Huyện Kim Sơn là một huyện ven biển của tỉnh Ninh Bình, nơi đây có nghề nuôi trồng thủy hải sản phát triển vô cùng mạnh mẽ. Nghề nuôi tôm cũng dần chuyển sang nuôi công nghiệp, nhưng bên cạnh đó vẫn còn khá nhiều hộ vẫn nuôi theo hình thức quảng canh, tuy sản lượng thấp nhưng lại cho thu nhập ổn định và chi phí đầu tư thấp hơn.
Hộ nhà ông Đỗ Văn Du (53 tuổi) trú tại xã Kim Đông, huyện Kim Sơn có hơn 7.000m2 mặt nước nuôi trồng thủy hải sản. Hơn 10 năm nay, ông chỉ cho tôm ăn bằng thức ăn tự nhiên và không dùng đến một hạt cám công nghiệp nào để nuôi tôm.
Ông Đỗ Văn Du đang đi cho tôm sú ăn và kiểm tra tốc độ phát triển của chúng.
Ông Du cho hay, nuôi tôm quảng canh như ông năng suất rất thấp, ao đầm rộng như thế mà mỗi vụ cũng chỉ được có vài tạ. Do thả mật độ thưa nên tôm tự kiếm thức ăn tự nhiên trong ao đầm, một tuần cho ăn thêm khoảng 2 lần, thức ăn là cá mồi thái nhỏ hoặc có con dắt cho ăn thì càng tốt
“Vì không sử dụng kháng sinh và cho ăn cám công nghiệp nên thịt tôm chắc, thơm ngon như tôm ngoài tự nhiên. Cứ mỗi lần vớt tôm bán cũng khổ lắm, tôm thì có ít mà người mua lại nhiều, nhiều lúc họ lại tranh nhau mua”, ông Du chia sẻ.
Theo ông Du, hiện tại ở dưới ao nhà ông Du đang nuôi thả hơn 1 vạn con tôm sú, số tôm này chỉ cần nuôi thêm tầm hơn 1 tháng tôm đạt trọng lượng từ 30-40 con/kg là xuất bán được và giá luôn ở mức trên dưới 400 ngàn đồng/kg. Một năm gia đình ông nuôi được 2 vụ, nếu việc nuôi thuận lợi thì mỗi vụ thu được khoảng 400kg tôm.
“Trung bình mỗi năm cũng kiếm được hơn 100 triệu đồng, nếu thời tiết thuận lợi thì có những năm kiếm đến 200-300 triệu đồng từ bán tôm”, ông Du tiết lộ.
Thức ăn cho tôm sú chủ yếu là cá mồi thái nhỏ hoặc dắt, mỗi tuần được cho ăn khoảng 2 lần.
Cũng theo ông Du, nuôi tôm công nghiệp tuy cho năng suất và lợi nhuận cực kì cao nhưng lại rủi ro lớn, nếu không may bị chết chóc thì coi như mất trắng, thiệt hại cả tỷ đồng. Còn nuôi tôm theo kiểu bắt tôm ăn kham khổ như của ông thì thời gian nuôi lâu hơn và năng suất thấp do nuôi thả với mật độ thưa. Nhưng đổi lại tôm đỡ bị bệnh hơn và chi phí đầu tư cực kì thấp nên nếu có rủi ro thì thiệt hại không đáng kể gì.
Cũng giống như hộ nhà ông Du, hộ nhà ông Nguyễn Văn Tính cũng có thu nhập lên đến hàng trăm triệu từ nuôi tôm sạch. Ông Tính cho biết, nuôi tôm theo cách này chẳng phải đầu tư một thứ gì hết. Mỗi vụ chỉ phải bỏ ra vài triệu tiền mua giống, còn thức ăn thì đánh bắt ngay cá tạp ở dưới ao cho tôm ăn, nếu không đủ thì mới đi mua thêm cá mồi hoặc dắt về cho ăn nên chi phí không đáng kể bao nhiều.
Thông thường tôm nuôi khoảng gần 5 tháng mới bán được, giá thu mua tôm sú hiện tại ở mức 400 ngàn đồng/1kg đối với loại 30-40 con/kg. Nuôi thả theo kiểu tự nhiên này cũng khá nhàn, một tuần cho ăn 1 lần cũng chẳng sao do chúng tự kiếm được thức ăn tự nhiên sẵn có trong ao. Cho ăn nhiều quá cũng không tốt, vì thức ăn thừa sẽ gây ôi nhiễm nước và tôm dễ mắc bệnh hơn
Nhờ tôm sú theo cách độc đáo này mà nhiều hộ nuôi tôm ở huyện Kim Sơn có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
“Mỗi vụ thả khoảng 3 vạn tôm giống, đến lúc bán chỉ cần sống khoảng 1/3 là đã thắng lớn lắm rồi, kiếm được tiền trăm triệu nhẹ nhàng. Nhiều lúc muốn bán cho một người thôi nhưng chỉ nghe nhà mình kéo tôm bán là lúc sau thương lái đến đầy nhà, tranh nhau mua”, ông Tính nói thêm.
Ngoài ra, trong ao tôm rảo tự nhiên sinh trưởng và phát triển rất nhiều nên tuần nào cũng phải rải đăng, lú để bắt. Nhằm cho ao nuôi thoáng và cho con tôm sú mình nuôi không bị cạnh tranh thức ăn.” Tuần nào tôi thả lú cũng bắt được 4-5 kg tôm rảo, mỗi kg có giá 220 ngàn đồng, nhờ bắt tôm rảo tự nhiên bán mà ngày nào tôi cũng có đồng ra đồng vào”, ông Tính chia sẻ.
Bà Đoàn Thị Điệp, một thương lái chuyên thu mua tôm ở các xã ven biển của huyện Kim Sơn cho biết, hiện thị trường rất ưa thích loại tôm được nuôi theo kiểu quảng canh. Vì thức ăn chủ yếu là cá tạp và dắt nên thịt tôm chắc, thơm ngon nên cá giá cao. Do sản lượng thấp mà nhu cầu về loại tôm này của khách hàng cao nên bà phải luôn túc trực tại các ao sắp bán và săn tìm mua cho bằng được. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.