thức ăn, bổ sung đạm, khoáng trong khẩu phần theo mùa; phòng chống dịch bệnh cho bò... Đó là kết quả sau nhiều năm chúng tôi lăn lộn "3 cùng" với bà con" - anh Tiến tâm sự.

Bò “đẻ” nhà, bể nước...

Ở Mèo Vạc, quanh năm người dân đánh vật với đá để sinh tồn nên việc có được mái nhà vững chãi, có nước để sinh hoạt luôn là trăn trở của mỗi gia đình. "Phải nuôi bò mới có tiền làm nhà, xây bể nước"- bà con bảo nhau.

Dự án của Nhà nước đầu tư xây những hồ treo trên các triền núi đá, nước sạch được dẫn về tới bản. Hộ nào cũng cố gắng để xây bằng được một bể chứa 7 - 8m3 nước cho mình. Gia đình nào có đàn bò vài con thì bán bớt lấy tiền xây bể. Nhà ai chưa có thì vay vốn, mua bò giống để nuôi...

Đến thăm gia đình chị Vàng Thị Seo, ở bản Vi Thượng, xã Pả Vi lúc cả nhà chị vừa trên nương cỏ về. Chúng tôi được tận mắt chứng kiến quy trình xén cỏ, trộn bã men ủ chua cho bò ăn khá "chuyên nghiệp" của vợ chồng chị.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Mèo Vạc, tính đến giữa tháng 5.2011, Mèo Vạc có 25.827 con bò; bình quân mỗi năm bán ra ngoài địa bàn huyện từ 3.000-3.500 con, trị giá khoảng 14 tỷ đồng.

Nhà chị Seo hiện có 4 con bò Mông, ước tổng trị giá không dưới 70 triệu đồng. Chị khoe, giống bò mà chị và bà con đang nuôi to gấp đôi bò địa phương, có con nặng đến 500 - 600kg, thịt lại ngon nên cánh lái buôn miền xuôi trả giá cao và ít mặc cả. Cả bản Vi Thượng, cả xã Pả Vi nhà nào cũng nuôi bò, nhà ít thì 1-2 con, nhà nhiều cả chục con.

Một con bò Mông trưởng thành bán ở chợ bò Mèo Vạc thời điểm này có giá từ 18-20 triệu đồng, như vậy không ít gia đình ở Pả Vi có tài sản trị giá cả trăm triệu đồng. Gia đình anh Vương Tài Trọng, ở bản Mèo Vống, xã Lũng Chinh nuôi 8 con bò, 6 con lợn. Chỉ căn nhà khang trang, bể nước ở đầu sân, anh Trọng hào hứng: "Ban đầu 2 vợ chồng chỉ có 1 túp lều và 1 con bò làm vốn, nhờ được vay vốn với lãi suất thấp, vợ chồng tôi phát triển đàn bò. Bán bò, làm được nhà, xây bể nước sạch, lo cho con đi học...".

Những ngày ở Mèo Vạc, đến Pả Vi, Sủng Máng, Xín Cái, Lũng Pù, Sơn Vĩ... thấy nhà nào cũng nuôi bò. Bà con bảo, chính sách hỗ trợ người dân trồng cỏ và nuôi bò nhốt chuồng của Nhà nước hợp lắm. "Hy vọng một ngày không xa, Mèo Vạc sẽ trở thành địa phương cung cấp bò hàng hóa lớn nhất ở Hà Giang và trong cả nước..." - Bí thư Đảng ủy xã Pải Lủng, Vương Minh Tuấn bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem