Ở Huế mùa này trên trời nóng dưới mít chín, mít mật múi to bự, cắn ngập chân răng, tứa mật ngọt
Vườn ở Huế thường trồng loại cây ra trái to bự, múi quả chín thơm khắp làng, cắn ngập chân răng ra mật ngọt
Thứ sáu, ngày 09/08/2024 13:29 PM (GMT+7)
Như nhiều vùng miền khác, cứ vào tháng 7, tháng 8 là Huế vào mùa mít chín rộ. Trong vườn Huế thường có hai loại mít: Mít ướt và mít ráo. Mít mật khi cắn vào múi thì tươm ra dòng mật ngọt.
Trong những khu vườn truyền thống Huế, cây mít thường có mặt như một điều hiển nhiên. Không đơn thuần là một loại cây ăn trái, mít hiện diện trong đời sống văn hóa Huế từ ẩm thực, văn học dân gian, mỹ thuật tạo hình, kiến trúc cho đến triết học, tôn giáo.
Như nhiều vùng miền khác, cứ vào tháng 7, tháng 8 là Huế vào mùa mít chín rộ. Trong vườn Huế thường có hai loại mít: Mít ướt và mít ráo.
Ăn mít ướt đúng điệu thì phải bổ dọc, sau khi nhẹ nhàng bóc phần cồi (cùi) ra, dùng đũa gắp từng múi chấm với muối trắng để ăn. Vị ngọt và có chút the rút nơi đầu lưỡi là đặc điểm riêng của mít ướt. Mít ráo thì nhiều loại hơn: Mít dừa có múi dày và dòn, mít nghệ vàng ươm, mít mật khi cắn vào múi thì tươm ra dòng mật ngọt.
So với mít ướt, cách ăn mít ráo có những khác biệt nhất định. Khi cắt vỏ, bỏ cùi, người Huế thường lấy lá chuối hay lá vả để lót và lau sạch mủ.
Đặc biệt, lớp thịt sát vỏ được gọi là “đợn mít” rất được trẻ con ưa thích. Phần xơ mít cũng không hề bị vứt bỏ mà được các bà, các mẹ đem kho với cá nục tươi hoặc dùng để làm các món chay: xơ mít kho, chả xơ mít. Xơ mít còn được cẩn thận phơi khô, mùa đông đến thì kho chung với cá cấn, cá mại.
Hầu hết nhà vườn ở Huế dều trồng mít như nguồn thực phẩm tự cung tự cấp. Trong vườn Huế thường có hai loại mít: Mít ướt và mít ráo. Ảnh: MC
Hạt mít cũng là món “tích cốc phòng cơ” của người Huế. Hạt mít tươi sau khi lột lớp màng bên ngoài (gọi là “đài mít”) rồi đem luộc cùng nồi sắn, khoai cũng đủ để cả nhà lót dạ buổi sáng.
Những hạt mít khô vùi trong bếp lửa mùa đông, thỉnh thoảng nổ đôm đốp, thơm lừng, bùi bùi, mặn mặn là ký ức đậm đà của nhiều thế hệ người Huế.
Cầu kỳ hơn, hạt mít sau khi luộc, bóc vỏ, giã mịn rang lên cùng gia vị thì vắt thành từng viên nhỏ, nhét vào múi mít (mới chín hườm), phết mật ong lên, lấy cọng hành buộc lại rồi đem hấp. Đây là món “mít vương phủ” đậm chất Huế mà không phải ai cũng có điều kiện thưởng thức.
Người Huế cũng có “nhiều điệu” ăn mít non. Mít non ram. Mít non luộc chấm nước tương, nước ruốc hoặc mắm nêm hay cắt mỏng trộn cùng mè hay đậu phụng.
Mít non nấu canh tôm, thịt thì không thể thiếu lá sân hay lá lốt... Việc trồng mỗi cây mít trong vườn thường nằm trong những tính toán của gia chủ về cột, kèo, đòn tay, rui, mèn, tủ, giường, bàn, ghế… để vài mươi năm sau có một căn nhà gỗ khang trang.
Màu sắc gỗ mít đẹp, độ cứng cao, thớ gỗ mịn, tính ít giãn nở… là lý do các gia chủ ưu tiên sử dụng gỗ của loại cây này.
Không chỉ vườn nhà, vườn chùa Huế cũng trồng rất nhiều mít. Ngoài nguồn thực phẩm tự cung tự cấp, mít còn là loại cây tâm linh, biểu tượng cho đạo Phật.
Mít là từ rút gọn của từ Pāramī trong tiếng Phạn (được phiên thành âm Hán Việt là Ba la mật - 菠 蘿 蜜). Pāramī (Ba la mật) là một khái niệm liên quan đến thực hành Bồ tát trong Phật giáo.
Tùy theo tông phái, Pāramī hay Hạnh Ba La Mật có thể 4, 6 hay 10 đức hạnh trong đó Hạnh Bố Thí (Dāna Pāramī) là đức hạnh đứng đầu.
Màu của tấm y kāsāva (cà sa) cũng thường được ví với màu vàng lõi mít. Mõ dùng tụng kinh trong chùa cùng các thứ pháp khí khác như bản, dùi đánh chuông cũng bằng gỗ mít. Gỗ mít cũng được ưu tiên chọn lựa làm các đồ thờ ở chùa và tư gia.
Ở Huế còn có một ngôi chùa đặc biệt mang tên Ba La Mật. Đây hẳn là cách đặt tên đầy dụng ý của ngài khai sơn - Viên Giác Đại sư Nguyễn Khoa Luận (1834 - 1900).
Trong lời ăn tiếng nói, có thể dễ dàng bắt gặp những ví von tiền như lá mít, mít đặc (dốt), mít ướt (tính nhõng nhẽo), tròn như hột mít (dáng người), chắc như hột mít (tính cách)… Và, không phải ngẫu nhiên mà mít cũng là loại quả được khắc trong Cao đỉnh - đỉnh đồng được đặt ở vị trí trung tâm sân Thế Miếu được vua Minh Mạng cho đúc vào năm 1836.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.