Nuôi sò huyết chìm dưới đáy bùn, chả phải cho ăn, cứ 2ha nông dân Cà Mau đút túi 500 triệu
Nuôi con đặc sản chìm dưới đáy bùn, chả phải cho ăn, cứ 2ha nông dân nơi này của Cà Mau lời 500 triệu
Thứ tư, ngày 30/11/2022 05:12 AM (GMT+7)
Tại các huyện ven biển Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), tận dụng điều kiện tự nhiên, người dân ngoài nuôi tôm, còn xen canh nuôi các giống loài thuỷ sản, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, trong đó có sò huyết. Tuy nhiên, lâu nay nguồn giống sò huyết trong tự nhiên tại địa phương vốn ít ỏi, phần lớn phải nhập từ tỉnh Bến Tre.
Với suy nghĩ “ép đẻ” con tôm được, thì con sò huyết tại sao không? Ở Bến Tre hay Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) người ta ương giống sò huyết được, quê mình cũng điều kiện tự nhiên tương tự thì tại sao không?
Theo đó, cách nay hơn 1 năm, anh Nguyễn Tuấn Dủ (ngụ kênh Trưởng Ðạo, ấp Hiệp Hoà Tây, xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau) bắt đầu “tầm sư học đạo” và đã thành công.
Sò cám - sò huyết giống mới ương vài ngày tuổi, cần được theo dõi thường xuyên, nhất là đảm bảo vệ sinh về nguồn nước.
Hiện nay, ngoài việc ương con giống sò huyết chất lượng cung ứng ra thị trường, anh còn nuôi sò huyết thương phẩm cho thu nhập rất cao.
Sò huyết giống từ 15-20 ngày tuổi là có thể xuất bán, đủ điều kiện được thả nuôi trong môi trường tự nhiên.
“Mua giống sò huyết tại cơ sở sẽ được hỗ trợ 100% về kỹ thuật và về rủi ro cho người nuôi, nếu không đạt”, lời khẳng định chắc nịch, rất ấn tượng của anh Nguyễn Tuấn Dủ, đã tạo được lòng tin, yên tâm cho người nuôi sò huyết từ Ðầm Dơi, Cái Nước đến Ngọc Hiển…
Hiện, mỗi tháng cơ sở của anh Dủ xuất bán từ 5-10 triệu con giống, chủ yếu trong tỉnh, cũng có nhiều người mua đến từ Bạc Liêu.
Sò huyết giống khi mua về cần được thả nuôi trong mùng lưới, nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định trong một thời gian, tránh bị các giống loài thuỷ sản khác xâm hại.
Khi kích cỡ sò giống đủ lớn, nuôi ngoài môi trường tự nhiên, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra sự phát triển của sò, thu hoạch “tỉa thưa” từng đợt. (Trong ảnh: Anh Nguyễn Tuấn Dủ, kênh Trưởng Ðạo, ấp Hiệp Hoà Tây, xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau) kiểm tra kích cỡ sò huyết thương phẩm).
Ngoài ương sò giống, hiện anh Nguyễn Tuấn Dủ có 2 ha đất nuôi sò huyết thương phẩm, năm vừa rồi, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Ðây thực sự là con số đáng mơ ước đối với người nuôi trồng thuỷ sản...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.