Nuôi dế, con động vật bu kín chuồng, ăn cả lá chuối, trai làng Đắk Lắk tự trả lương trăm triệu/tháng
Nuôi một con động vật bu kín, ăn cả lá chuối, trai làng Đắk Lắk tự trả lương trăm triệu/tháng
Nguyễn Đạt
Thứ hai, ngày 17/06/2024 05:38 AM (GMT+7)
Với tư duy dám nghĩ dám làm, vượt qua nhiều khó khăn, chàng trai trẻ Đặng Đình Luân (SN 1993, ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã thành công làm giàu từ mô hình nuôi dế, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kĩ sư cơ khí, anh Luân sang Nhật Bản làm việc và có mức lương cao khá ổn định.
Nhưng trong một lần trở về Việt Nam thăm gia đình, do dịch Covid bùng phát khiến anh Luân phải ở lại quê nhà trong một thời gian dài, chính từ đây anh đã có những quyết định thay đổi số phận của bản thân.
Dế có thời gian sinh trưởng ngắn (là loài côn trùng có tuổi thọ ngắn), dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp nên mang lại lợi nhuận cao.
Anh Luân chia sẻ, năm 2019 dịch Covid bùng phát có nhiều thời gian rảnh nên anh đã mày mò tìm hiểu nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, rồi tình cờ được bạn giới thiệu mô hình nuôi dế, vậy là anh bén duyên với con dế từ đấy.
Chia sẻ với PV Dân Việt anh Luân cho biết, ban đầu anh chỉ đầu tư 1 chuồng dế giống để nuôi thử nghiệm, tự mày mò làm chuồng trại cho dế. Sau gần 2 tháng nuôi thì đàn dế của anh cũng cho thu hoạch, nhận thấy dế dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, lại không ảnh hưởng đến môi trường nên anh quyết định mở rộng quy mô lên 10 chuồng.
Do có niềm đam mê với chăn nuôi và khát khao làm giàu từ mảnh đất quê hương nên anh Luân đã quyết định từ bỏ công việc kỹ sư ở Nhật Bản, ở hẳn quê nhà để thực hiện ước mơ làm giàu của mình.
Khó khăn không ngăn được ý chí tuổi trẻ
Anh Luân cho biết, thời điểm ban đầu anh gặp không ít khó khăn vì anh chưa nắm rõ hết được đặc điểm sinh trưởng của con dế.
Để học hỏi kỹ thuật nuôi dế anh phải tự mày mò học hỏi trên mạng, nhưng thông tin về loài này còn hạn chế.
Trại nuôi dế của anh Đặng Đình Luân (ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) với quy mô 600m2 với hơn 100 chuồng dế giống và thương phẩm.
"Có một lần đàn dế chết hàng loạt, cả trại dế gần như chết hết không rõ nguyên nhân, tìm hiểu thì không có tài liệu chăn nuôi nào nói về bệnh của loài dế, tôi thật sự hoang mang, sau này thì mới biết nguyên nhân là do nguồn thức ăn không đảm bảo, nguồn rau cho dế bị nhiễm thuốc sâu", anh Luân chia sẻ.
Bên cạnh những khó khăn về kỹ thuật chăn nuôi, anh Luân còn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn đến từ thị trường tiêu thụ.
Từ việc tìm đầu ra cho sản phẩm, cho đến tạo giá trị nâng cao cho sản phẩm để sinh lợi nhuận đều rất khó khăn. Anh Luân cho biết, thời gian đầu do bán dế tươi nên giá thành thấp, thậm chí là không có lợi nhuận.
"Rồi năm 2021 dịch Covid bùng phát mạnh, việc vận chuyển hàng hóa ngưng trệ, cả kho hàng tồn đọng, nhưng trại dế vẫn phải chi trả chi phí vận hành, cũng may thời điểm đó quy mô của mình còn nhỏ nên thiệt hại ít", anh Luân nhớ lại.
Thành công làm giàu từ con dế
Từ những thành công ban đầu, đến nay trang trại dế của anh Luân đã có quy mô 600m2 với hơn 100 chuồng dế.
Để sản phẩm làm từ dế của mình có đầu ra ổn định, anh Luân đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoa mặt trời farm (Công ty Hoa mặt trời farm). Với quy mô nhà xưởng 300m2 chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dế, tạo đầu ra bền vững cho trại dế của mình.
"Tuy không phải là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực chế biến thực phẩm từ dế, nhưng mình là doanh nghiệp có sản phẩm chế biến từ dế đa dạng nhất thị trường hiện nay", anh Luân nói.
Đến nay Công ty Hoa mặt trời farm đã sản xuất được hơn 15 sản phẩm chế biến từ dế như: Dế sấy, bột dế dinh dưỡng, bánh ăn kiêng, thanh protein từ bột dế…
Hiện công ty của anh Luân mang về doanh thu từ 400-500 triệu đồng/ tháng, trừ chi phí mỗi tháng anh lãi gần 150 triệu đồng.
Ngoài ra anh Luân còn liên kết chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm cho hơn 25 hộ dân nuôi dế trên địa bàn các huyện của tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.