Nuôi rắn hổ mang, động vật hoang dã, một người Thái Nguyên bỏ túi 400-500 triệu/năm ngon ơ
Nuôi động vật hoang dã là bò sát khối kẻ khiếp sợ, một người Thái Nguyên nuôi thành công, thu lãi lớn
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ ba, ngày 27/08/2024 14:56 PM (GMT+7)
Do đam mê với các loại rắn từ nhỏ, anh Dương Văn Chung (SN 1987), Trưởng xóm Cầu Lưu, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi rắn hổ mang, hổ trâu-động vật hoang dã. Với hơn 2.000 con rắn hổ mang bành và rắn hổ trâu, anh có lợi nhuận 400 - 500 triệu/năm từ nuôi rắn độc.
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Dương Văn Chung (xóm Cầu Lưu, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Từ khi còn nhỏ tôi đã có đam mê với các loài rắn.
Do đó, tôi hay đi bắt rắn về nuôi. Ban đầu tôi nuôi một vài con để làm quen, nhưng sau này nghiên cứu thị trường thấy nhu cầu rất lớn nên tôi đã quyết định đầu tư chuồng trại và mua giống từ Vĩnh Phúc về nuôi với quy mô lớn".
Anh Dương Văn Chung (xóm Cầu Lưu, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) có đam mê với các loại rắn từ nhỏ và đó là lý do anh đến với nghề nuôi rắn hổ mang, rắn hổ trâu-động vật hoang dã lớp bò sát. Ảnh: Hà Thanh
Năm 2016, anh bắt tay vào đầu tư chăn nuôi bài bản, trong đó anh lựa chọn nuôi rắn hổ mang bành và hổ trâu.
Do có đam mê từ nhỏ nên kỹ thuật chăm sóc loài rắn anh Chung đều tự học, ngoài ra anh học thêm kinh nghiệm từ các trại chăn nuôi tại các làng nghề lớn. Với diện tích chuồng trại khoảng 300m2, anh Chung hiện đang nuôi khoảng hơn 2.000 con rắn hổ mang bành và hổ trâu.
Theo anh Chung, nuôi rắn về cơ bản không mất quá nhiều thời gian, vì rắn ăn ít, trung bình 5 – 6 ngày mới phải cho ăn một lần.
Để đảm bảo nguồn thức ăn cho rắn hổ mang, anh Chung thu mua gà con từ các cơ sở ấp nở về sau đó cắt nhỏ rồi nấu chín cho rắn ăn.
Với số lượng rắn như hiện tại, trung bình mỗi lần cho ăn khoảng 3 tạ thức ăn. Mỗi năm chi phí thức ăn cho một con rắn khoảng 100.000đ.
Với diện tích khoảng 300m2 chuồng trại, anh Chung đang nuôi khoảng hơn 2.000 con rắn hổ mang bành và rắn hổ trâu. Ảnh: Hà Thanh
Theo anh Chung, rắn hổ mang phát triển tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ từ 25 – 30oC. Ảnh: Hà Thanh.
Rắn hổ mang phát triển tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ từ 25 – 30oC. Do đó, vào mùa hè nếu nhiệt độ cao cần sử dụng quạt làm mát hoặc sử dụng hệ thống chống nóng.
Rắn thường ngủ đông từ cuối tháng 9 đến tháng 2 âm lịch năm sau, thời gian này rắn hổ mang sẽ không ăn.
Vì đặc tính của rắn là nhiệt độ dưới 20oC rắn sẽ không ăn mồi. Bên cạnh đó, cũng không nên cho rắn ăn mồi ở điều kiện nhiệt độ thấp sẽ ảnh hưởng đến chức năng tiêu hoá của loài vật này.
Trong quá trình nuôi, rắn rất ít khi mắc bệnh, chỉ thỉnh thoảng mắc bệnh phổi do không thích nghi được với thời tiết khi thay đổi thất thường.
Hoặc bị bệnh đường ruột nếu ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Chính vì vậy, để phòng tránh bệnh cho rắn trong quá trình cho ăn, người nuôi sẽ trộn men tiêu hoá, thuốc kháng sinh vào thức ăn để tăng sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh.
Trứng rắn được ấp trong điều kiện đảm bảo về độ ẩm, độ ẩm thích hợp nhất để trứng rắn ấp nở là từ 70 – 80%. Với trứng rắn hổ trâu, thời gian ấp nở kéo dài từ 70 – 72 ngày, còn rắn hổ mang bành kéo dài từ 60 – 62 ngày.
Thời gian đầu khi rắn con mới nở, nhiều con sẽ không biết tự đi kiếm mồi nên để đàn thưa thì việc chăm sóc sẽ dễ dàng hơn.
Đối với rắn ấp nở trứng thì đến năm thứ hai rắn cái bắt đầu sinh sản, còn rắn đực có thể bán thịt. Đối với rắn cái trong thời kỳ sinh sản nên cho ăn nhiều thức ăn chứa canxi thì rắn sẽ đẻ đều, đẻ nhiều và trứng sẽ đẹp.
Với mỗi con rắn cái trưởng thành sẽ đẻ từ 20 – 50 quả trứng trong mỗi kỳ sinh sản. "Từ năm ngoái đến năm nay, do nhu cầu lớn của thị trường nên trứng rắn hổ mang có giá bán cao từ 50.000 – 70.000đ/quả.
Tôi mang trứng rắn về làng nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường của tỉnh Vĩnh Phúc để họ bán cho lái buôn Trung Quốc để về ấp nở", anh Chung cho biết.
Trứng rắn hổ mang được anh Chung bán cho các trại rắn lớn ở Vĩnh Phúc với giá từ 50.000 - 70.000đ/quả. Ảnh: Hà Thanh.
Năm 2024, gia đình anh Chung xuất bán gần 10.000 quả trứng rắn và khoảng 7.000 – 8.000 con rắn thương phẩm. Hiện rắn thương phẩm có giá bán từ 600.000 – 700.000đ/kg.
Hiện, anh Chung đang cấp rắn hổ mang giống cho nhiều hộ trên địa bàn một số tỉnh như: Quảng Ninh và một số địa phương lân cận.
Ngoài cấp rắn hổ mang giống, anh còn hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng trại và kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời hoàn tất thủ tục hồ sơ để đảm bảo cho người nuôi. Rắn hổ mang giống trưởng thành được anh Chung bán với giá dao động từ 800.000 – 900.000đ/kg.
Năm 2024, tính tổng thu nhập từ bán trứng rắn và giống rắn hổ mang, anh Chung thu về khoảng 400 – 500 triệu đồng.
Ngoài tham gia phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, anh Chung hiện đang là Trưởng xóm Cầu Lưu với kinh nghiệm 8 năm công tác và đạt được nhiều thành tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.