Nương ngô xóa nghèo

Thứ năm, ngày 30/08/2012 07:33 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Từ bao đời nay ngô không phải là cây lương thực truyền thống của xứ thâm sơn này, nhưng giờ đây nó trở thành cây chủ lực đẩy lùi nghèo đói của người Mông đấy”- Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái - Giàng Chứ Ly nói.
Bình luận 0

Người trồng ngô đầu tiên

Người đầu tiên đem giống ngô lai về trồng ở La Pán Tẩn là Chủ tịch xã Giàng Chứ Ly. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, khi La Pán Tẩn đã dần vắng bóng hoa anh túc nhờ cuộc vận động của chính quyền có hiệu quả, nhìn những mảnh nương trơ trọi như những vết thương nham nhở chưa liền da, Giàng Chứ Ly trăn trở: “Biết trồng cây gì thay thế trong khi bà con đặt trọn vẹn niềm tin vào cán bộ”.

img
Niềm vui của người Mông ở La Pán Tẩn với vụ ngô bội thu.

Cân nhắc, tính toán, anh quyết định đem giống ngô lai về trồng thử nghiệm trên chính mảnh nương nhà mình. Vụ ngô đầu tiên, toàn bộ ngô giống của nhà anh bị sương muối làm chết hết. Tuy có đôi chút dao động, nhưng anh không chịu bó tay, vừa tiếp tục tìm tài liệu để đọc, vừa tìm cán bộ khuyến nông huyện để bổ sung thêm kiến thức...

Vụ ngô tiếp theo cho thu hoạch, Giàng Chứ Ly mừng đến nỗi cứ ngây người ngắm nhìn, ve vuốt những bắp ngô hạt to, tròn, dẻo thơm ngầy ngậy. Giờ đây, ngô đã trở thành cây trồng không thể thiếu của La Pán Tẩn và câu chuyện về trồng ngô của Giàng Chứ Ly vẫn được bà con thán phục.

"Tôi luôn tin rằng, chỉ có những nương ngô mới giúp cho bà con người Mông ở các bản hết đói. Cây ngô bám rễ được vào những mảnh nương cằn cỗi để cho thu hoạch những vụ mùa bội thu đó chính là phần thưởng dành cho những cán bộ làm công tác Hội Nông dân như tôi trước đây và các thế hệ cán bộ trẻ bây giờ..." - ông Ly tâm sự.

Mỗi năm mua 3 xe máy

Cái nắng tháng 8 như nung không làm giảm đi sự hào hứng của đồng bào Mông ở bản Trống Tông chăm sóc những nương ngô đang độ vào hạt. Lau vội mồ hôi trên gương mặt đen sạm vì nắng gió, anh Hảng Cáng Dơ cười vui vẻ: "Trước đây, thửa nương này mình trồng lúa Mộ (một giống láu nương), chăm chút quần quật cả năm mà vẫn thường xuyên thiếu đói. Được cán bộ Hội ND xã vận động chuyển sang trồng ngô, lại được cấp giống, phân bón, vợ chồng mình và bà con đã hưởng ứng ngay. Vụ này, mình sử dụng toàn bộ 1ha đất nương để gieo giống ngô lai CP3Q. Giống ngô này hợp với thổ nhưỡng nên phát triển tốt, thân mập, bắp đều, hứa hẹn sẽ cho năng suất cao". Theo anh Dơ, 1ha gia đình anh thu được ít nhất 4 tấn ngô hạt.

"Giá trị kinh tế của ngô cao gấp 4 lần so với cùng diện tích trồng lúa nương và gấp 2 lần so với trồng lúa nước ở chân ruộng bậc thang kém hiệu quả..." - anh Thào A Tuấn, khuyến nông viên xã.

Chẳng riêng ở Trống Tông mà ở các bản Trống Páo Sang, La Pan Tân, Tà Chí Lừ... người dân cũng chuyển từ cây lúa nương sang trồng ngô, hoa màu. Nhiều hộ trồng ngô theo hướng thâm canh nên dù diện tích ít vẫn thu được 4- 5 tấn ngô hạt mỗi năm. "Tính giá bán ngô trung bình 8.000 đồng/kg, thì bình quân hàng năm mỗi nhà mua được 3 chiếc xe máy. Giá trị kinh tế của ngô cao gấp 4 lần so với cùng diện tích trồng lúa nương và gấp 2 lần so với trồng lúa nước ở chân ruộng bậc thang kém hiệu quả..." - anh Thào A Tuấn, khuyến nông viên xã cho biết.

Bí thư Đảng ủy xã Hờ Chờ Sử thống kê nhanh: "Đến nay, toàn xã La Pán Tẩn đã chuyển đổi được gần 100ha lúa nương sang trồng ngô bằng giống Ag 59, CP3Q... thu hút bà con cả 7 bản hưởng ứng. Cứ đà này, toàn xã sẽ thu được khoảng trên 300 tấn ngô hạt, trị giá chừng 2,1 tỷ đồng. Ngô đang đem lại no ấm cho mảnh đất La Pán Tẩn xa xôi, heo hút một thời...”.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem