Hệ thống ao nuôi cá nước lạnh tại trại cá hồi của Nguyễn Quang Huy
Khau Phạ tiếng Thái nghĩa là cổng trời, tiếng Mông là Đở Chua, nghĩa là đỉnh núi nhiều gió. Đèo Khau Phạ quanh co dài gần 23km nằm trên độ cao 1.600m, nơi có những cánh rừng tự nhiên thâm u và huyền bí, khởi nguồn cho nhiều con suối lớn nhỏ, nước mát lạnh từ trên những cánh rừng đại ngàn đổ xuống, nguồn nước vô tận để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh…
Tôi không nhớ mình đã vượt Khau Phạ bao nhiêu lần, đây là một trong tứ đại đèo trên vùng núi Tây Bắc mà tôi may mắn đặt chân lên tất cả những con đèo đó. Phía Đông đèo Khau Phạ dài 18,5km chui qua những cánh rừng già có tổng diện tích gần 5.000ha, tất cả những con suối phía sườn Đông đều đổ xuống dòng suối Nặm Lung chảy qua xã Tú Lệ trước khi nhập vào ngòi Hút chảy ra sông Hồng.
Người đầu tiên mở đầu nuôi cá nước lạnh trên đèo Khau Phạ là Nguyễn Quang Huy. Anh kể rằng: Tôi là dân xây dựng, sau khi lên Sa Pa thăm một số hộ nuôi cá nước lạnh ở xã Bản Khoang, họ khuyên tôi ở Mù Cang Chải có nhiều suối nước lạnh nên nuôi cá hồi. Quả thực, tôi cũng rất muốn nuôi cá, nhưng mình chả hiểu biết gì về cá, nhất là nuôi cá hồi. Rất may mắn tôi có một người bạn làm trong ngành thủy sản ở Mỹ, tôi nhờ anh ấy lên Mù Cang Chải xem xét nguồn nước để tư vấn giúp tôi có nuôi được cá hồi, cá tầm không? Sau khi lấy mẫu nước xét nghiệm, đo nhiệt độ nước mùa đông và mùa hạ anh bạn bảo tôi đèo Khau Phạ nuôi được cá nước lạnh. Từ đó tôi quyết định mua đất và xin giấy phép đầu tư, tháng 12/2007 thì bắt tay vào xây dựng trại cá hồi đầu tiên trên Cổng Trời tại suối Háng Năng thuộc bản Tà Chơ xã Cao Phạ…
Nguyễn Quang Huy gọi cá
Cuộc đời thăng trầm của Nguyễn Quang Huy dài lắm, anh đã hai lần vô “nhà đá” vì chuyện “cơm đen”, “thuốc trắng”. Bởi Mù Cang Chải vào những năm 70 thế kỷ trước từng được mệnh danh là “thủ đô” của cây thuốc phiện. Tháng 2/1975, tôi là giáo sinh Trường Trung cấp Sư phạm Nghĩa Lộ lên thực tập tại xã Khao Mang, hoa thuốc phiện nở bạt ngàn trên các sườn núi. Thuốc phiện nhiều đến nỗi có thể xin nhau cục thuốc phiện to bằng quả trứng vịt không khó. Bởi thế, vào những năm đó người ta thống kê Mù Cang Chải cứ 10 người thì có 1 người nghiện. Cây thuốc phiện chính thức bị dẹp bỏ vào cuối những năm 1980. Sống giữa “thủ đô” của cây thuốc phiện, Nguyễn Quang Huy bị dòng xoáy của cây thuốc phiện cuốn hút và anh đã phải trả giá.
Ban đầu chưa kịp xây ao anh dùng bạt ni lông trải xuống nền ao để giữ nước và cũng chỉ dám nuôi thử 10.000 con. Sau 6 tháng, trọng lượng mỗi con đạt từ 0,7 - 0,8kg, một số khách hàng đã tới đây đặt mua. Niềm vui vừa đến thì cơn bão số 4 năm 2008 ập đến, nước lũ từ trên núi đổ xuống, bùn đất tràn vào ao khiến cá chết sặc khoảng 15 tấn. Nhìn cá chết nổi trắng ao, anh nghĩ mình sạt nghiệp, phải bỏ con cá hồi thôi... Vớt số cá còn sống sót anh chuyển sang ao xây nuôi tiếp xem thế nào. Cuối năm 2008, các nhà hàng đặc sản ở Hà Nội, Yên Bái và tận bên Trung Quốc tìm tới trại cá hồi của anh đặt mua với giá 200.000 đồng/kg, số lượng không hạn chế. Năm đó anh bán được 4 tấn, niềm vui đã trở lại. Anh bảo tôi: Ban đầu nuôi cá hồi cũng giống như người đi trong rừng, mịt mùng chẳng biết đường nào, nhưng cứ lần mò mãi rồi cũng tìm thấy được lối ra.
Tháng 7/2009 một mình tôi lang thang lên Khau Phạ ngủ đêm tại trại cá hồi của Nguyễn Quang Huy. Anh không ở đó mà giao cho Đạt, người em họ của anh điều hành công việc. Mọi người gọi Đạt là “phó GĐ quần đùi”. Bởi suốt ngày Đạt chỉ vận quần đùi áo may ô lội ì oạp dưới ao, khi thì cho cá ăn, khi làm vệ sinh… quẩn quanh bên đàn cá. Tôi hỏi Đạt: Cứ sống trên đèo thế này, bao giờ thì lấy vợ? Đạt cười: Cháu năm nay ngót ba mươi tuổi rồi, suốt ngày ở trên núi chả đi đến đâu, nên cũng chẳng biết khi nào thì lấy được vợ…
Bể ấp trứng cá hồi
Lần này trở lại Khau Phạ tôi hay tin Nguyễn Quang Huy sau mấy năm “nghỉ mát” đã trở về tiếp tục nuôi cá hồi, nên tôi quyết định vào thăm anh. Khi giáp mặt nhau câu đầu tiên Huy kêu to: Ối giời ơi, nhìn anh vẫn như ngày xưa, suýt nữa em không nhận ra…Tôi mắng Huy một chập rồi bảo: Chú phải biết ơn vợ chú, nhờ cô ấy chèo chống suốt mấy năm chú đi vắng giữ lại được trại cá hồi này để chú trở về tiếp tục công việc nuôi cá…
Mới đầu Huy rất ái ngại khi nói về mình, anh bảo: Thôi anh để cho em yên, mệt mỏi quá rồi… Tôi nói: Cuộc đời của mỗi con người đều có những khúc quanh. Ngã mà đứng dậy được để đi tiếp mới là người có ý chí, chú hiểu chứ?
Nghe thế Huy vui vẻ dẫn tôi lên xem hệ thống ao nuôi cá hồi mà anh vừa xây lại có mái che. Anh thành thật: Em vừa bỏ ra 20 tỷ để xây lại toàn bộ hệ thống ao và mở rộng sang phía bên kia hơn chục ao nữa… Anh dẫn tôi vào nhà ấp trứng và cho biết toàn bộ trứng cá anh nhập từ bên Mỹ, tự ấp nở để chủ động nguồn giống và kiểm soát dịch bệnh. Hiện có 20 công nhân đang làm việc cho anh. Năm 2018 anh dự kiến nuôi 100 tấn cá hồi, với giá đang bán tại trại là 250.000 đồng/kg mà vẫn không đủ bán.
Phía dưới trại cá hồi của Nguyễn Quang Huy có hai trại cá hồi của Nguyễn Như Quỳnh và Lê Trung Thức mới xây dựng từ năm 2016, bắt đầu nuôi cá từ năm 2017. Quỳnh kể: Cháu trước đây làm đầu bếp cho một nhà hàng cá hồi ở Sa Pa, sau khi biết Khau Phạ có nguồn nước lạnh, với nhiệt độ nước trung bình từ 16 - 20oC, nên mấy người chúng cháu góp tiền mua đất rồi xin phép được nuôi cá nước lạnh ở đây. Hiện cháu có 8 ao to, mỗi ao chừng 100m3 và một ao nhỏ để nuôi cá giống.
Nguyễn Như Quỳnh cho cá ăn
Năm 2018 trại cá hồi của Nguyễn Như Quỳnh dự kiến xuất khoảng 10 - 15 tấn, mỗi tháng trung bình xuất 2 tấn. Khách hàng khắp nơi, họ dùng xe chuyên dụng hoặc trại chở cá tới các địa chỉ ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng…, nơi nào mua thì chở đến cho họ. Với giá cá hiện nay 250.000 đồng/kg tính sơ sơ mỗi năm trại cá của Nguyễn Như Quỳnh lãi ròng xấp xỉ 1 tỷ đồng. Quỳnh bảo: Đấy là về mặt lý thuyết, còn thực tế không thể biết trước được, nuôi cá trên núi có nhiều rủi ro lắm, ví như lũ, hay sạt lở đất, bệnh tật có khi mất trắng…
Tới trại cá của Lê Trung Thức, chỉ gặp anh trai của Thức là Nguyễn Duy Thường đang giúp em quản lý. Thường bảo: Đầu tư hết bao nhiêu cháu không nắm được đâu, trại này nuôi từ cuối năm 2016, tính đến thời điểm này cũng đã bán được vài chục tấn rồi. Khách hàng ở Hà Nội, Sa Pa và tận Sơn La nữa. Thường vui vẻ dẫn chúng tôi đi xem ao và bảo: Cháu vừa cho cá ăn sáng no rồi, bây giờ cho ăn chúng lên ít lắm…
Lê Duy Thường cho cá ăn
Thái Sinh (Nông nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.