Đem loài thú chạy nhanh như gió nuôi nhốt chuồng, chăm nhàn tênh, nông dân Thái Nguyên bán đắt như tôm tươi

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 12/05/2022 19:00 PM (GMT+7)
HTX dịch vụ chăn nuôi thuỷ sản Kim Đĩnh (xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) còn đầu tư nuôi ngựa bạch để sinh sản, nấu cao, bán thương phẩm. Nuôi ngựa bạch không mất nhiều công chăm sóc, lại cho thu nhập khá lớn.
Bình luận 0

Mô hình chăn nuôi ngựa bạch ở xóm Núi Chùa, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân

Ở xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên có những hộ thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi ngựa bạch.

Gia đình ông Dương Thanh Nghị (xóm Núi Chùa, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những hộ chăn nuôi ngựa bạch lớn nhất trên địa bàn xã với khoảng 30 con. Ông Nghị hiện đang là thành viên của HTX dịch vụ chăn nuôi thủy sản Kim Đĩnh.

Ông Nghị cho biết: "Gia đình tôi chăn nuôi ngựa đến nay đã gần 40 năm. Ban đầu xuất phát từ nghề nấu cao, thấy thịt ngựa là loại thực phẩm ngon lại chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe nên tôi đã quyết định chăn nuôi. Như vậy, vừa phục vụ nhu cầu thị trường lại vừa phục vụ cho nhu cầu của gia đình".

Hiện nay ngoài nuôi ngựa thương phẩm, gia đình ông còn nuôi ngựa bạch sinh sản. Tới đây ông dự định sẽ chuyển hoàn toàn sang nuôi ngựa sinh sản để phục vụ nhu cầu nấu cao.

Theo ông Nghị, ngựa được ông mua từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái… với giá trung bình từ 65 – 80 triệu đồng/con.

Thái Nguyên: Nuôi ngựa bạch sinh sản, nấu cao, bán thương phẩm, nhiều nông dân ở đây khá giả - Ảnh 2.

Gia đình ông Nghị hiện đang có 3 con ngựa cái đã cho sinh sản. (Ảnh: Hà Thanh)

Ông thường chọn mua ngựa khoảng 4 năm tuổi và khi ngựa đạt 5 tuổi là thời điểm tốt để nấu cao. Trong quá trình chọn ngựa bạch phải chú ý đến đặc điểm của ngựa để tránh bị nhầm lẫn.

Ngựa bạch chuẩn phải là những con có móng trắng, mắt thau đồng, mõm hồng…

Thái Nguyên: Nuôi ngựa bạch sinh sản, nấu cao, bán thương phẩm, nhiều nông dân ở đây khá giả - Ảnh 3.

Ngựa bạch có đặc điểm: móng trắng, mắt thau đồng, mõm hồng... (Ảnh: Hà Thanh)

Việc chăm sóc ngựa tương đối đơn giản, bởi ngựa hiếm khi mắc bệnh, chỉ thỉnh thoảng nhiễm ký sinh trùng máu. Do đó, cần phải tiêm phòng và tẩy giun sán cho ngựa đầy đủ.

Thức ăn của ngựa chủ yếu là cỏ, chuối, ngoài ra còn có thể kết hợp cho ngựa ăn thêm cây ngô và cám công nghiệp.

So với bò, ngựa ăn ít hơn, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần khoảng 5kg cỏ, buổi tối có thể cho ăn thêm cám công nghiệp. Tuy nhiên, tuyệt đối không cho ngựa sinh sản ăn cám công nghiệp vì ngựa sẽ đẻ kém. Bên cạnh đó, để bổ sung khoáng chất cho ngựa, gia đình ông Nghị còn mua thêm đá liếm cho ngựa.

Đối với ngựa sinh sản, khi ngựa đạt 4 tuổi là bắt đầu sinh sản tốt, khi ngựa được hơn 20 tháng là tiến hành phối giống. Thời kỳ mang thai của ngựa mẹ kéo dài khoảng 11,5 tháng. Khi ngựa con được 4 – 5 tháng tuổi là có thể tách mẹ và bán với giá trung bình 40 triệu đồng/con.

Còn ngựa mẹ sau khi sinh con khoảng 1 tháng là tiếp tục động dục. Lưu ý, trong thời kỳ ngựa mẹ mang thai cần bổ sung thêm cám ngô để tăng sức đề kháng và chất dinh dưỡng cho ngựa.

Thông thường, ngựa phát triển tốt nhất vào mùa hè và mùa thu vì thời điểm này cỏ nhiều, thời tiết lại mát mẻ. Thời điểm bán ngựa thương phẩm chạy nhất là khoảng từ tháng 8 đến Tết Nguyên đán hằng năm.

Thái Nguyên: Nuôi ngựa bạch sinh sản, nấu cao, bán thương phẩm, nhiều nông dân ở đây khá giả - Ảnh 4.

Nuôi ngựa có ưu điểm là không gây ô nhiễm môi trường và không mất nhiều thời gian chăm sóc. (Ảnh: Hà Thanh)

Trung bình mỗi năm, gia đình ông Nghị bán ra thị trường khoảng 25 – 30 con ngựa thương phẩm, mang về lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/con/năm. So với ngựa đỏ, ngựa bạch có ưu điểm là thịt ngọt hơn, mềm hơn và nấu cao cho chất lượng tốt hơn, do đó mà giá bán cũng cao hơn gấp 3 lần so với ngựa đỏ.

Nếu chăm sóc tốt, trung bình mỗi tháng một con ngựa bạch sẽ cho lãi khoảng 2,5 triệu đồng. Hiện tại, thịt ngựa bạch được bán với giá từ 350.000 – 370.000 đồng/kg, còn cao ngựa có giá 1,2 triệu đồng/lạng.

Thái Nguyên: Nuôi ngựa bạch sinh sản, nấu cao, bán thương phẩm, nhiều nông dân ở đây khá giả - Ảnh 5.

Chuồng nuôi ngựa không cần quá cầu kỳ (Ảnh: Hà Thanh)

Đối với chăn nuôi ngựa, chỉ có khó khăn duy nhất là nguồn vốn lớn, tuy nhiên lại ít rủi ro và không mất nhiều nhân công chăm sóc. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông Nghị có thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ nuôi ngựa thương phẩm, ngựa sinh sản và nấu cao.

Ông Phạm Văn Ty - Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi thủy sản Kim Đĩnh cho biết: "Hiện nay, ngoài chăn nuôi thủy sản, HTX còn phát triển thêm nghề nuôi ngựa bạch để tận dụng nghề nấu cao đã có từ lâu tại địa phương. Hiện HTX có 7 hộ nuôi ngựa với khoảng 30 - 40 con tùy từng thời điểm."

Trong thời gian tới, các hộ thuộc HTX sẽ tận dụng nguồn vốn để mua thêm ngựa về nuôi sinh sản và thương phẩm. Do đó, HTX mong muốn được các cấp, ngành, địa phương hỗ trợ HTX để phát triển mô hình này vì đây là mô hình có nhiều triển vọng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem