Nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa ở Hòa Bình: Cá sạch, thu nhập tăng

Trần Quang Thứ ba, ngày 05/08/2014 07:05 AM (GMT+7)
Hàng chục năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng, bè trên sông, hồ chứa đã giúp tạo được công ăn việc làm và thu nhập cao cho hàng nghìn người dân sinh sống tại các huyện khó khăn của tỉnh Hòa Bình.
Bình luận 0

Thu nhập tăng từ mô hình nuôi cá “2 sạch”

Nằm trên vùng hồ Hoà Bình, xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc) có diện tích mặt nước lớn trên 910ha thuận lợi cho phát triển nghề nuôi, đánh bắt thuỷ sản. Ông Xa Văn Chính- Chủ tịch UBND xã cho hay: Nuôi và đánh bắt thuỷ sản là một thế mạnh của Hiền Lương.

Do vậy, trong những năm qua, xã đã tạo điều kiện cho các hộ phát triển nghề. Hiện nay, toàn xã có trên 50 hộ nuôi thuỷ sản lồng, bè và 50 hộ đánh bắt cá tự nhiên. Vừa qua, để đánh bắt thủy sản bền vững, UBND xã đã cấm đánh bắt bằng vó đèn trong thời gian cá đẻ và đánh bắt cá bằng xung điện. Khuyến khích các hộ đánh rọ tôm.

“Hiện, toàn xã có 197 lồng cá, trong đó, hiện có một số hộ đã nuôi thử nghiệm thành công cá trê lai lồng bằng nguồn thức ăn tự nhiên. Cá tự ăn cá dầu, cá tép trên lòng hồ. Cá nuôi bằng cách này lớn nhanh, ít công chăm sóc nên hiệu quả kinh tế cao”- ông Chính cho hay.

Ông Chính cho biết thêm, hiện gia đình ông cũng đang nuôi 15 lồng cá tầm và cá dầm xanh, từ việc tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên gồm các loại cá nhỏ đánh bắt trên hồ và phụ phẩm nông nghiệp nên cá nuôi luôn đạt chất lượng thịt ngon, thương lái các tỉnh lân cận tìm đến mua nhiều nên luôn được giá, không lo ế đâu. Trung bình mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 200 triệu đồng từ việc nuôi cá lồng sạch.

Cũng theo ông Chính, xác định nghề nuôi thuỷ sản sẽ là điểm nhấn trong phát triển kinh tế trên con đường xây dựng nông thôn mới của xã, trong thời gian tới, xã vận động nhân dân mở rộng mô hình nuôi cá sạch gắn với bảo vệ môi trường nước nuôi, đảm bảo nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững giúp người dân có thu nhập cao từ nghề này.

Cũng làm giàu từ nghề cá lồng, anh Vũ Hùng Cường ở xóm Bãi Sang, xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu cho biết: Với việc nuôi gần 10 lồng cá theo phương pháp mới (nuôi cá bằng nguồn thức ăn tự nhiên) trên sông Đà, gia đình anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

“Ban đầu khi đầu tư vào nuôi cá lồng, gia đình tôi vẫn còn băn khoăn. Nhưng khi đầu tư vào nuôi, được sự giúp đỡ kỹ thuật nuôi cá và làm lồng bè từ phía Trung tâm Khuyến nông tỉnh nên tôi đã yên tâm đầu tư làm ăn lớn luôn. Điều quan trọng nhất trong nuôi cá lồng là phải bảo vệ, giữ được sạch nguồn nước nuôi thì mới tránh được dịch bệnh.

Để làm được điều đó, các chủ nuôi cá lồng phải đặc biệt chú trọng đến việc vệ sinh khu vực nuôi thường xuyên, không được đổ bừa bãi cá dầu nhỏ xuống cho cá ăn nuôi ăn, mà phải cho ăn ít một và chú ý vớt thức ăn thừa để tránh ô nhiễm cho lồng nuôi” - anh Cường chia sẻ.

Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa

Hòa Bình là tỉnh có hệ thống sông suối, hồ chứa tương đối nhiều, đặc biệt là hệ thống sông Đà dài 151km, lưu vực rộng, môi trường trong sạch, nguồn lợi phong phú, giàu dinh dưỡng nên rất thuận lợi để phát triển nuôi lồng, bè.

Bà Đặng Thị Duyên – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hòa Bình cho hay: Với tiềm năng mặt nước sẵn có, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nhằm tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân… Tính từ năm 2000, toàn tỉnh đã phát triển được trên 200 lồng cá các loại, đến 2013, số lồng cá đã tăng nhanh chóng lên 1.520 lồng.

“Trong những năm qua, nghề nuôi cá lồng, bè trên sông và hồ chứa đã tạo được công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ dân, trong đó có nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các lưu vực sông tại các huyện, thị xã của Hòa Bình, trong đó, không ít hộ gia đình có thu nhập lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm”- bà Duyên nhấn mạnh.

Bà Duyên cho biết thêm, trong những năm qua, các ngành chức năng trong tỉnh, đặc biệt là Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi tập quán nuôi quảng canh sang nuôi bán thâm canh, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào nuôi cá. Trong đó, đáng chú ý là công nghệ nuôi lồng lưới đã được phố biến rộng rãi đến người nuôi, giúp nâng cao thu nhập, giảm chi phí đầu tư.

Về phát triển nhân giống thủy sản, bà Duyên cho hay: Hiện, toàn tỉnh có 3 cơ sở sản xuất giống thủy sản, trong đó có 1 trung tâm giống sinh sản nhân tạo các giống cá trắm, chép, lăng chấm… đáp ứng được 50% cho người nuôi trong tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm quy mô trung tâm giống, tiến tới sẽ đáp ứng đủ giống cung cấp tại chỗ cho người nuôi trong tỉnh, không để phải nhập về từ các tỉnh ngoài, dẫn đến nguồn giống không đồng đều, ảnh hưởng đến năng suất, thu nhập của người dân.

  Theo kế hoạch, tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2015, số lượng lồng nuôi cá trên sông và hồ chứa của tỉnh sẽ đạt 2.700 lồng (tương đương 59.000m3), sản lượng nuôi ước đạt 3.880 tấn.  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem