Nuôi loài trơn nhớt ở bể không bùn, mỗi năm bán ra 2,5 tấn

Thứ tư, ngày 24/04/2019 19:10 PM (GMT+7)
Anh Lê Văn Hưng ở xóm Màn, xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) thường nuôi 13.000 con lươn giống, sau 10 tháng nuôi anh bắt được 2,5 tấn lươn thịt, bán với giá 150.000 đồng/kg...Từ ngày anh làm chuồng nuôi lươn không bùn, thu nhập khá hẳn lên, lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
Bình luận 0

img

Một bể nuôi lươn không cần đến bùn

Lươn đồng Nghệ An từ lâu trở thành món ăn đặc trưng, không chỉ với người dân địa phương mà còn đối với du khách thập phương. Bối cảnh lươn đồng khan hiếm, người dân ở đây đã hình thành nghề nuôi lươn, nhưng nuôi lươn không bùn.

Anh Lê Văn Hưng ở xóm Màn, xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết, việc nuôi lươn đồng rất công phu, đây lại là việc nuôi không dùng bùn nên khâu chọn con giống là quyết định tất cả. Anh Hưng cho hay "giống lươn phải là con giống tự nhiên chứ giống nhân tạo thì nuôi dễ mà bán khó".

img

img

Hệ thống nuôi lươn của anh Lê Văn Hưng

Thả lứa đầu tiên, do còn ít kinh nghiệm, hơn 1 tạ lươn giống chết sạch sau 1 tháng nuôi. Không nản chí, anh Hưng vẫn quyết tâm đầu tư nuôi tiếp, nhưng lần này anh vào tận Vĩnh Long học tập kinh nghiệm và chọn con giống đưa về nuôi.

Khi đã có vốn liếng kỹ thuật trong tay thì việc nuôi lươn trong bể không cần bùn khá đơn giản. "Bể nuôi có diện tích từ 10 - 30 m2, dưới đáy bể có ống thoát nước, trên có gắn đường nước vào, để thuận lợi cho việc thay nước. Nhiều hộ gia đình đã tận dụng chuồng nuôi heo không sử dụng, hoặc ao đất lót bạt một góc vườn để nuôi lươn, mực nước trong bể từ 20 - 25cm", anh Hưng cho hay.

img

img

Thức ăn của lươn là cá, thường để đông lạnh và băm nhỏ trước khi cho lươn ăn

Nuôi lươn không bùn tiết kiệm chi phí, dễ chăm sóc, nhu cầu thị trường cao. Thức ăn cho lươn chủ yếu là các loại cá tạp, ốc bươu xay nhuyễn trộn cùng bột cám. Nếu tuân thủ đúng quy tắc “bốn định”, bao gồm định khối lượng thức ăn, định chất lượng thức ăn, định vị trí cho ăn, định thời gian cho ăn thì lươn rất nhanh lớn.

Theo tính toán của anh Hưng với hơn 13 nghìn con giống, sau 10 tháng chăm sóc sẽ có khoảng 2,5 tấn lươn thương phẩm, với giá bán 150 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các chi phí cũng lãi hơn 200 triệu đồng. Mô hình nuôi lươn thương phẩm của anh Lê Văn Hưng, không những tạo nguồn thu nhập cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.

img

Đây là mô hình phát triển kinh tế tạo hướng đi mới cho người dân địa phương cũng như đoàn viên thanh niên trên địa bàn

Anh Trương Hùng Dũng - Phó Bí thư Huyện đoàn Nghĩa Đàn (Nghệ An) - nhấn mạnh: “Từ mô hình nuôi lươn của thanh niên Lê Văn Hưng, chúng tôi sẽ giới thiệu và nhân rộng trên địa bàn.

Anh Đức (Báo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem