Phú Yên: Giữa cơn mưa mùa đông rả rích nơi đất khách quê người nhớ "canh nhà nghèo" ăn đến "lủng nồi"

Trần Lê Kha (mangphuyen.com) Thứ hai, ngày 22/11/2021 06:06 AM (GMT+7)
Các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên có thổ nhưỡng phù hợp với cây sắn. Trong chiến tranh, sắn được xếp vào loại lương thực chủ yếu cùng với lúa, bắp. Ngoài sản phẩm chính là củ sắn, bà con nông dân tận dụng lá non làm rau chế biến món canh ngon lạ: Canh lá sắn.
Bình luận 0

Để nấu món này phải dùng lá sắn non, nhưng phải là lá sắn ta hay còn gọi là sắn mì gòn (mì cao sản không ăn được lá). 

Khi cây sắn đã vươn cao, người ta hái lá sắn non gần đọt, bỏ cuống dài, rửa sạch cho vào cối giã nát, vắt cho bớt nước xanh rồi cho vào nồi. 

Nấu kèm lá sắn có cà gai, giống cà mà đồng bào dân tộc thiểu số hay trồng trên rẫy, thêm vào đó là bông đu đủ đực, măng tươi và vài trái ớt hiểm xanh.

Phú Yên: Giữa cơn mưa mùa đông rả rích nơi đất khách quê người nhớ "canh nhà nghèo" ăn đến "lủng nồi" - Ảnh 1.

Lá sắn có thể lấy lá nấu canh.

Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số thường chỉ nấu canh lá sắn với ít thịt rừng con sóc, con cheo… gác chái bếp, ít cá cơm khô hay vài con cá, mớ tép bắt ở ngoài suối, vậy mà ngon ngọt ăn đến “lủng nồi”. 

Canh lá sắn ăn với cơm gạo lúa rẫy mà phải lúa to chanh, to trâu mới thấy đậm chất quê miền núi. Ngày nay, canh lá sắn cũng biến thể đi ít nhiều: cà gai, cà nút áo được thay bằng cà đĩa hoặc cà pháo, nấu “ghé” với thịt bò khô xé sợi, cá thu mặn, thịt heo ba chỉ.

Tất cả nguyên liệu trên cho vào nồi, chế nước cho xăm xắp rồi đun sôi. Khi canh sôi nhớ mở nắp một lúc cho lá sắn bốc bớt hơi, rồi lại đậy nắp lại, đun kỹ đến khi lá sắn chuyển từ màu xanh sang vàng, nêm gia vị vừa ăn là xong. 

Phú Yên: Giữa cơn mưa mùa đông rả rích nơi đất khách quê người nhớ "canh nhà nghèo" ăn đến "lủng nồi" - Ảnh 2.

Canh lá sắn đậm đà hương vị núi rừng - Ảnh: Trần Lê Kha

Mới nhìn, canh lá sắn không hấp dẫn nhưng ăn vào mới thấy thú vị. Cái đắng của bông đu đủ đực, vị nhân nhẩn của cà, giòn ngọt của măng, mùi thơm của lá sắn và vị cay cay của muối ớt hiểm với lá ách trắng, thực sự quyến rũ vị giác. 

Mỗi khi nhà có khách quý, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) không quên nấu món canh lá sắn đậm đà này để đãi khách.

Phú Yên: Giữa cơn mưa mùa đông rả rích nơi đất khách quê người nhớ "canh nhà nghèo" ăn đến "lủng nồi" - Ảnh 3.

Một số nguyên liệu để nấu canh lá sắn.

Không biết món canh lá sắn có tự bao giờ, ngày nay nó đã trở thành một món ăn dân dã ngọt lành, đậm đà hương vị núi rừng, được nhiều người ưa thích. 

Lá sắn ngoài nấu canh, người ta còn dùng chế biến nhiều món lạ miệng và hấp dẫn như: lá sắn luộc chấm muối ớt, vừa bùi vừa thơm; lá sắn bỏ chua kho với cá rô, cua đồng có vị chua thơm nồng; nộm lá sắn vừa lạ vừa ngon…

Tuổi thơ tôi gắn liền với những rẫy sắn, bắp và những tô canh lá sắn. Những năm đi làm ăn xa nhà, giữa cơn mưa mùa đông rả rích nơi đất khách quê người, tôi lại thèm đến nao lòng tô canh lá sắn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem