Nuôi cá lóc dày đặc trong bể lót bạt trên vườn ở Tây Ninh, tháo nước cá lộ ra một đống, cả làng xuýt xoa

Chủ nhật, ngày 04/09/2022 13:02 PM (GMT+7)
Qua tìm hiểu trên mạng xã hội, chị chị Hồ Thị Kim Nhật (ngụ ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) biết đến mô hình nuôi cá lóc trên bể bạt có hiệu quả, chị Nhật quyết định đầu tư thực hiện mô hình này.
Bình luận 0

Nhiều năm qua, gia đình chị Hồ Thị Kim Nhật (ngụ ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) nuôi cá lóc thương phẩm dưới ao đất. 

Tuy nhiên, quá trình nuôi cá phát sinh nhiều dịch bệnh, việc xử lý bệnh cho cá gặp nhiều khó khăn, làm cho tỷ lệ cá nuôi hao hụt nhiều, dẫn đến năng suất cũng như hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Nuôi cá lóc dày đặc trong bể lót bạt trên vườn ở Tây Ninh, tháo nước cá lộ ra một đống, cả làng xuýt xoa - Ảnh 1.

Chị Hồ Thị Kim Nhật bên bể cá nuôi cá lóc trong bể lót bạt của gia đình tại ấp Phước Lễ, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh).

Qua tìm hiểu trên mạng xã hội, chị Nhật biết đến mô hình nuôi cá lóc trên bể bạt có hiệu quả, chị Nhật quyết định đầu tư thực hiện mô hình này. 

Nhờ sự hỗ trợ từ Hội Nông dân xã, chị được tiếp cận với nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Dương Minh Châu, với số vốn được hỗ trợ, chị Nhật xây dựng 4 bể nuôi cá, với chi phí 120 triệu đồng, mỗi bể có diện tích 30m2, vụ đầu nuôi 20.000 con cá lóc giống.

Chị Nhật cho biết, nuôi cá trong bể lót bạt có nhiều ưu điểm, người nuôi có thể chủ động kiểm soát, xử lý nguồn nước đầu vào hạn chế được gần 80% dịch bệnh cho cá. 

Trong quá trình nuôi, khi phát hiện cá lóc bệnh thì việc xử lý  cũng dễ dàng và hiệu quả hơn so với nuôi trong ao đất. Đặc biệt, nuôi theo hình thức này, cá không bị hôi rong, bùn, nước vì bể nuôi được xử lý nước thường xuyên.

Nuôi cá lóc dày đặc trong bể lót bạt trên vườn ở Tây Ninh, tháo nước cá lộ ra một đống, cả làng xuýt xoa - Ảnh 2.

Hệ thống 4 bể cá nuôi cá lóc của gia đình chị Nhật.

Với cách nuôi này, hằng ngày, chị Nhật cũng không phải mất nhiều thời gian cho việc chăm sóc cá lóc, mỗi ngày chị cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều, trước khi cho cá ăn, buổi sáng chị thay khoảng 50% lượng nước trong bể ra và bơm nước mới vào, buổi chiều thay nước khoảng 30%, thay nước làm nước trong bể sạch hơn, cá dễ dàng ăn mồi, giúp cá sinh trưởng phát triển khoẻ hơn.

Nhờ đó mà vụ đầu, sản lượng cá lóc đạt khá cao so với trước đây, với 4 bể nuôi chị thu hoạch khoảng 13 tấn cá lóc, mang về lợi nhuận hơn 40 triệu đồng. Thấy được hiệu quả mô hình, gia đình chị Nhật tiếp tục thả nuôi khoảng 20.000 con cá lóc giống cho vụ tiếp theo.

Nuôi cá lóc dày đặc trong bể lót bạt trên vườn ở Tây Ninh, tháo nước cá lộ ra một đống, cả làng xuýt xoa - Ảnh 3.

Thay nước bể nuôi trước khi cho cá lóc ăn.

Ông Nguyễn Ngọc Loan- Chủ tịch Hội Nông dân xã phước Ninh, huyện Dương Minh Châu cho biết, trên địa bàn xã Phước Ninh hiện có khoảng 60 hộ nông dân nuôi cá lóc, đa số các hộ nuôi dưới ao đất truyền thống, chị Nhật là người đầu tiên ở địa phương thực hiện mô hình nuôi cá lóc trên bể bạt. 

Do thời gian gần đây, nguồn nước ô nhiễm, cá phát sinh nhiều dịch bệnh, trong khi đó, việc nuôi cá lóc dưới ao đất rất khó kiểm soát được dịch bệnh, ảnh hưởng năng suất, thu nhập.

Nuôi cá lóc dày đặc trong bể lót bạt trên vườn ở Tây Ninh, tháo nước cá lộ ra một đống, cả làng xuýt xoa - Ảnh 4.

Hội Nông dân xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) đến tham quan mô hình nuôi cá lóc gia đình chị Nhật.

Mô hình nuôi cá lóc trong bể bạt bước đầu cho thấy hiệu quả, cá lóc nuôi nhanh lớn, sạch bệnh. Hội Nông dân xã nghiên cứu để nhân rộng mô hình này cho bà con nông dân ở địa phương để phát triển kinh tế gia đình.


Nhật Quang (Báo Tây Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem