Nuôi ba ba đặc kín ở cái ao, nông dân dân Quảng Nam bắt bán năm nào cũng trúng
Nuôi con đặc sản 4 chân, tối ngày lặn dưới ao, khi đẻ bò lên cạn, ông nông dân Quảng Nam đổi đời
Trần Hậu - Hiếu Nhi
Thứ ba, ngày 29/03/2022 05:45 AM (GMT+7)
Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi ba ba trơn, ông Nguyễn Văn Khanh (SN 1966) ở khối phố 1, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam được người dân gọi với biệt danh “Khanh ba ba”. Bởi nhờ con vật xấu xí, vừa nhút nhát vừa hung dữ ấy mà gia đình ông Khanh đổi đời, thu lãi hơn 150 triệu đồng mỗi năm.
Chỉ tay về trang trại nuôi ba ba rộng khoảng 700m2, ông Nguyễn Văn Khanh phấn khởi nói: "Ban đầu tôi vay tiền mua 100 con ba ba giống về nuôi thử, tuy có hao hụt nhưng vẫn cho kết quả khả quan. Từ đó, tôi tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm, vừa mở rộng quy mô, nhân đàn. Đến nay, trang trại có tổng cộng 15 ao xi măng, ao nhỏ nhất 50m2, ao lớn nhất 80m2".
Biết đến ba ba qua một lần đi tham quan mô hình nuôi ba ba da trơn ở Cần Thơ. Ông Khanh nhận thấy đây là loài vật dễ nuôi, ít vốn mà hiệu quả kinh tế lại cao nên quyết tâm đem con giống này về quê hương để khởi nghiệp.
Ba ba có nhiều loại, nhưng ba ba da trơn là có đặc tính sinh trưởng thích nghi tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Nếu nắm bắt kỹ các yêu cầu về con giống, kỹ thuật nuôi và môi trường, thì công việc nuôi ba ba sẽ rất nhàn.
Ông Khanh cho hay, ba ba là con vật vừa biết bơi vừa biết bò, leo và vùi mình trong bùn cát. Đồng thời cũng vừa nhút nhát vừa hung dữ, thích sống nơi yên tĩnh, kín đáo.
Vì vậy khi thấy có tiếng động con ba ba lập tức nhảy xuống nước lẫn trốn, tính hung dữ thể hiện ở việc chúng rất hay cắn nhau, con lớn thường cắn và tranh mồi với con bé, bị đói lâu có thể ăn thịt nhau. Nếu có người muốn bắt thì ba ba sẽ phản ứng tự vệ rất nhanh, rụt cổ vào mai hoặc vươn dài cổ ra cắn.
Khi đã nắm bắt rõ các đặc tính của ba ba trơn, ông Khanh chú trọng việc tạo môi trường ao nuôi sinh thái giống ngoài tự nhiên, xây bể xi măng cao, thả lục bình trên mặt ao để làm mát vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông, hút sạch chất cặn bã, làm trong và sạch nước, ba ba thuận tiện ngoi lên để thở, nghỉ ngơi, phơi nắng...
Với kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi ba ba, ông Khanh chia sẻ: "Môi trường nước là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự sống còn của ba ba. Nguồn nước phải sạch và điều tiết ra vào hợp lý, thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn tránh tình trạng dư thừa làm môi trường ao nuôi bị ô nhiễm.
Đặc biệt vào thời điểm giao mùa, mưa nhiều, ba ba dễ mắc các bệnh như nấm, ghẻ và các bệnh đường ruột. Khi đó, người nuôi cần phải xử lý kịp thời để đảm bảo nguồn nước sạch cho ba ba sinh trưởng".
Thu lãi hơn 150 triệu đồng/năm
Ba ba ít bị bệnh nếu được chăm sóc kỹ lưỡng và có chế độ ăn đầy đủ chất. Chúng chủ yếu ăn vào mùa hè, buổi sáng mát và chiều tối, mùa đông hầu như không ăn. Vì là loài ăn tạp nên thức ăn của ba ba rất dễ kiếm và rẻ tiền như các loại giun, cá tạp, phụ phẩm, bổ sung thức ăn công nghiệp để mau lớn.
Sau khi xuất bán thì tháo cạn nước trong ao, vệ sinh kỹ lưỡng, phơi ao và tiêu diệt mầm bệnh trước khi thả lứa mới. Duy trì nhiệt độ môi trường nước ở mức ổn định từ 25-30 độ C. Bên cạnh đó, để đảm bảo ba ba phát triển khỏe mạnh thì nên thả nuôi mật độ vừa phải, kích cỡ đồng đều.
Hiện nay, trang trại của ông Khanh có khoảng 3.000-5.000 con bố mẹ và 5.000 con thương phẩm. Là địa chỉ cung cấp ba ba thương phẩm và ba ba giống uy tín, được khách hàng ở nhiều tỉnh thành tin tưởng, tìm mua.
Tiếng lành đồn xa, trang trại nuôi ba ba của ông Khanh còn là nơi để mọi người cùng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nuôi ba ba đem lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện thu nhập.
Chia sẻ về khó khăn khi nuôi ba ba, ông Khanh bộc bạch: "Khi ba ba giống nuôi được 2 năm thì bắt đầu sinh sản từ 15-20 trứng/lần (2 lần/tháng). Chính vì số lượng trứng rất lớn nên người nuôi phải kiên trì và cẩn thận trong việc nhặt trứng ba ba từ các ổ trứng trong cát, soi và loại bỏ trứng không có trống (đực), xếp gọn vào thùng xốp để ấp.
Tôi đã tạo một sân cát cạnh ao nuôi để thuận tiện cho ba ba làm nơi đẻ trứng, giảm thiểu tỷ lệ trứng bị vỡ. Sau khoảng 60 ngày ấp, trứng sẽ nở con và được đem ra ao nuôi".
Việc tự chủ được con giống giúp ông Khanh tiết kiệm được một khoảng chi phí khá lớn, đồng thời có con giống tốt, đảm bảo cho quá trình sinh trưởng khỏe mạnh. Ba ba con nở được 20 ngày là có thể được xuất bán giống với giá khoảng 10.000-20.000 đồng/con, nuôi trên 18 tháng sẽ nặng khoảng 1kg và được bán thịt với giá dao động từ 150.000-300.000 đồng/kg (tùy loại).
Từ mô hình nuôi ba ba da trơn trong bể xi măng, ông Khanh thu lãi hơn 150 triệu đồng mỗi năm, nhớ đó cuộc sống gia đình được khá giả và từng bước vươn lên làm giàu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.