Nuôi dê ở một nơi của Khánh Hòa, ngành chức năng đang muốn thu hút khách du lịch, nông dân hào hứng

Chủ nhật, ngày 16/06/2024 11:00 AM (GMT+7)
Sau hơn 1 năm triển khai, dự án khuyến nông Trung ương về “Mô hình chăn nuôi dê sinh sản tạo vùng nguyên liệu, gắn với du lịch sinh thái giai đoạn 2023 - 2025” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang có những tín hiệu tích cực.
Bình luận 0

Nông dân hào hứng với sinh kế mới, vật nuôi thích nghi, phát triển tốt với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, tiềm năng về khai thác du lịch ngày một hiện rõ.

Đàn dê phát triển tốt

Với hình thức nông dân đối ứng 30%, Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ 70% chi phí giống, vật tư, mô hình triển khai tại Khánh Hòa có quy mô tổng cộng 300 con dê cái và 15 con dê đực với chỉ tiêu mỗi con dê cái sinh sản 1,6 lứa/năm, tỷ lệ dê con nuôi sống đến 3 tháng tuổi đạt từ 90% trở lên; hiệu quả kinh tế tăng từ 10% trở lên so với chăn nuôi đại trà. 

Ông Nguyễn Thanh Sơn - cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chủ nhiệm dự án cho biết, năm 2023, dự án đã triển khai tại 2 hộ ở 2 xã Khánh Phú và Khánh Trung (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) với quy mô 105 con, trong đó có 5 con giống dê đực ngoại, 80 con giống dê cái lai Boer và 20 con dê cái Bách thảo.

Ông Triệu Đức Phấn (xã Khánh Trung) tham gia mô hình ngay từ đầu. Dự án đã hỗ trợ ông triển khai nuôi 63 con dê (3 dê đực, 48 dê cái lai Boer và 12 dê cái Bách thảo). 

“Không chỉ hỗ trợ dê giống, cán bộ khuyến nông còn hỗ trợ gia đình tôi về cách làm chuồng trại, kỹ thuật trồng cỏ, công thức thức ăn, kỹ thuật chăm sóc dê. 

Nhờ vậy, đàn dê phát triển rất tốt. Toàn bộ dê cái đều đã thụ thai thành công. Hơn 90% dê cái sinh sản và chăm nuôi dê con phát triển tốt” - ông Phấn chia sẻ. 

Còn đàn dê của hộ ông Trần Thanh Bách (thôn Ngã Hai, xã Khánh Phú) có quy mô 42 con (2 dê đực Boer, 32 dê cái lai Boer và 8 dê cái Bách thảo). Theo ước tính của ông Bách, sau khoảng 7 tháng nuôi có thể xuất bán dê thịt; sau 9 tháng nuôi có thể bán dê giống. 

Điều này sẽ giúp ông cải thiện kinh tế rõ rệt. Quá trình chăm sóc dê, ông còn được các cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc, hỗ trợ xử lý những vấn đề xảy ra trong chăn nuôi.

Nuôi dê ở một nơi của Khánh Hòa, ngành chức năng đang muốn thu hút khách du lịch, nông dân hào hứng- Ảnh 2.

Dê được nuôi tại hộ ông Triệu Đức Phấn, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa.

Bước sang năm thứ 2 của dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, UBND xã Suối Cát (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) chọn ra 2 hộ dân tại thôn Suối Lau 2 tham gia mô hình đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí dự án đã đề ra. 

Theo chủ nhiệm dự án, sau khi lựa chọn hộ tham gia, tháng 2-2024, cán bộ chuyên môn của trung tâm bắt đầu hướng dẫn 2 hộ dân xây dựng chuồng trại, trồng cỏ và chuẩn bị các cơ sở vật chất, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê trước khi cấp dê giống và vật tư. 

Ngày 21-5, hộ ông Nguyễn Văn Mạnh được cấp 63 con dê giống; hộ ông Nguyễn Xuân Vinh được cấp 42 con dê giống. Ngoài ra, 2 hộ còn được nhận vật tư ban đầu như: Thuốc thú y, vắc xin và thức ăn cho dê.

Theo ông Nguyễn Xuân Vinh, ngoài hỗ trợ giống, cán bộ kỹ thuật của cơ quan khuyến nông còn tập huấn cho ông về sơ chế các loại thức ăn nuôi dê; hướng dẫn ủ chua thức ăn từ ngô sinh khối và men vi sinh nhằm phục vụ thức ăn cho dê vào mùa đông.

Tiềm năng phát triển du lịch

Khi lựa chọn hộ tham gia mô hình, ngoài các tiêu chí về công khai, đúng đối tượng, đầy đủ và đạt yêu cầu của dự án, điểm để xây dựng mô hình triển khai dự án phải có tiềm năng phát triển chăn nuôi dê và phát triển vùng sinh thái. 

Chính vì thế, những mô hình đang được triển khai đều có những vị trí "đắc địa" để có thể phát triển du lịch. Trên diện tích trang trại rộng 5ha ở xã Khánh Trung, ông Phấn không chỉ làm trại nuôi dê mà còn trồng nhiều loại cây lấy gỗ và cây ăn quả, trồng cỏ nuôi dê. 

Ông cũng cải tạo vườn đồi xanh tốt, cảnh quan xinh đẹp hơn để tạo dựng được một môi trường sinh thái, có tiềm năng thu hút khách du lịch. Trang trại rộng 2ha của gia đình ông Bách ở xã Khánh Phú cũng ngày một tươi đẹp hơn bởi những rặng cây cối xanh tươi, có đàn dê nhởn nhơ gặm lá, nô đùa, nhìn rất thích mắt. 

Khu vực trang trại của 2 hộ ông Nguyễn Xuân Vinh và Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát đều là khu vực vườn đồi, có suối, cây cối xanh tươi, nằm cạnh trục đường lên Hòn Bà… có cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, là những điều kiện lý tưởng để trong tương lai có thể khai thác du lịch sinh thái.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, kết quả bước đầu cho thấy, dự án phù hợp với chủ trương phát triển chăn nuôi của tỉnh, được người dân ủng hộ, nhiệt tình tham gia và có sự phối hợp, quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền. 

Mô hình nuôi dê sinh sản phù hợp với vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái của người dân tại địa phương. 

Với sự hỗ trợ chuyên môn thường xuyên, liên tục của cán bộ kỹ thuật, dự án đã mang lại hiệu quả cao trong năng suất chăn nuôi, đồng thời mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho các hộ dân.

Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản tạo vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái do Trung tâm Khuyến nông tỉnh chủ trì thực hiện trong 3 năm 2023 - 2025, với mục tiêu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi dê sinh sản, sử dụng đa dạng các giống dê nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. 

Dự án còn tạo vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái, nhân rộng mô hình và nâng cao kiến thức cho người dân về chăn nuôi dê sinh sản. Tổng kinh phí thực hiện mô hình 2,7 tỷ đồng từ nguồn khuyến nông quốc gia.

Hồng Đăng (Báo Khánh Hòa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem