Nuôi dê, kinh doanh giống cây lâm nghiệp là 2 mô hình hay giúp nông dân Sóc Sơn làm giàu

Thu Hà Thứ ba, ngày 10/08/2021 09:10 AM (GMT+7)
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trên địa bàn huyện Sóc Sơn (TP.Hà Nội) đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên, nông dân giỏi với các mô hình nông nghiệp hay. Trong đó, mô hình nuôi dê, kinh doanh giống cây lâm nghiệp là những mô hình mang lại thu nhập cao cho nông dân nơi đây.
Bình luận 0

Mô hình nuôi dê sinh sản và thương phẩm của anh Nguyễn Văn Thư là một trong những mô hình mới đưa về xã Nam Sơn, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Thư cho biết: Điều kiện địa hình, khí hậu ở địa phương phù hợp để chăn nuôi dê. Từ thực tế đó, năm 2019 anh bắt đầu nuôi 15 con dê cái. Những lứa đầu dê sinh sản, anh giữ lại toàn bộ dê con để nhân giống và tăng đàn lên 50 con. Cuối năm 2020 vừa qua, anh Thư bán lứa dê đầu tiên ra thị trường được khoảng 800kg, trừ chi phí, lãi gần 100 triệu đồng.

Mô hình hay giúp nông dân Sóc Sơn làm giàu - Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi dê tại xã Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) mang lại thu nhập khá cho người dân. Ảnh: T.N

"Trong năm nay, gia đình tôi tăng đàn lên 80-100 con để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập cho gia đình"- anh Thư cho biết.

Từ thành công mô hình nuôi dê của anh Thư, đến nay, trên địa bàn xã Nam Sơn đã có 20 hộ dân khác phát triển mô hình nuôi dê, nâng tổng đàn lên gần 500 con. Trong đó, nhiều hộ tận dụng diện tích đồi rừng để chăn thả tự nhiên nên chất lượng thịt dê thơm ngon, được khách hàng đánh giá cao, giá bán ổn định, thu nhập 50-150 triệu đồng/hộ/năm.

Cũng phát triển kinh tế, làm giàu tại địa phương, hội viên nông dân xã Hồng Kỳ lại thành lập các mô hình sản xuất giống cây lâm nghiệp cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ông Nguyễn Tiến Anh - Chủ tịch Hội ND xã Hồng Kỳ thông tin: Đến nay, toàn xã đã phát triển được 50 cơ sở kinh doanh giống cây lâm nghiệp và cây công trình, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 6 triệu cây giống các loại như: Keo, bạch đàn, xà cừ, lim, giáng hương, sưa đỏ... Trong đó, cơ sở sản xuất cây lâm nghiệp của hội viên nông dân giỏi - bà Trịnh Thị Sinh đạt hiệu quả cao nhất. Mỗi năm, cơ sở của bà Sinh cung cấp cây giống cho thị trường hàng triệu cây giống các loại... doanh thu đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Ngoài những mô hình này, trên địa bàn huyện Sóc Sơn còn có hàng trăm mô hình của hội viên nông dân hoạt động hiệu quả, đạt doanh thu từ 200 triệu đến 4 tỷ đồng/năm, như: Mô hình nuôi ếch và sản xuất đồ mộc của hội viên Hoàng Văn Mùi (xã Xuân Thu), mô hình chăn nuôi lợn của hội viên Nguyễn Văn Vinh (xã Việt Long)...

Ông Nguyễn Quốc Ân - Chủ tịch Hội ND huyện Sóc Sơn cho biết: Để giúp hội viên yên tâm phát triển kinh tế, trong những năm qua, Hội tăng cường vận động hội viên liên kết xây dựng kinh tế tập thể, thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp. Đến nay, Hội đã thành lập mới được 3 hợp tác xã, 63 tổ hội nghề nghiệp, 76 tổ hợp tác trên các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt... tạo môi trường hữu ích để nông dân học tập, trao đổi kiến thức, cùng phát triển kinh tế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem