Nuôi tôm ở các tỉnh duyên hải miền Trung: Nhiều mô hình thu tiền tỷ, nhưng chưa bền vững
Nuôi tôm ở các tỉnh duyên hải miền Trung: Nhiều mô hình thu tiền tỷ, nhưng thách thức vẫn còn
Trần Hòe
Thứ bảy, ngày 10/12/2022 06:14 AM (GMT+7)
Ngày càng có nhiều mô hình nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh duyên hải miền Trung đưa lại lợi nhuận tiền tỷ cho người nuôi. Tuy nhiên, để phát triển nuôi tôm nước lợ ở khu vực này bền vững thì còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Ngày 8/12, tại TP.Huế (Thừa Thiên -Huế), Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức hội thảo giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững tại một số tỉnh duyên hải miền Trung.
Lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi vụ nuôi tôm
Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm gần đây, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt ở vùng cát ven biển (với tổng diện tích 285ha) và vùng cao triều ở địa bàn tỉnh đã và đang phát triển mạnh.
Các mô hình đã áp dụng kỹ thuật nuôi thâm canh theo hướng VietGAP, nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Năng suất nuôi tôm thẻ trên ao lót bạt ở vùng cát ven biển đạt 15-20 tấn/ha/vụ, mỗi năm có thể nuôi 2-3 vụ. Đối với nuôi tôm thẻ lót bạt ở vùng triều thì năng suất từ 8-12 tấn/ha/vụ.
Tại Quảng Trị cũng có nhiều mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học tại các xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Lâm (Vĩnh Linh) đạt sản lượng bình quân 3,5 tấn/ha.
Mô hình nuôi tôm chân trắng trên cát bảo đảm an toàn thực phẩm tại 3 huyện Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh với quy mô 4,75ha đạt năng suất trung bình 27 tấn/ha, lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/ha. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn tại 2 huyện Vĩnh Linh và Triệu Phong đạt năng suất 25 tấn/ha, lợi nhuận đạt 800 triệu đồng/ha.
Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, giải pháp nuôi tôm bằng vi sinh, chế phẩm sinh học và áp dụng khoa học kỹ thuật là vấn đề cấp thiết để phát triển bền vững. Đó là ứng dụng các mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi theo công nghệ Biofloc, nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm theo hình thức thâm canh, VietGAP, nuôi tôm nhà lưới, nhà kính...
Còn theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế, năm 2018, trung tâm đăng ký thực hiện dự án Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh ven biển miền Trung với quy trình nuôi 2 giai đoạn từ kinh phí Khuyến nông quốc gia.
Sau 3 năm, kết quả các mô hình cho thấy tỷ lệ sống của tôm 76,1%, kích cỡ tôm thu hoạch là 57,9 con/kg, hệ số FCR là 1,06, năng suất mô hình thu được là 10,52 tấn/ha, vượt yêu cầu của dự án đề ra.
Áp dụng công nghệ sinh học để nuôi tôm bền vững
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức đối với nghề nuôi tôm nước lợ ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Về tôm giống, tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần. Còn nhiều cơ sở tôm giống chưa được kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng theo quy định nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch. Công tác quản lý, phối hợp quản lý giống ở một số địa phương chưa tốt, dẫn tới tình trạng tôm kém chất lượng vẫn được buôn bán.
Bên cạnh đó, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao so với các nước trong khu vực, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp. Công tác đăng ký nuôi tôm nước lợ còn chậm, tỷ lệ đăng ký thấp dẫn đến khó khăn trong truy xuất nguồn gốc; việc dự báo thị trường yếu kém do thiếu thông tin...
Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững, như: Phát triển nuôi tôm sú sinh thái ở rừng ngập mặn, nuôi hữu cơ, nuôi tôm-lúa ở khu vực ven biển phù hợp với quy hoạch, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nuôi tôm chân trắng theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái...
Theo PGS -TS Nguyễn Ngọc Phước (Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế), nghề nuôi tôm nước lợ tại các tỉnh duyên hải miền Trung có nhiều lợi thế, tuy nhiên quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu nên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Để nuôi tôm phát triển bền vững và hiệu quả, cần có giải pháp quản lý mạnh mẽ trong công tác sản xuất giống và đảm bảo chất lượng con giống.
Về công nghệ nuôi, việc áp dụng công nghệ sinh học trong công nghệ giống, công nghệ nuôi nên được xem là con đường tiên tiến nhất nhằm phát triển nghề nuôi tôm bền vững.
Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đang là xu thế mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, chính vì chạy theo lợi nhuận nên người dân đầu tư nuôi theo kiểu công nghiệp với mật độ rất cao, từ 150-300 con/m2. Nhiều hộ không đáp ứng được cơ sở vật chất, kỹ thuật nên gây ra ô nhiễm môi trường, dịch bệnh tăng cao.
"Điển hình dịch bệnh đốm đen gây tỷ lệ chết hàng loạt trên tôm nuôi tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2020 khi người dân nơi đây nuôi tôm với mật độ cao. Dịch bệnh đã giảm khi người dân giảm mật độ xuống còn 100 con/m2. Chính vì vậy, cần thay đổi nhận thức cho người dân là làm ra bao nhiêu tiền, chứ không phải nuôi bao nhiêu tôm" – PGS Phước nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.