Ô nhiễm - Tác nhân gây bệnh phổi

Thứ hai, ngày 11/04/2011 14:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) chịu tác động rất lớn của môi trường. Sự ô nhiễm, chất lượng sống thấp kém, bệnh nghề nghiệp là những yếu tố hàng đầu khiến COPD gia tăng cao trong cộng đồng.
Bình luận 0

Nguy hại và phổ biến

img

Môi trường lao động nhiều khói bụi khiến gia tăng bệnh phổi.

COPD dó phổi bị tổn thương, cuống phổi bị tắc nghẽn một phần gây ra khó thở. Bệnh diễn tiến lâu ngày, có thể nhiều năm trước khi bệnh nhân có triệu chứng khó thở. COPD bao gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng, cản trở luồng không khí lưu thông đi vào phổi. Tuy nhiên, các bệnh khác như xơ nang, giãn phế quản hoặc viêm tiểu phế quản tắc nghẽn cũng có hạn chế mạn tính khí lưu thông.

Bệnh này vô cùng nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới, COPD hiện là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế đứng hàng thứ tư trên thế giới với khoảng 50 triệu người mắc và 3 triệu người chết hàng năm.

Những người mắc bệnh này thường mất sức lao động và tốn nhiều tiền để điều trị. Tuy không phải là bệnh truyền nhiễm từ người nọ sang người kia nhưng khi môi trường ô nhiễm thì COPD tăng nhanh chóng. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2010, Việt Nam có ít nhất 4 triệu người mắc bệnh này.

Bảo vệ môi trường là bảo vệ mình

img Một trong những đặc điểm của các bệnh phổi giai đoạn nhẹ là dùng thuốc 1-2 tuần cảm thấy thuyên giảm hẳn nên nhiều người dừng uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. 100% bệnh nhân phải quay trở lại Viện Phổi để khám là do điều trị không đúng cách khiến bệnh bị mãn tính và kháng thuốc. img

Nhiều nghiên cứu thế giới chỉ rõ thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra COPD. Người ta thấy rằng những người nghiện thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ mắc COPD cao nhất. Ước tính, cứ 5 người nghiện thuốc lá sẽ có 1 người mắc bệnh này. Những nghề nghiệp tiếp xúc với khói, bụi sinh học cũng gia tăng khả năng gây bệnh.

Đối với bà con nông dân ở cạnh các khu công nghiệp bị ô nhiễm, làm nghề đốt gạch, xúc than khả năng mắc bệnh cũng cao hơn. Vì thế, khi làm việc ở môi trường độc hại, bà con nên đeo khẩu trang, đảm bảo vệ sinh thân thể và tập thể dục để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Bà con nên chú trọng tạo môi trường thông thoáng cho nơi ở, bếp phải có lỗ thông gió, thoáng khí nếu đốt than củi. Phòng ngủ cũng cần thoáng đãng, khô ráo. Các cụ ta có câu "nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm" cũng là khuyên chúng ta giữ gìn môi trường sống cho trong lành.

Người dân ở thành phố do sợ khói bụi, tiếng ồn nên thường đóng cửa im ỉm, nhà bí bách. Đây là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sống. Vì thế, nên mở cửa vào lúc sáng sớm có nắng để không khí được lưu thông, "đuổi bớt" vi khuẩn. Đi đường nên dùng khẩu trang.

"Cổng" vào của COPD là đường hô hấp nên mọi người cần tránh để nhiễm khuẩn tai mũi họng, nhất là khi thời tiết thay đổi. Mùa lạnh, ẩm thấp thì cần giữ cho đường thở khô ráo, ấm áp. Mùa hè thì tránh ngâm nước lâu, tránh để nóng lạnh đột ngột, tránh điều hòa quá lạnh, không nên uống nước đá nhiều.

Điều tiên quyết là bỏ thuốc lá để bảo vệ mình và những người xung quanh. Bà con cũng nên đi khám ngay khi bị khó thở, ho khạc có đờm từ hai tuần trở lên để được điều trị đúng cách và kịp thời.

Bệnh nặng hơn có thể bị suy tim nên cần đưa người ốm đi cấp cứu ngay nếu thấy các dấu hiệu: Nói chuyện, đi lại khó, môi và móng tay tím tái, mạch nhanh không đều, thuốc đang dùng không còn tác dụng, thở gấp và khó thở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem