Những năm qua, tận dụng tiềm năng mặt nước rộng lớn trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, nhiều hộ dân ở xã Chiềng Bằng đã chuyển từ canh tác nương rẫy, trồng ngô, sắn sang nuôi cá lồng bè.
Nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ sông Đà đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Gia đình anh Lềm Văn Sơn, bản Bung (Chiềng Bằng) là một trong những hộ tiên phong nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ sông Đà. Anh Sơn cho biết: "Gia đình tôi bắt đầu với nghề nuôi cá lồng từ năm 2012. Nhờ nuôi cá lồng mà gia đình tôi từ khó khăn, giờ đã có kinh tế ổn định. Trước đây, do canh tác nương rẫy, trồng ngô, trồng sắn không hiệu quả, nhìn ra mặt hồ rộng lớn mà không biết làm gì. Qua tìm hiểu thông tin trên sách báo, tivi thấy nhiều nơi nuôi cá lồng rất hiệu quả. Thấy vậy tôi bàn với gia đình đầu tư hơn 50 triệu đồng làm 8 lồng nuôi cá".
Nhờ nuôi cá lồng, người dân ở xã Chiềng Bằng đã thoát nghèo và làm giàu.
Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm, tích cực tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn cách nuôi, chỉ sau thời gian ngắn anh Sơn đã thuần thục cách nuôi. Đến nay, anh đã có 16 lồng cá, trung bình mỗi lồng nuôi từ 1 – 1,5 tấn cá, ước tính mỗi năm anh xuất bán từ 5 - 6 tấn cá, giá bán giao động từ 70.000 đồng/kg – 900.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí mỗi năm anh lãi gần 200 triệu đồng.
Nuôi cá lồng đang trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế, giảm nghèo ở Chiềng Bằng.
Cũng như anh Sơn, gia đình anh Lò Văn Huấn cùng bản, chia sẻ: "Gia đình tôi bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2013. Mới đầu thấy bà con dân bản nuôi cá lồng hiệu quả kinh tế cao, tôi bắt trước đầu tư làm 2 lồng bằng tre nuôi thử. Nhờ làm đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, lứa đầu tiên bán được trên 20 triệu đồng, thấy hiệu quả tôi tiếp tục mở rộng quy mô nuôi. Bằng số vốn tích góp, tôi đầu tư mua vật liệu làm lồng kiên cố bằng sắt thay cho lồng tre, nứa, mỗi năm làm tăng thêm vài lồng. Đến nay, gia đình tôi đã có 43 lồng cá và nuôi 5 loại cá chính: Cá chép, cá trắm, cá lăng, cá nheo và rô phi".
Để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với các ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người dân.
Ông Tòng Văn Don, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Bằng, cho biết: Tận dụng mặt nước của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trải rộng hơn 2.000 ha trên địa bàn xã, những năm qua cấp ủy, chính quyền xã đã vận động nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh mặt hồ, chuyển đổi thói quen sản xuất từ độc canh trên đất dốc sang phát triển nuôi cá lồng. Đến nay, toàn xã có 18 HTX thủy sản, với gần 1.400 lồng cá, sản lượng ước đạt 300 tấn/năm.
Nuôi cá lồng ở Chiềng Bằng.
Để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, xã đã phối hợp với các ban, ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi, chăm sóc cho người dân. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình HTX nuôi cá lồng, liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nghề nuôi cá lồng đã và đang góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.