Nuôi dơi, con động vật hoang dã, loài thú biết bay, ông nông dân Tây Ninh hứng phân dơi bán đắt tiền
Nuôi loài thú bay rõ nhanh, ông nông dân Tây Ninh dùng lưới hứng thứ gì mà nhà vườn nào cũng muốn mua?
Trần Đáng
Thứ năm, ngày 17/10/2024 05:52 AM (GMT+7)
Thấy phân dơi được thị trường ưa chuộng, ông Hồ Minh Tâm, nông dân xã An Thạnh, huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) thuê người dựng chuồng nuôi dơi lấy phân bán. Ai ngờ, ông Hồ Minh Tâm sống khỏe từ mô hình nuôi con động vật hoang dã biết bay này.
Tận dụng điều kiện tư nhiên này, nhiều nông dân nơi đây dựng chuồng nuôi dơi lấy phân nhằm tạo kế mưu sinh, tăng thu nhập.
Nghe đây, trước khi dựng chuồng nuôi dơi lấy phân chuyên nghiệp như hiện nay, nông dân ở đây lấy phân dơi từ những gốc cây thốt nốt về làm phân bón cây.
Thấy phân cho hiệu quả tốt và nhất là thị trường tiêu thụ ưa chuộng loại phân này, và thế là chẳng ai bảo ai, bà con thi nhau dựng chuồng nuôi dơi lấy phân.
Tại xã An Thạnh, có 2 hình thức dựng chuồng nuôi dơi lấy phân: Tự dựng và thuê dịch vụ dựng.
Như ông Tâm, điều kiện gia đình xông xênh hơn nên ông đã gọi dịch vụ dựng chuồng nuôi dơi lấy phân đến dựng và cũng muốn "ăn chắc" do chuồng được dựng đúng kỹ thuật từ những người thợ lành nghề.
Theo kinh nghiệm nuôi dơi của người làm nghề lâu năm, địa điểm dựng chuồng nuôi dơi lấy phân phải nơi yên tĩnh, cây cối thấp, lượng côn trùng phong phú.
Chuồng dơi thoáng mát vào mùa hè, nhiệt độ trong chuồng 30 – 32 độ C; kích thước chuồng thường ngang 5m, dài 9m, chiều cao 6m trở lên. Nền chuồng nuôi dơi được tráng xi măng hoặc giăng lưới để dễ thu gom phân dơi.
Bên cạnh đó, giá thể tốt nhất để dơi đu bám, sinh sống là lá thốt nốt. Mỗi chuồng thường sử dụng khoảng 300 lá thốt nốt…
Lá thốt nốt nên chọn lá khô, mới và ngâm rữa sạch ấu trùng, kiến, bọ trước khi làm giá thể trong chồng. Sau khi sử dụng được khoảng 1 năm, lá thốt nốt được thu lại để ngâm và rửa sạch trước khi dùng lại.
Đứng từ xa đã thấy 3 chuồng nuôi dơi lấy phân của ông Tâm lêu nghêu giữa đồng vắng. Đây là 3 chuồng nuôi dơi được xây dựng bài bản nhất ở địa phương.
Ông Tâm đang thu hoạch phân dơi từ một chuồng nuôi dơi lấy phân của mình. Ảnh: T.Đ
Ông Tâm kể, năm 2019, ông kêu dịch vụ đến dựng chuồng nuôi dơi lấy phân. Thời điểm này, ông chỉ cho dựng 2 chuồng. Mỗi chuồng dơi "bay đứt" của ông 65 triệu đồng.
"Sau khi dựng chuồng xong, thợ làm chuồng để lại khoảng 20 con dơi mồi trong chuồng nhằm nhử đàn dơi thiên nhiên về sống.
Sau đó, số dơi mồi này được thả ra sống cùng đàn dơi mới về. Và khoảng 1 tuần sau, chuồng đã có phân để tôi thu hoạch", ông Tâm thổ lộ.
Theo ông Tâm, nghề nuôi dơi lấy phân rất dễ, rất nhàn, thậm chí không chăm sóc, không cho ăn…
"Mỗi sáng, tôi dành ít thời gian ra chuồng thu phân dơi. Nếu trời hôm ấy mưa thì đi sớm không phân trôi, còn trời nắng thì có thể đi muộn hơn", ông Tâm chia sẻ.
Ông Tâm lưu ý, nuôi dơi không khó, khá nhàn nhưng cẩn thận bảo vệ đàn dơi tránh thiệt hại bởi rắn lục, chim heo, chim cắt.. Để bảo vệ đàn dơi, ông Tâm chủ yếu dùng bẫy bắt rắn, chim.
"Rắn lục chuyên rình ăn dơi, còn chim heo la hét khiến đàn dơi sợ bay đi mất", ông Tâm cho biết.
Sống khỏe nhờ nuôi dơi-loài động vật hoang dã, thu gom phân bán đắt tiền
Như đã nói, hiện ông Tâm có 3 chuồng nuôi dơi lấy phân. Lúc cao điểm, mỗi ngày ông Tâm khoảng 15kg phân dơi.
Tuy nhiên, hiện ông Tâm chỉ thu được khoảng 7kg dơi/ngày. Với giá phân dơi 60.000 đồng/kg, mỗi ngày ông Tâm cũng kiếm được 400.000 đồng.
"Thương lái vào tận nhà tìm mua phân dơi không cần phải đem bán", ông Tâm bộc bạch.
Theo ông Tâm, hiện mô hình nuôi dơi lấy phân mang lại hiệu quả kinh tế tốt so với một số mô hình chăn nuôi khác trên địa bàn.
Nuôi dơi lấy phân đang trở thành mô hinh có hiệu quả kinh tế tốt tại nhiều địa phương Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Phân dơi được đánh giá là một trong những loại phân hữu cơ tốt nhất cho tất cả các loại cây trồng. Ảnh: T.Đ
Chính vì điều này nên Hội Nông dân địa phương đang khuyến khích, hỗ trợ vốn cho nông dân mở rộng mô hình nuôi dê lấy phân.
Được biết, phân dơi có giá trị dinh dưỡng cao, là một trong những loại phân hữu cơ tốt nhất đối với các loại cây trồng, từ cây rau xanh, tới các loại cây ăn quả, cây cảnh (cây kiểng).
Qua phân tích, đánh giá của các nhà khoa học về cây trồng, phân dơi chứa nhiều chất vi khoáng tốt cho cây trồng như ni tơ, phốt pho, kali...
Trong phân dơi có chứa vi khuẩn có khả năng xử lý sinh học làm sạch chất độc cho đất, có khả năng giữ nước và tạo lỗ thông thoáng trong đất.
Vi khuẩn trong phân dơi sống cộng sinh với cây trồng cải thiện nguồn dinh dưỡng cho cây; kiểm soát mẩm bệnh trong đất, chất xúc tác trong quá trình phân hủy hữu cơ… Phân dơi vì thế rất được thị trường ưa chuộng, nhất là những nhà vườn trồng cây kiểng (cây cảnh).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.