Chưa xứng với tiềm năng
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có gần 300 cơ sở sản xuất cá cảnh, tập trung chủ yếu ở các quận, huyện: 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn. Đối tượng sản xuất chủ yếu là cá dĩa, chép Nhật, Koi, bảy màu, hòa lan, hồng kim, trân châu, phượng hoàng…
Cá cảnh của thành phố đã xuất khẩu đến 48 quốc gia, trong đó thị trường châu Âu chiếm 55%, còn lại là thị trường châu Á, châu Mỹ và châu Phi.
Chỉ với lối đi 1,5m, dài 5m, anh Phạm Thanh Tòng (Phước Long A, quận Thủ Đức) đã che chắn thành khu nuôi cá dĩa với 20 hồ. Anh Tòng cho biết, anh đã nuôi cá dĩa hơn chục năm nay. Lúc đầu nuôi để chơi, lần hồi thấy cá dĩa có giá trị kinh tế cao, anh đã chuyển sang nuôi kinh doanh. Ngoài khu nuôi cá dĩa, anh còn khu nhân giống cá bột và sản xuất cá thương phẩm. Trung bình mỗi tháng anh thu lợi nhuận từ cá dĩa hơn chục triệu đồng.
“Nuôi cá cảnh trong nội ô chủ yếu tận dụng diện tích dư thừa và tranh thủ lúc nhàn rỗi. Giá trị kinh tế nuôi cá dĩa cũng khá tốt” - anh nói.
Hiện nghề sản xuất cá cảnh ở TP.HCM phát triển còn nhỏ lẻ, tự phát. Ảnh: T.C.L
Chi cục Thủy sản TP.HCM vừa cho biết, 9 tháng đầu năm các doanh nghiệp đã xuất khẩu cá cảnh gần 15 triệu con, kim ngạch gần 17 triệu USD. Các loại cá cảnh được xuất khẩu chủ yếu là neon, bảy màu, hòa lan... tập trung chủ yếu tại các nước châu Âu (chiếm 54%). |
Từ năm 2000, TP.HCM đã có những chính sách phát triển cá cảnh, như: Vốn ưu đãi, quy hoạch khu làng nghề sinh vật cảnh quy mô 500ha dọc theo sông Sài Gòn... thành phố cũng là nơi đầu tiên tổ chức thành công Festival sinh vật cảnh cả nước từ năm 2006, quy tụ nhiều đơn vị tham gia. Và mới đây thành phố đã đưa một số đơn vị nuôi cá cảnh tham gia hội chợ - triển lãm Interzoo tại Đức.
Tuy nhiên theo ông Lê Tôn Cường – cán bộ Chi cục Thủy sản TP.HCM, trong gần 300 cơ sở sản xuất, có khoảng ½ có diện tích chỉ 20 – 100m2, nhỏ lẻ. Hầu hết các trại nuôi cá cảnh chưa có sự đầu tư đúng mức và phù hợp về cơ sở hạ tầng. Thực hành sản xuất cá cảnh mang tính truyền thống, dựa vào kinh nghiệm mà không tuân thủ theo quy trình chuẩn nên việc đảm bảo an toàn dịch bệnh chưa được quan tâm…
Ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, cũng đánh giá rằng, hoạt động của lĩnh vực sản xuất cá cảnh của thành phố hiện vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế tự nhiên, thị trường, đầu mối giao thương, xuất khẩu của thành phố. Đặc biệt, tổ chức liên kết từ khâu sản xuất đến khâu thu mua, bán lẻ, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu… là khâu hạn chế của lĩnh vực sản xuất cá cảnh vốn dĩ gần như cha truyền con nối.
Liên kết để đi xa
Để tháo gỡ những tồn tại và phát triển lĩnh vực sản xuất cá cảnh của TP.HCM, ông Phạm Lâm Chính Văn cho rằng, người nuôi và kinh doanh cá cảnh Việt Nam cần phải quan tâm đến việc xây dựng chuỗi liên kết giá trị. Bởi một trang trại dù lớn cỡ nào, hay một nhà thương mại, sản xuất và xuất khẩu vẫn không thể nào đảm bảo cung cấp đầy đủ các đơn hàng.
Bên cạnh đó, ngành cá cảnh còn phải quan tâm đến con giống và kỹ thuật nuôi. Thực tế khâu giống chưa được Nhà nước quan tâm đúng mức. Trong khi nhu cầu nhập khẩu giống luôn được đặt ra, do thị trường luôn đòi hỏi cái mới, lạ. “Sắp tới Trung tâm Khuyến nông sẽ cùng các địa phương xây dựng một số mô hình trình diễn từ việc nhập khẩu con giống theo nhu cầu thị trường” - ông Văn cho biết.
Theo ông Châu Tống - một nghệ nhân nuôi cá cảnh lâu năm, để phát triển ngành cá cảnh, thành phố cần phải vận động xây dựng các HTX cá cảnh, hướng dẫn xây dựng thương hiệu cho các đơn vị và xúc tiến thương mại giữa hộ sản xuất và nhà tiêu thụ, xây dựng vùng an ninh sinh học trong các cơ sở nuôi cá cảnh…
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tủi - cán bộ Hội ND TP.HCM cho rằng, ngoài việc thúc đẩy liên kết, thành phố phải sớm ban hành quy trình nuôi cá cảnh an toàn dịch bệnh đủ điều kiện xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.