Nuôi sá sùng - làm chơi, ăn thật

Thứ năm, ngày 28/10/2010 08:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thay vì bán bãi cho người đào sá sùng (giun biển), một số hộ dân tại thôn Tuần Lễ (Vạn Thọ, Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã nghĩ ra cách khoanh bảo vệ và nuôi sá sùng…
Bình luận 0
img
Ông Trần Văn Gần: “Nuôi sá sùng lãi hơn nuôi tôm vì không sợ dịch bệnh…”. Ảnh: Mai Khuê

Cách đây vài năm, gia đình chị Phan Thị Tuyết Nhung-Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vạn Thọ- phát hiện trong đìa nuôi tôm của mình có sá sùng và một người dân tại xã Vạn Long (nơi có nghề đào bắt sá sùng) đến mua lại đáy đìa với giá 2,5 triệu đồng để thu bắt sá sùng. Sau đó, những chủ đìa tôm khác cũng “thu lợi” nhờ bán đáy đìa cho dân chuyên khai thác sá sùng.

Nhưng cái lợi này quá nhỏ bé so với những gì dân chuyên đào sá sùng thu được. Thấy thế, thay vì bán đáy đìa, người dân Vạn Thọ giữ lại để tự khai thác. Ông Trần Văn Gần, người đang khoanh nuôi hơn 1ha sá sùng, cho biết: “Trước đây tôi nuôi tôm công nghiệp, độ rủi ro rất cao. Nay một nửa diện tích đìa, tôi nuôi sá sùng, nửa còn lại tôi nuôi tôm quảng canh, thả với mật độ thưa kèm với nuôi sá sùng tầng đáy”.

Cách nuôi này không cần cho ăn vì sá sùng sẽ ăn thức ăn thừa của tôm. Hàng năm, ông thu hoạch 3 – 4 đợt sá sùng, được khoảng 700 – 800kg. Giá sá sùng tươi hiện nay là 160.000 đồng/kg, riêng sá sùng ông lãi khoảng 120 triệu đồng. “Nuôi sá sùng lãi hơn cả nuôi tôm vì ăn chắc, không sợ dịch bệnh, lại chẳng cần đầu tư con giống, thuốc men, công sá gì.” – ông Gần nói.

Thương lái Trần Ngọc Quới cho biết, giá sá sùng bỗng nhiên tăng vọt trong 2 năm gần đây, khoảng 160.000 đồng/kg tươi và 2,2 triệu đồng/kg khô. Hiện mỗi tháng anh thu mua khoảng 1 tấn sá sùng xuất khẩu tươi sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… nhưng không đủ cung cấp theo nhu cầu của khách hàng.

Thấy mô hình nuôi sá sùng hiệu quả, khoảng 10 hộ dân trong vùng đã làm theo, khoanh nuôi sá sùng trong ao đìa nuôi tôm với tổng diện tích khoảng 5,5 ha. Tuy nhiên, đến nay việc nhân rộng mô hình đang gặp nhiều khó khăn. Chỉ đìa nào đã có sá sùng sống đáy mới có thể khoanh nuôi và cho thu hoạch.

Nhiều hộ trong thôn đã tìm mua con giống từ khai thác tự nhiên đem thả đìa nhưng tỷ lệ sống không cao. Ông Huỳnh Tấn Kỳ- Chủ tịch Hội nông dân xã Vạn Thọ, cho biết: Vừa qua, đã có 35 hội viên nông dân đăng ký xin được học nghề nuôi sá sùng. Hội đã lên danh sách gửi lên huyện và tỉnh nhưng trên đó chưa thể mở lớp dạy nghề nuôi sá sùng vì chưa có tài liệu nào hướng dẫn kỹ thuật nuôi con này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem