Nuôi con đặc sản tai dài lúc lỉu, gặp thời tăng giá, nhà nào ở Phú Yên nuôi nhà đó khá giả

Thứ hai, ngày 16/05/2022 14:16 PM (GMT+7)
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi, những năm gần đây, người dân xã An Phú (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đầu tư phát triển khá mạnh đàn dê. Đây là một trong những vật nuôi có lợi thế của địa phương này.
Bình luận 0

Theo ông Nguyễn Văn Hòa ở xã An Phú, TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) khoảng 4 năm trở lại đây, giá bò lên xuống thất thường, dịch bệnh liên tục, mức độ rủi ro ngày càng cao nên gia đình ông đầu tư nuôi thêm dê. 

Nuôi con đặc sản tai dài lúc lỉu, gặp thời tăng giá, nhà nào ở Phú Yên nuôi nhà đó khá giả - Ảnh 1.

Mô hình nuôi dê thâm canh tại hộ ông Nguyễn Văn Hòa ở xã An Phú (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Ảnh: SƠN CA

So với nuôi bò, nuôi dê có nhiều thuận lợi hơn vì dê ít bị bệnh, thức ăn chủ yếu là các loại lá cây, cỏ có sẵn trong tự nhiên nên không tốn nhiều chi phí. 

Đầu ra của dê thịt và dê giống ổn định hơn rất nhiều. Giá thịt dê cũng ổn định ở mức cao từ 120.000 đồng/kg hơi, có thời điểm tăng gần 200.000 đồng/kg hơi. Hiện đàn dê của gia đình đã có hơn 70 con, mang lại thu nhập trăm triệu đồng/năm.

Còn bà Bốn Hạnh ở xã An Phú, người có gần 20 năm nuôi dê ở địa phương này, cho biết: Hiện đàn dê của gia đình tôi có hơn 100 con, vì số lượng đàn lớn nên gia đình kết hợp giữa nuôi chăn thả và thâm canh. 

Vào buổi sáng, dê được cho ăn tại chuồng, sau đó đưa lên rẫy chăn thả, ăn cỏ cây trong rẫy, đến chiều đưa về chuồng cho ăn bổ sung một bữa nữa. 

Với cách chăm sóc này, đàn dê được cung cấp đủ thức ăn nên tăng trưởng tốt, dê thịt sau 7 tháng nuôi đạt trọng lượng khoảng 20kg/con, bán được khoảng 2,5 triệu đồng, trừ các khoản chi phí mỗi con cho lãi khoảng 1,5 triệu đồng.

Tại xã An Phú, ngoài hình thức nuôi dê bán chăn thả thì người dân địa phương này cũng đang đầu tư chăn nuôi dê thâm canh tại chuồng. Bà Nguyễn Thị Minh Vẫn, một hộ dân ở đây cho biết: Sau khi tìm hiểu nhiều mô hình, tôi nhận thấy việc nuôi dê thâm canh đem lại hiệu quả cao hơn hẳn nên gia đình đầu tư xây 2 dãy chuồng nuôi 70 con dê. 

Các dãy chuồng này có hệ thống sàn chuồng hở, phía dưới là đệm lót sinh học, giúp chất thải không đọng lại trên nền chuồng, được thu về xử lý tự động bằng đệm lót. Kỹ thuật này giúp dê luôn được sạch sẽ, hạn chế dịch bệnh, người nuôi không mất công vệ sinh hàng ngày. 

Phân dê sau đó được đưa ra ủ thành phân vi sinh, dùng trồng cỏ lấy thức ăn cho dê. Từ khi chuyển sang nuôi theo mô hình này, hiệu quả sản xuất cao hơn hẳn. Bình quân mỗi năm, từ nuôi dê, gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã An Phú Ngô Đức Hiên cho biết: Người dân địa phương đã phát triển nghề nuôi dê từ rất lâu, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, mô hình nuôi dê thâm canh mới phát triển mạnh. Mô hình này đã khắc phục được khó khăn về bãi chăn thả, thúc đẩy phát triển đàn nuôi. Với những hiệu quả kinh tế mang lại, dê là đối tượng vật nuôi có giá trị cạnh tranh cao của địa phương.

Sơn Ca (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem