Nuôi cá bống tượng xuất khẩu rất dễ

Thứ năm, ngày 09/08/2012 10:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngoài tự nhiên, cá bống tượng sống rải rác ở các đầm, hồ, sông ngòi và rất khó đánh bắt. Trong khi đó nó lại được thị trường thế giới ưa chuộng nên xuất khẩu rất dễ.
Bình luận 0
img

Ở phía Bắc, có người lẫn con tai tượng với con bống tượng. Chúng hoàn toàn khác nhau. Con bống tượng có thân màu nâu và hình thon, dài. Đỉnh đầu màu đen, bụng màu xám nhạt, lưng và bên thân có đốm đen. Đầu cá to và dẹt, mồm bằng và miệng hướng lên phía trên. Nó là loài cá sống dưới đáy và thuộc loại cá dữ. Thức ăn của nó là tôm tép, cá nhỏ, cua và một số loại hạt…

Ngoài tự nhiên, cá bống tượng sống rải rác ở các đầm, hồ, sông ngòi và rất khó đánh bắt. Trong khi đó nó lại được thị trường thế giới ưa chuộng nên xuất khẩu rất dễ. Ở Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang… đã có nhiều gia đình nuôi cá bống tượng. Nó có thể nuôi trong ao, hồ hoặc nuôi trong lồng.

Lồng nuôi nên làm bằng gỗ sao hoặc chò chỉ. Nan lồng có thể làm bằng gỗ, bằng tre, bằng thân cau hay lưới thép. Lồng chỉ nên rộng từ 6-10m2 và có dung tích từ 10-20m3. Xung quanh ta mắc phao bằng thùng phuy hay can nhựa. Có nơi dùng cả thân tre làm phao. Chiều cao của lồng phải từ 1,7-1,9m. Ta đặt lồng cách bờ 2-3m và cách đáy bùn ít nhất 0,4m. Phải có neo, cọc chắc chắn để giữ lồng.

Nên đặt lồng ở nơi có dòng nước chảy nhẹ. Phải có thang để đi lại và nên có cả nhà bảo vệ cho lồng. Nếu có nhiều lồng, ta phải để cách nhau 4-5m. Nếu nuôi cá bống tượng bằng ao thì nên chọn ao có diện tích từ 200-500m2. Nó phải gần nguồn nước để cấp và thoát dễ dàng. Nên là ao đất thịt hoặc thịt pha sét để giữ được nước.

Ao cần thoáng đãng và gần nhà để tiện bảo vệ. Nước trong ao phải có độ sâu từ 1-2m trở lên. Phải chú ý cải tạo ao trước khi thả cá. Bống tượng có tập quán đẻ trứng trong hang hốc. Ta có thể cho đẻ nhân tạo hoặc đẻ tự nhiên ngay trong ao. Nó thường đẻ từ tháng 4-5 và kéo dài tới tháng 8-9. Ta đặt các viên gạch lát hoặc các tấm nylon sát thành bờ. Nó sẽ đẻ và trứng sẽ dính bám vào đó. Mỗi lần khoảng 2-3 vạn trứng. Ta có thể đưa trứng đi ấp nhân tạo trong các bể có máy sục khí và tạo dòng chảy liên tục.

Chỉ sau khoảng 30 giờ là trứng nở, tỷ lệ có khi đạt được 30-40%, như vậy cũng là rất lớn rồi. Khâu khó nhất lại là việc ương từ cá bột lên cá hương. Ta nên dùng các bể nhỏ, có sục khí tốt để cung cấp đủ oxy và mực nước nên đạt 0,6m. Dùng lòng đỏ trứng gà và bột đậu nành để cho cá ăn. Khi cá đạt 100-150g/con, ta có thể đưa chúng đi nuôi. Ở lồng thả 50-60 con/m3; còn ở ao ta thả loại nhỏ hơn (60-70g/con) với mật độ 5-8 con/m2. Nên thả tập trung vào một đợt để đảm bảo đồng đều.

Thức ăn của cá bống tượng chủ yếu là động vật như các loại cá, tôm tép, giun đất… Vì vậy, nếu chủ động nuôi được cá con, cho chúng ăn là tốt nhất, như cá rô phi, chép, mè và một số động vật khác (các loại ốc, hến, nhuyễn thể…). Ta có thể dùng thêm các thành phần thực vật để cho chúng ăn. Khi chế biến, ta dùng 55% bột mì, gạo, cám hay ngô; 30% là bột cá hay ốc nghiền nhỏ; 10% dầu cá và khoảng 5% bột nếp để làm chất kết dính.

Nuôi cá bống tượng không khó. Nếu đủ điều kiện và quyết tâm thì bà con phía Nam nuôi nó rất dễ dàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem