Hiệu quả kinh tế cao
Gần 11 năm nay, ông Lê Quốc Dũng (ấp Long Phụng A, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp) chọn con cầy vòi hương để phát triển kinh tế gia đình. Ông Dũng chia sẻ, ngoài việc mua cặp con giống ban đầu 7 triệu đồng, nuôi cầy vòi hương không tốn nhiều chi phí đầu tư. Thức ăn của loài động vật này đa phần là rau củ quả, chuối chín hay cá tạp… Từ con giống ban đầu, sau một năm thả nuôi, cầy vòi hương sẽ bắt đầu cho sinh sản 2 lứa/năm, từ 4 – 6 con/lứa.
Ông Lê Quốc Dũng đang thành công với mô hình nuôi cầy vòi hương. Ảnh: Thanh Duy
Theo thống kê từ Hạt Kiểm lâm huyện Phụng Hiệp, toàn huyện hiện có hơn 130 cơ sở nuôi; với tổng số trên 208.000 cá thể thuộc 18 loài động vật hoang dã. Trong đó, ba ba, cua đinh, trăn đất chiếm khoảng 80% số lượng.
|
Hiện nay, với diện tích chuồng khoảng 40m2, ông Dũng nhân rộng đàn lên gần 20 con cầy vòi hương bố mẹ. Mỗi năm ông xuất bán khoảng 20 con giống và thương phẩm. Với giá con giống khoảng 5 triệu đồng/cặp còn cầy thịt thì từ 900.000 – 1.100.000 đồng/kg (tùy loại) đã mang về thu nhập cho gia đình ông hơn 50 triệu đồng. “Gia đình đến với nghề nuôi cầy vòi hương như một sự tình cờ. Ban đầu chỉ mua 1 cặp về nuôi để làm kiểng, nhưng sau đó chúng sinh sản được vài con. Nhận thấy giá trị kinh tế của loài động vật này trên thị trường khá cao, gia đình mới để giống, nhân đàn lên theo từng năm” – ông Dũng bộc bạch.
Nếu ông Dũng chọn cầy vòi hương để phát triển kinh tế thì ông Nguyễn Văn Bé cũng cải thiện được thu nhập đáng kể từ việc nuôi ba ba giống. Trong 4 năm trở lại đây, ông cải tạo vườn tạp, đào ao rộng khoảng 80m2 thả nuôi hơn 500 ba ba bố mẹ. Sau 1 năm, ba ba bắt đầu sinh sản, mỗi tuần ông thu hoạch khoảng 400 – 600 con giống. Thương lái đến tận ao thu mua với giá từ 2.800 – 3.000 đồng/con (loại mới nở), trừ chi phí đầu tư ông Bé có lãi hơn 4 triệu đồng/tháng. Nhờ nguồn thu nhập này, gia đình ông thoải mái hơn trong chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày.
Xu hướng tăng dần
Trong khoảng 2 năm trở lại đây số hộ nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện Phụng Hiệp có xu hướng tăng dần, bình quân mỗi năm tăng từ 20 – 30 hộ. Tùy theo quy mô, mỗi mô hình chăn nuôi giúp nông dân cải thiện thu nhập bình quân từ 70 – đến 200 triệu đồng/năm, cá biệt có thể hơn 500 triệu đồng/năm.
Ông Trần Thanh Phong – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phụng Hiệp cho biết thêm: “Nghề nuôi động vật hoang dã đang phát triển mạnh ở Phụng Hiệp trong vài năm trở lại đây là do giá trị những loài vật nuôi này khá cao, kinh tế mang lại sự ổn định, phù hợp với những hộ ít đất sản xuất. Bên cạnh đó, một yếu tố khách quan trong việc nuôi động vật hoang dã là rất nhẹ công chăm sóc, người nuôi có thể vừa làm kinh tế khác vừa nuôi động vật hoang dã nhưng vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, với những hộ có nhu cầu nuôi, ngành cũng khuyến khích với điều kiện người nuôi phải tuân thủ khai báo để ngành chức năng quản lý”.
“Có thể nói, mô hình nuôi động vật hoang dã đã và đang mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần có giải pháp thích hợp để đảm bảo phát triển bền vững các mô hình này trong tương lai, để vừa góp phần đa dạng hóa vật nuôi, vừa cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống người dân vùng nông thôn” – ông Phong lưu ý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.