Một người chăn trâu quê Quảng Nam là đại tướng nhà Nguyễn, sao được dân tôn lên hàng phúc tướng?
Một người chăn trâu quê Quảng Nam là đại tướng nhà Nguyễn, sao dân gian lại tôn ông lên hàng phúc tướng?
Thứ sáu, ngày 14/06/2024 14:47 PM (GMT+7)
Làng An Lý, huyện Lễ Dương, nay là xã Bình Phú, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) đã sản sinh một vị tướng tài lại rất nhân hậu được tôn là “phúc tướng”. Triều đình nhà Nguyễn phong ông là đệ nhất ngũ hổ tướng, liệt vào hàng “công thần vọng các” (người có công lớn được trọng vọng). Đó là Đoan hùng Quận công Nguyễn Văn Trương.
Nguyễn Văn Trương sinh năm 1740, trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng tây nam Thăng Bình. Từ nhỏ ông phải đi giữ trâu cho nhà giàu trong làng nhưng thiên tư quân sự bộc lộ rất sớm.
Ông thường tập hợp trẻ chăn trâu, tổ chức thành đội ngũ, bày trận đồ, tự xưng làm tướng chỉ huy bọn trẻ đánh nhau.
Khi cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn nổ ra, ông vào Gia Định theo phò Nguyễn Lữ, được phong làm Chưởng cơ, trấn giữ vùng Long Xuyên và lập nhiều chiến công.
Một lần ông truy đuổi Nguyễn Ánh, may nhờ có cơn lốc làm cây cối ngã đổ, Nguyễn Ánh mới thoát chết.
Nhận thấy sự chia rẽ của anh em nhà Tây Sơn, nghiệp lớn khó thành, Nguyễn Văn Trương bỏ Nguyễn Lữ theo về giúp Nguyễn Ánh.
Năm 1787, khi Nguyễn Ánh từ Xiêm về nước, ông sai viên phó tướng Hoàng Văn Điểm (người Duy Xuyên) đem 300 quân và 15 chiến thuyền đến đón.
Ông được Nguyễn Ánh phong làm Khâm sai chưởng cơ, chỉ huy đội Trung quân. Từ đây Nguyễn Văn Trương mới phát huy hết tài năng, tham gia hàng trăm trận đánh giúp Nguyễn Ánh khôi phục nghiệp cũ.
Bia ghi công trạng của hổ tướng Nguyễn Văn Trương cùng nhiều văn bia nằm tại đình Tiền hiền Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Bích Liên
Sau trận thủy chiến của quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn, ông dẫn đại quân tiến ra cửa biển Cổ Lũy (Quảng Ngãi) rồi Đại Áp, Đại Chiêm (Quảng Nam).
Quân của ông đến đâu quân Tây Sơn tan vỡ đến đó, ông chiếm đồn La Qua tiến ra Đà Nẵng, lấy đồn Hải Vân, chiếm cửa biển Tư Hiền, Thuận An và cùng đại quân của Nguyễn Ánh tiến chiếm Phú Xuân.
Sau đó ông được sai mang quân ra sông Gianh chặn đường rút lui của Tây Sơn. Sau trận này, Nguyễn Ánh sai người mang ấn và dây thao đại tướng đến giữa trại quân trao cho Nguyễn Văn Trương và phong làm Khâm sai chưởng trung quân, Bình tây Đại tướng quân quận công.
Nhưng trận thủy chiến thắng lợi trên sông Nhật Lệ mới là đóng góp lớn nhất của ông cho sự nghiệp của Nguyễn Ánh. Năm 1802, vua Cảnh Thịnh sai em là Nguyễn Quang Thùy trấn giữ Nghệ An, còn tự mình cầm quân định chiếm lại Phú Xuân.
Đây là trận đánh có ý nghĩa quyết định cho cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Hai bên chạm nhau ở Trấn Ninh. Đánh từ sáng đến chiều quân Tây Sơn vẫn không tiến lên được. Thấy thế trận ngày càng khốc liệt bất phân thắng bại, Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh riết vào lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Ánh đang cố thủ.
Bà xua quân xung trận, tự tay thúc trống liên hồi. Quân của Nguyễn Ánh đã hốt hoảng định vượt sông Gianh mở đường máu thoát thân. Lúc quân Tây Sơn đang ở thế thắng thì thủy quân của Nguyễn Ánh do Nguyễn Văn Trương chỉ huy đánh tan thủy quân Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ tràn lên tiếp cứu. Bộ binh Tây Sơn tan vỡ.
Quang Toản rút chạy, Bùi Thị Xuân buộc lòng phải phò vua ra Bắc. Từ đó quân Tây Sơn trượt dài trong thất bại. Trong chiến dịch đánh Thăng Long, Nguyễn Văn Trương chỉ huy thủy quân tiến chiếm cửa Giồn (Hà Tĩnh), cửa Hội (Nghệ An), chiếm vùng Sơn Nam Hạ rồi tiến vào Thăng Long.
Sau khi Gia Long lên ngôi, Nguyễn Văn Trương được cử làm quyền Tổng trấn Bắc Thành (1803 - 1804), sau đó vào Nam làm Lưu trấn Gia Định (1805 - 1808). Ông mất năm 1810 tại kinh đô Huế, thọ 71 tuổi.
Vua Gia Long thương tiếc ban quan tài bằng gỗ giáng hương, cấp 1.000 quan tiền và cử các quan lo việc ma chay, cấp phu trông coi mộ phần. Ngày an táng, vua đích thân ngự thuyền rồng đi tiễn. Năm 1815, ông được rước thờ ở miếu Trung Hưng, năm 1817 thờ ở Thế Miếu, 1835 thờ ở Võ Miếu. Năm 1817, ông được vinh danh trong danh sách công thần vọng các…
Năm 1831 dưới thời Minh Mạng, ông được truy phong Tá vận công thần Đặc tiến tráng vũ đại tướng quân, Trung quân đô thống phủ chưởng phủ sự, hàm Thái bảo, đổi tên thụy là Chiêu vũ, phong Đoan hùng quận công.
Vị “phúc tướng” người Quảng
Nguyễn Văn Trương là vị tướng bách chiến bách thắng, được nhà Nguyễn phong làm Đệ nhất Ngũ hổ tướng Gia Định (gồm Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Tấn Bửu).
Đại Nam liệt truyện chỉ nói đến một trận thua duy nhất của quân ông vào năm 1801 ở núi Thần Đâu nhưng lại do viên phó tướng chỉ huy và vì không tuân theo chỉ dẫn của ông. Là tướng tài, lập nhiều công nhưng ông lại rất khiêm tốn và không ham danh lợi.
Khi làm quyền Tổng trấn Bắc Thành, một năm lụt lội dân bị đói, ông tự ý mở kho phát chẩn. Vì việc này ông bị quở trách, suýt bị giáng chức.
Khi làm Lưu trấn Gia Định, quyền sinh sát trong tay nhưng bao giờ ông cũng châm chước công tội thấu tình đạt lý, tâu về triều chờ lệnh chứ không tự ý quyết đoán. Năm 1803 bắt đầu thời kỳ bình xét công trạng, ông lại dâng sớ xin về hưu nhưng bị nhà vua từ chối và trách khéo.
Nguyễn Văn Trương được quân sĩ cả hai phe tôn là “phúc tướng” vì rất nhân hậu. Khi quân đối địch gặp nguy ông không cho quân sĩ của mình truy sát, dù lúc làm tướng cho Tây Sơn hay Nguyễn Ánh.
Ông bảo: “Nhân lúc nguy của người mà đâm, không phải là kẻ mạnh”, nhờ vậy nhiều người thoát chết. Gia Long từng khen ông “Làm tướng mà nhân hậu như Trương xưa nay hiếm”.
Hưởng “phúc” của ông nên con cháu đều thành danh ở nghiệp võ . Con thứ là Nguyễn Văn Vân được phong Phó tướng Trung quân, làm quan đến Đô thống chế; khi chết được ban chức Chưởng doanh, thờ trong đền Trung Nghĩa.
Con út là Nguyễn Văn Ngoạn, được vua Gia Long chọn làm phò mã, gả công chúa đầu là Bình Thái, làm quan đến Khâm sai thống chế, Đốc trấn Thanh Hóa.
Cháu đích tôn là Nguyễn Văn Minh làm Cai đội. Cháu nội là Nguyễn Văn Thuận làm Quản cơ Vĩnh Bảo, khi chết được phong Phó vệ úy, thờ ở đền Trung Nghĩa.
Các chắt của ông có Nguyễn Văn Lược làm Vệ úy Hậu vệ doanh tiền phong, tước Đoan hùng tử; Nguyễn Văn Duật lấy công chúa thứ 46 của Minh Mạng, làm Phò mã đô úy. Một người hai lần làm thông sui gia với vua nhà Nguyễn là điều hiếm xưa nay.
Đại Nam Liệt truyện của Sử quán triều Nguyễn dành gần nửa quyển 8 để viết về ông, trong có đoạn: “Trương tính tình nhân hậu, làm tướng mà không muốn giết người… lại biết giữ pháp độ cẩn thận, không đem công nghiệp tự khoe, cho nên tuy xuất thân là hàng tướng mà trước sau được nhà vua, quân sĩ và nhân dân yêu mến, ít người theo kịp...” (Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, trang 161) . Trước đây tại Văn thánh huyện Lễ Dương có tấm bia ghi công trạng của ông (hiện đang để ở tiền hiền làng Hà Lam, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.